Tạp bút

Tìm hiểu kỹ, am hiểu nhiều để bớt hiểu lầm nhau

Cập nhật, 22:43, Chủ Nhật, 20/08/2017 (GMT+7)
Phá vỡ tổ tò vò, phát hiện nhộng tò vò và thức ăn dự trữ là những con nhện nhỏ.
Phá vỡ tổ tò vò, phát hiện nhộng tò vò và thức ăn dự trữ là những con nhện nhỏ.

Nhiều người mượn bài ca dao “Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi, nhện hỡi! Nhện đi đằng nào?” để nói về người mất công, mất của nuôi nấng người khác một cách vô ích, vì thường bị đối xử lại bạc bẽo, vô ơn.

Có người lại nói, tò vò chỉ những người mẹ kế nhẫn tâm, ra vẻ yêu thương con chồng, chứ thật ra… Người thì ví kẻ chăn dắt khác chi tò vò, khóc tỉ ti để tạo lòng thương của người đời?! Dùng sức lực và tuổi thơ của trẻ để “xây tổ ấm” cho riêng họ. Nhẫn tâm đến thế là cùng. Vậy quan hệ giữa tò vò và nhện là gì, thực hư ra sao?

Ừ thì tìm hiểu loài nhện và đôi lúc suy nghĩ miên man giữa nhện và người.

Các loài nhện đều có khả năng giăng tơ, một thứ sợi mỏng nhưng bền chắc. Sợi tơ nhện mỏng manh chắc chắn được xe làm sợi dây đàn vĩ cầm, đã làm nên những sắc âm riêng, tặng đời món ăn tinh thần mới mẻ cho người yêu âm nhạc.

Khéo khen kỹ thuật bậc thầy trong giăng tơ của nhện. Bò lên bò xuống, bò qua bò lại, nhện vừa bò vừa nhả tơ từ trong cơ thể dệt thành tấm khung.

Kế đến, nhện dệt những sợi tơ mỏng hơn với những đường thẳng bắc ngang những sợi tơ khung, tạo thành màng lưới đầy nghệ thuật. Mạng nhện là tác phẩm nghệ thuật chân chính và độc đáo vì nhện đã rút sợi tâm tình xe thành.

Và ở trong lòng mỗi con người đều có sợi tơ mỏng manh vô hình nhưng không bao giờ đứt lìa. Ừ thì là tơ vương, tơ lòng… cứ giăng ngang, giăng dọc rồi làm vướng, rối lòng ai. Lúc sợi tơ lòng khắc khoải, nhớ mong người dưng.

Sợi nhớ ấy cứ vướng víu như những sợi tơ nhện dính vào nhau, khó mà dứt bỏ. Và đôi khi bắt gặp chút tâm tình giữa người và nhện: “Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai”. Rồi nhện buồn nhện thả tơ đời, người buồn thả chút tơ lòng mông mênh giữa cuộc đời nhiều chông chênh.

Ừ thì hạnh phúc nhất là khi được làm mẹ. Nhưng hạnh phúc được làm mẹ cũng là lúc chỉ còn lại tấm thân khô, với hơi tàn, lực kiệt, nhện là người mẹ đáng thương nhất! Xúc cảm dạt dào lúc mang thai, nhện giăng tơ làm chiếc tổ bao bọc những quả trứng.

Với những sợi tơ bóng mịn, điểm xuyết những hoa văn màu hồng, màu trắng… Nhện mẹ rút hết tơ lòng để tạo chiếc tổ bền chặt và không gian ấm áp cho lũ con của mình.

Đôi lúc, chúng ta phát hiện một chiếc thân khô bay bay trên nền sân trước nhà, ngoài vườn… Bạn biết không, thật là xót lòng với những thân hình gầy rộc, sau khi đẻ trứng, nhện gầy mòn dần, như chỉ là cái xác khô.

Bầy con đã có chiếc tổ êm ấm, những quả trứng được ấp nở thành những chú nhện con nhờ vào ánh nắng mặt trời. Cũng là lúc nhện mẹ chẳng còn sức lực để chăm bẵm bầy con. Rút ruột nhả tơ kết thành chiếc tổ, không còn một sợi mỏng trong mình. Khác chi những người mẹ cả cuộc đời lận đận và vất vả chỉ vì con. Ừ thì lại miên man đến tơ đời!

Rồi ngày qua ngày, nhện mẹ yếu ớt và mệt mỏi, chỉ còn biết nằm chờ đợi kết cục của cuộc đời. Loài vật tám chân này toát lên tư tưởng nhân văn cao đẹp, bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn với những giá trị trân quý.

Ừ thì tìm hiểu tò vò. Tò vò là loại côn trùng nhỏ, có bụng to và có nọc độc. Lúc nhỏ, tôi thường bắt võng nằm xem tò vò xây tổ. Tò vò ngoạm từng miếng đất nhỏ đem về xây tổ. Tổ vừa xây có màu xám vì bùn nhão chưa kịp khô. Bề ngoài tổ, tò vò trang trí rất độc đáo, miệng tổ hướng lên trên. Xây tổ xong, tò vò tìm những con sâu, con nhện nhỏ nhốt đầy vào trong đó.

Tôi xuống bếp lò của cô Hồng tìm tổ tò vò. Cô Hồng khen loài vật có dáng đẹp và nhỏ nhắn này: “Thân hình nhỏ xíu, tò vò ngoạm bùn nhão đem về xây tổ, tài tình thật”.

Và tôi đã phát hiện ra tổ tò vò và phá vỡ tổ tò vò ra, ngạc nhiên khi có đến 17 con nhện nhỏ nằm bất động trong ổ. Nhện chính là món ngon mà tò vò mẹ chuẩn bị sẵn cho đàn con. Tò vò đẻ ấu trùng ngay trực tiếp lên tổ nhện và con nhện đã bị tò vò bắt nhốt ở tổ. Vậy là ấu trùng tò vò nở ra đã có thức ăn để ăn ngay.

Đến đây, chúng ta đã có câu trả lời và một lời xin lỗi loài nhện đáng thương. Và tôi rút ra được bài học từ chuyện này. Đó là, nhận xét một vấn đề gì về nhân phẩm cần tìm hiểu kỹ, nắm rõ vấn đề rồi hãy đánh giá và nhận xét để người khác không bị tổn thương. Cần am hiểu nhiều điều để bớt hiểu lầm nhau nữa chứ.

  • Bài, ảnh: MAI KHA