Ngân hàng máu sống "độc nhất vô nhị" ở Trường Sa

Cập nhật, 09:00, Thứ Hai, 24/04/2017 (GMT+7)

Ngân hàng máu sống hoàn toàn thiết thực và hiệu quả, nhất là tại Trường Sa trong điều kiện cấp cứu khẩn cấp bệnh nhân cần truyền máu.

Trong đoàn công tác số 6 – tháng 4/2017 ra làm việc, thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), có những thành viên rất đặc biệt.

Họ ra đảo nhưng không có thời gian đi thăm thú, chụp hình, giao lưu như những thành viên khác mà làm việc “đầu tắt mặt tối” từ khi đặt chân lên đảo, đến khi đoàn thông báo ra cầu cảng về thuyền.

Họ nổi bật với màu áo đỏ - màu của máu. Đó chính là những cán bộ, bác sĩ của Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, tới Trường Sa lần này để triển khai chương trình ngân hàng máu sống.

Trăn trở gần 10 năm của những người thầy thuốc

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Chủ nhiệm Quân y vùng phía Bắc quần đảo Trường Sa chia sẻ câu chuyện các chiến sỹ quân y ở đảo Song Tử Tây trong năm qua cấp cứu 2 trường hợp cần truyền máu khẩn cấp, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.

Các bác sĩ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương kiểm tra sức khỏe chiến sĩ tại Trường Sa để đưa vào danh sách trong ngân hàng máu.
Các bác sĩ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương kiểm tra sức khỏe chiến sĩ tại Trường Sa để đưa vào danh sách trong ngân hàng máu.

Đó là một ngư dân được đưa vào trạm xá đảo với một bàn chân trái bị đứt gần lìa và trường hợp thứ hai cũng là một ngư dân bị xuất huyết tiêu hóa nặng.

Để cứu ngư dân gặp nạn, điều quan trọng số một là cần có nguồn máu phù hợp để truyền cho bệnh nhân. Theo đó, các chiến sỹ quân y phải huy động lực lượng lấy máu xét nghiệm, xác định nhóm máu rồi mới truyền cho người bệnh.

Nếu ở đất liền hoặc bệnh viện lớn, điều đó sẽ rất phổ biến và dễ dàng, nhưng ở đảo xa sẽ vô cùng khó khăn, gấp gáp, thậm chí nếu làm chậm có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

“Ngân hàng máu sống ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo cũng như ngư dân hoạt động trên biển vùng lân cận.

Trong tình huống cần phải truyền máu, ngân hàng này sẽ giúp chúng tôi huy động một cách nhanh nhất có thể nguồn máu tươi, giúp cho những bệnh nhân cần truyền máu ở bệnh xá được cấp cứu kịp thời, an toàn, cơ hội cứu sống họ sẽ nhanh hơn” – bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ về ngân hàng máu sống đặc biệt tại Trường Sa, GS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, đây là ấp ủ gần 10 năm qua của ông và các đồng nghiệp tại Viện.

Trên tinh thần cam kết với Cục Quân Y, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Y học Hải quân là xây dựng ngân hàng máu sống, lực lượng hiến máu dự bị có hiệu quả và bền vững, chuyến công tác lần này, Viện triển khai tại các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, việc truyền máu ở các khu vực tập trung dân cư cũng như các thành phố lớn là rất phổ biến, nhưng đối với vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nếu áp dụng tương tự sẽ không hiệu quả.

Nhiều khi chuẩn bị được máu, mang đến nơi lại không cần nữa hoặc ngược lại, những lúc rất cần máu để truyền lại không có. Thậm chí nếu đưa máu ra đảo thì không có phương tiện lưu trữ, như thế sẽ rất lãng phí.

“Bản thân tôi đã đi nhiều đảo, vùng sâu vùng xa, đã trăn trở gần 10 năm mới có lời giải cho bài toán này. Đó là tại sao chúng ta không xây dựng danh sách những người hiến máu.

Ngành y những người sẵn lòng hiến máu, khỏe mạnh, mang nhóm máu có thể truyền được cho mọi người. Máu dự trữ trong người của họ, không cần tủ lạnh mà luôn mới.

Từ đó chúng tôi hình thành ý tưởng triển khai ngân hàng máu sống tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, trình Bộ Y tế và cho phép được thực hiện” – GS.Nguyễn Anh Trí nói.

Phát minh chỉ có ở ngành y Việt Nam

Đề tại cấp Bộ: “Xây dựng ngân hàng máu sống bằng lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả nhằm đảo bảo an toàn cho hiến máu ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo” của Viện Huyết học và truyền máu Trung ương được bảo vệ thành công và được áp dụng từ cuối năm 2016 tại một số nơi vùng sâu, biên giới, hải đảo như Đồng Văn (Hà Giang), Tịnh Biên (An Giang), Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận)… mang lại hiệu quả rất thiết thực.

GS. Nguyễn Anh Trí cho biết, chỉ cần chỉ cần từ 1 – 5% người dân tại địa bàn đồng ý tham gia thuộc nhóm máu O và họ sẵn lòng hiến máu, có đủ sức khỏe, không bị các bệnh lây qua đường truyền máu là đã thành công. Đặc biệt, lực lượng bộ đội luôn sẵn sàng nên vận động lực lượng này không khó.

Thực tế triển khai ngân hàng máu sống cho thấy rất hiệu quả. Khi có bệnh nhân cần được truyền máu, chậm nhất là khoảng 20 phút, nhanh nhất là 8 phút đã có máu để truyền trực tiếp, bảo đảm thời gian vàng trong cấp cứu.

“Tại Đồng Văn, ngay sau khi chúng tôi xây dựng xong, trên đường trở về thành phố Hà Giang đã có một trường hợp được truyền máu. Ở đảo Lý Sơn, bệnh viện rất đẹp, tiện nghi nhưng trước đây bác sĩ không dám mổ vì không có máu, giờ họ đã làm được” - GS. Nguyễn Anh Trí thông tin thêm.

Các bác sỹ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương ra Trường Sa ví von, thay vì họ tặng đảo tủ thuốc to, thì nay chỉ tặng “bản danh sách”.

Với danh sách đó, cứ 3 – 6 tháng, các “ngân hàng máu di động” sẽ được kiểm tra lại sức khỏe một lần. Đối với chiến sỹ ở Trường Sa, có đặc thù luân chuyển hàng nằm, thì những người mới sẽ là nguồn kế tiếp và sẽ được quân y tại đảo thăm khám lại và đưa vào danh sách. Đây thực sự là một phát minh, mà y học các nước trên thế giới không có.

Theo Thượng tá Hồ Sỹ Hùng, Chủ nhiệm Quân y vùng 4 Hải quân: “Ngân hàng máu sống hoàn toàn thiết thực và hiệu quả, nhất là tại Trường Sa. Đặc biệt, lực lượng hải quân được sàng lọc về sức khỏe tương đối tốt trước khi ra đảo công tác.

Không những thế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên đảo cũng như ngư dân đánh bắt ở khu vực lân cận sẽ được tốt hơn. Điều đó rất ý nghĩa, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN