Hoa kiểng đồng bằng, đầu vụ đã lo

Cập nhật, 06:24, Thứ Bảy, 03/12/2016 (GMT+7)

Hiện nay, nhà vườn ở các làng hoa lớn ở ĐBSCL đang tất bật vào vụ sản xuất hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Mới đầu vụ, nhưng nhiều nông dân đã lo mất mùa do thời tiết bất lợi.

Trồng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người trồng hoa thích dang nắng hơn là chịu cảnh mưa dầm.
Trồng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người trồng hoa thích dang nắng hơn là chịu cảnh mưa dầm.

Mưa “trái tính trái nết”

Làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre), Làng hoa Tân Quy Đông (Sa Đéc), Làng mai vàng Phước Định (Vĩnh Long) được ví như “vương quốc” của hoa kiểng đồng bằng, khi hàng năm sản xuất hàng chục triệu sản phẩm cho thị trường tết. Sản phẩm của làng hoa không chỉ phục vụ cho thị trường miền Nam mà còn ra đến tận miền Trung, miền Bắc.

Nhưng mấy ngày nay, người dân Làng mai Phước Định đứng ngồi không yên vì mai có dấu hiệu nở sớm. Ông Tiêu Hồng Minh- Phó trưởng Ban đại diện làng mai cho biết: “Hầu như nhà nào cũng có mai nở sớm, ước tính khoảng 25% ra hoa”. Nhìn giàn “mai cưng” nở rực đầu tháng 11 âm lịch, người dân làng mai không khỏi xót dạ.

Cô Hoa bên đám hoa cát tường “còn cứu được”.
Cô Hoa bên đám hoa cát tường “còn cứu được”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lùn (xã Long Thới, huyện Chợ Lách- Bến Tre) đang “lui cui” chuẩn bị xuống bông vạn thọ cho kịp tết.

Trước đó, bà phải dọn dẹp 200 chậu cúc Hà Lan bị ngập úng sau đợt mưa bão vừa qua. Bà cho biết: “Năm nay tui xuống giống 1.000 chậu cúc mâm xôi, 500 chậu cúc Hà Lan cho tết thì đến 200 chậu cúc Hà Lan với 200 chậu cúc mâm xôi bị chết do mưa kéo dài gây
ngập úng”.

Đang cắt tỉa những chậu dừa cạn, anh Nguyễn Duy Phương (xã Long Thới, huyện Chợ Lách- Bến Tre) cho biết: “Năm nay trời mưa nhiều mà lại mưa cuối mùa.

Bông thì sợ mưa lắm nên tôi cũng bị hao hụt nhiều”. Ngoài ra, các loại cây kiểng khác như tắc (tứ quí), mai vàng… bị thiệt hại khá nhiều sau đợt hạn, mặn hồi đầu năm nên dự báo rất ít sản phẩm đẹp, chất lượng.

Cô Tô Thanh Hoa (phường Tân Quy Đông- TP Sa Đéc) cũng đang tiếc “hùi hụi” cho đám hoa cát tường của mình. Cô cho biết: “Chết hết mấy trăm”- rồi chỉ đống chậu đất nằm trên giàn “và số còn cứu được cũng không đẹp bằng năm ngoái”.

Cô Hoa giải thích thêm: “Cây bông sợ mưa dầm mà năm nay mưa lại dai dẳng đến cuối mùa. Giờ tui chỉ mong trồng mớ soi nhái Pháp này an toàn”.

Giá nguyên liệu tăng cao

Nguyên liệu trồng hoa tăng giá, bông tết dự kiến giá cũng tăng.
Nguyên liệu trồng hoa tăng giá, bông tết dự kiến giá cũng tăng.

Nguyên liệu trồng hoa ở Sa Đéc cũng như Chợ Lách chủ yếu là phân rơm, tro trấu, xơ dừa, nhưng năm nay giá các loại này đều tăng và nhiều thứ tăng kỷ lục.

Anh Nguyễn Văn Tâm ở Làng hoa Tân Quy Đông đang tưới mớ cúc Đài Loan nói: “Năm ngoái xơ dừa 45.000 đ/bao, năm nay 75.000 đ/bao.

Đó là còn chưa tính mưa nhiều, bông bệnh cũng nhiều phải tốn phân thuốc nhiều hơn”. Gia đình anh Tâm sống bằng nghề trồng bông và tết nào anh cũng bán chợ tết tận TP Hồ Chí Minh. Anh tính: “Chắc năm nay phải bán giá hơi cao hơn năm ngoái mới có lời”.

Là vựa bán giỏ tre cho bà con trong xóm, chú Đào Văn Hiền ở Tân Quy Đông cho biết: “Chậu năm nay mắc hơn năm ngoái khoảng 200 đ/chậu”.

Như sợ chúng tôi không hiểu được “tầm quan trọng” của con số 200đ, chú Hiền nói thêm: “ 200đ chứ không ít đâu vì mỗi người ở đây trồng ít thì cũng vài ngàn chậu bông lận”.

Cách nhà chú Hiền không xa là vựa xơ dừa của anh Đào Hữu Nghiệp. Là người bán mà anh Hiền còn “ngán”: “Mọi năm tôi bán có 15.000 đ/bao, năm nay 22.000 đ/bao, dân ở đây ngán, tôi cũng ngán nhưng… cũng phải mua về bán, còn người trồng vẫn phải mua vì không thì lấy gì trồng. Khổ vậy”.

Trong khi đó, nhà anh Hà Ngọc Hữu chưa chuẩn bị đủ phân rơm để xuống vạn thọ trong mấy ngày tới. Mẹ anh Hữu cho hay: “Con tôi đi kiếm mua phân rơm rồi, đã mắc vậy còn mua không có nữa đó!”

Anh Nguyễn Quốc Duy và vợ là chị Tầng Thị Ngọc Thể (xã Vĩnh Lợi, huyện Chợ Lách) đang vô chậu mớ cẩm chướng cho kịp tết. Những cây con được ươm sẵn, chị Thể cho vào chậu với ít xơ dừa, phân rơm và một chút phân sinh học.

Chị Thể nói: “Phân năm nay tăng quá, tôi muốn vô chậu yếu tay hơn” nhưng anh Duy vừa đẩy xe đến xen vào “mà bông thiếu phân hữu cơ sao tốt được. Bông phải bự, đẹp mới hút khách, nên cũng không bớt được”.

Người dân ở các làng hoa năm nay đang vừa lo trồng bông vừa “nhìn trời, nhìn cây, nhìn mây” với nhiều dự đoán sản lượng sẽ giảm hơn năm rồi. Tất cả đều mong chờ vào một mùa hoa tết đẹp với giá cả hợp lý,
hút hàng.

Ông Tiêu Hồng Minh cho biết: “Mọi năm mai cũng ra hoa sớm nhưng độ tháng 9 hoặc đầu tháng 10 âm lịch thì đến tết chúng tôi còn “cứu” kịp, năm nay thì…”. Rồi ông chỉ “những cây mai năm nay lạ lắm, không ra hoa hết cây mà chỉ tập trung một bên, phía mặt trời lặn… Thời tiết thiệt hiểu không nổi”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN