Ai về xứ sở cam sành

Cập nhật, 16:50, Chủ Nhật, 13/11/2016 (GMT+7)

Trời chiều đã dần chạng vạng, gió lành lạnh khua vườn cam xao xác. Tiếng con nhái bầu cứ kêu đứt quãng tê tái, càng khiến cho Năm Thái thêm buồn da diết.

Cầm ly rượu vừa rót đầy sóng sánh, định nâng lên uống mấy lần, nhưng Năm Thái thấy như nơi cổ họng có cái gì nghèn nghẹn, không thể nào nuốt trôi. Năm Thái đặt ly rượu xuống tàu lá chuối xanh mượt vừa mới cắt lót trên thảm cỏ trước mặt, trên đó có con cá lóc nướng trui còn nóng hôi hổi, thơm lừng.

Mấy cọng rau dừa non tươi Năm Thái hái ngoài ruộng hồi chiều, định ăn kèm với cá lóc nướng trui, vẫn còn nguyên nằm lăn lóc bên chai rượu đế 3 xị đã lưng phân nửa.

Năm Thái ngồi im như thóc, nhìn chằm chằm vào vườn cam của mình vừa mới ra trái chiếng, mà trong lòng dâng lên bao điều ngổn ngang ray rứt.

Ròng rã gần 4 năm trời, vợ chồng Năm Thái bỏ biết bao công sức và tiền của để chờ ngày cam cho ra trái chiếng như hôm nay. Một tương lai xán lạn đang hiện ra trước mặt, một thực tế rành rành, đâu phải trong mơ.

Năm Thái nhẩm tính như kẻ mộng du: “Cam mùa này chưa cao giá, chỉ tính bình quân 10.000 đ/kg, thì 14 công cam sau mùa thu hoạch đầu tiên, trừ hết chi phí, Năm Thái cũng bỏ túi ngon hơ 200 triệu đồng là giá chót.

Và cứ như vậy, những mùa sau năng suất cam càng cao, tiền bán cam càng nhiều, tha hồ đếm tiền mỏi tay. Bởi vậy người ở xứ sở cam sành Tam Bình này chỉ qua một vài mùa cam là đổi đời, xây nhà tường lợp ngói đỏ au, xe gắn máy cứ thong dong rồ ga từ ngõ dưới lên xóm trên, thấy mà ham.

Năm Thái nhủ thầm trong lòng, rồi đây, ngôi nhà lá ọp ẹp của mình sẽ thay thế bằng nhà tường như ai, chiếc xe đạp cà tàng cũng lên đời bằng chiếc xe Honda mới cáu cạnh.

Năm Thái mơ ước về một tương lai như vậy kể từ ngày vừa trồng gốc cây cam đầu tiên. Nỗi niềm mơ ước cháy bỏng đó chính là nguồn động lực to lớn kể từ khi vợ chồng Năm Thái vừa mới ra riêng, được gia đình cho 14 công đất lập nghiệp và quyết tâm làm giàu bằng chính công sức của mình trên mảnh đất của ông bà để lại.

Hai vợ chồng Năm Thái đã quên hết nhọc nhằn, gian lao, ngày ngày ra sức vun trồng vườn cam. Thành quả ấy, đáng lẽ hôm nay vợ chồng anh đã được hưởng, vậy mà…

Năm Thái uể oải đứng dậy, gió mơn man mái tóc hoa râm rối bù, liêu xiêu bước đến bên cây cam ngoài bìa liếp săm soi từng chiếc lá. Cây cam còi cọc có 3 màu lá: xanh, bạc, vàng.

Nhưng đâu phải chỉ một cây cam này, mà cả 14 công cam vừa cho ra trái chiếng của Năm Thái đều bị như vậy hết. Năm Thái nói lầm thầm như kẻ mất hồn: “Cây cam bị bệnh lá vàng lá bạc”.

Chợt phía sau lưng Năm Thái, một giọng nói của phụ nữ dịu dàng thốt lên, như phụ họa cho câu nói của Năm Thái: “Đúng rồi anh, vườn cam của mình chẳng những bị bệnh lá vàng lá bạc, mà còn bị nấm mốc làm thúi rễ nữa”.

Chẳng cần quay lại, Năm Thái cũng dư biết đó là Lệ Quyên- vợ của mình. Anh nói như tự an ủi mà cũng nói với vợ: “Cam bị bệnh thì mua thuốc trừ sâu về xịt, có sao đâu?”

Lệ Quyên âu yếm choàng vai chồng thủ thỉ: “Huyện Tam Bình mình có cả thảy gần 5.000ha cam. Hiện hơn 2/3 vườn cam ở Tam Bình đã bị bệnh lá vàng lá bạc, các nhà khoa học đã đến nhiều vườn cam Tam Bình nghiên cứu và cho biết kết quả như vậy.

Đó là bệnh greening của cây có múi, căn bệnh này do con rầy chổng cánh đục lá non và nấm mốc làm thối rễ. Nó chẳng khác nào là căn bệnh “si đa” của cây cam”.

Năm Thái chưng hửng khi nghe vợ nói, anh lo lắng hỏi vợ: “Nếu vậy thì sao?” Lệ Quyên e ngại nhìn chồng giây lát, rồi chậm rãi nói từng lời như cố tình cho Năm Thái nghe thật rõ: “Không còn cách nào hơn là phải đốn bỏ”.

Năm Thái trợn tròn đôi mắt ngạc nhiên đến hốt hoảng: “Trời đất, bộ điên hay sao?” Lệ Quyên vẫn từ tốn thuyết phục chồng: “ Từ ngày vườn cam của mình bị bệnh lá vàng lá bạc đến nay đã hơn một năm rồi, vợ chồng mình đổ tiền ra mua thuốc trừ sâu về xịt, nhưng đâu có hết, trái lại cây cam ngày càng tàn lụi, chết dần.

Tính ra tiền mua thuốc trừ sâu xấp xỉ tiền mình đầu tư trồng cam lúc ban đầu”. Năm Thái không còn bình tĩnh nghe vợ nói nữa, hai lỗ tai như lùng bùng, anh trợn mắt: “Tui không đốn một cây nào hết, trời đất ơi, 14 công cam đâu phải đùa, cả gia tài nằm trong đó.

Chỉ có người điên, người khùng mới nghĩ chuyện ba trợn như vậy thôi”. Lệ Quyên hạ giọng: “Không phải chỉ có mình anh nghĩ vậy đâu, mà tất cả người trồng cam ở tỉnh Vĩnh Long này đều nghĩ như vậy.

Đồng tiền liền khúc ruột, ai mà chẳng tiếc của. Nghĩ đến chuyện phải đốn bỏ 14 công cam, em đau lòng lắm, vì đây là mồ hôi, là nước mắt, là tài sản, là vốn liếng của vợ chồng mình vừa mới ra riêng.

Nhưng nếu không cương quyết đốn bỏ, thì mầm bệnh của cây cam sẽ lây sang vườn cam khác. Rốt cuộc cả khu vực cam sành Tam Bình này phải chịu lụi tàn, mai một”.

Vợ chồng cùng yên lặng, mỗi người một ý nghĩ khác nhau. Trên trời mây đen vần vũ, trời chớp sắp mưa. Lệ Quyên nói sang chuyện khác: “Mấy hôm rày em đã nói với anh rồi đó, em xin anh cho em đăng ký theo học lớp nghiên cứu chuyên sâu về cây cam.

Đây là lớp học do Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam tại Long Định (Tiền Giang) tổ chức, thời gian học một năm rưỡi”.

Năm Thái quắc mắt nhìn vợ, rồi anh quay lại ngồi xuống bên tàu lá chuối có con cá lóc nướng trui, rót rượu uống liên tục mấy ly liền: “Đi thì… đi luôn đi”. Lệ Quyên không kiềm được đôi dòng nước mắt tuôn dài trong bóng đêm chập choạng.

Đêm đó, Lệ Quyên không tài nào chợp mắt được. Chị nằm sốt ruột lắng nghe con chim ăn đêm lẻ bạn kêu xao xác, mà lòng suy nghĩ rối bời. 8 giờ sáng mai là phải có mặt tại lớp học, muốn kịp giờ thì phải đi chuyến xe khuya khởi hành từ Tam Bình lúc 1 giờ sáng.

Tiếng còi xe thúc giục inh ỏi trong đêm báo giờ xe sắp chạy. Trong khi đó Năm Thái đang nằm say bí tỉ, làm sao đây khi chồng chưa đồng ý cho đi học, nếu tự ý ra đi, có thể hạnh phúc gia đình bị sứt mẻ.

Nhưng đợi tới khi Năm Thái tỉnh dậy thì trễ mất rồi, không bao giờ có được dịp may lần thứ hai. Nếu không tự trang bị cho mình những kiến thức khoa học sâu rộng về phương pháp trồng trọt mới, thì không thể nào thuyết phục được bà con nông dân chịu đốn bỏ vườn cam bị bệnh, vì ai cũng tiếc của.

Như vậy cũng có nghĩa là không vực dậy một vùng đặc sản cam sành. Lệ Quyên chua xót nhìn hai bàn tay của mình, đầu móng tay nào cũng đóng phèn vàng chạch, xấu xí quá chừng, đó là kỷ niệm những ngày cùng chồng đồng cam cộng khổ, đào ao đắp đất vun vén những liếp cam.

Lệ Quyên ngậm ngùi không phải vì bàn tay của mình không còn búp măng xinh đẹp như thời con gái, mà vì tình yêu tha thiết với cây cam, với ông bà cha mẹ suốt đời sớm nắng chiều mưa, tận tụy vun trồng, góp phần cho quê hương Tam Bình vinh danh là xứ sở cam sành.

Càng nghĩ, Lệ Quyên thấy việc ra đi tầm sư học đạo của mình là chính đáng, và Lệ Quyên cũng tin tưởng nơi Năm Thái- một người chồng không đến đỗi hẹp hòi. Lệ Quyên ghi vội cho chồng vài dòng ngắn gọn, rồi vội vàng mang hành lý ra xe.

Những ngày vắng vợ, Năm Thái bực bội vô cùng, cho rằng vợ xem thường mình, đã không cho đi học mà vẫn cứ đi. Mấy lá thư Lệ Quyên gửi về anh cũng không thèm đọc, suốt ngày cặm cụi ngoài vườn cam, hết làm cỏ, vô phân, vun gốc, tưới nước…

Năm Thái nhủ thầm là mình chăm sóc tốt, thì cam sẽ tốt thôi. Một hôm, có kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Quốc Bảo- Trưởng Phòng Kinh tế vườn của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong dịp xuống khảo sát các vườn cam bị bệnh, đã giải thích tường tận cho Năm Thái hiểu biết về chứng bệnh greening của cây cam, không thể nào cứu chữa được.

Bằng chứng hiển nhiên là gần một năm qua, Năm Thái bỏ công chăm sóc rất chu đáo, nhưng cây cam có trở lại tốt tươi đâu, mà càng ngày vườn cam càng vàng úa, rũ lá trơ cành.

Năm Thái mất mấy đêm liền thức trắng suy nghĩ về vườn cam, có nên đốn bỏ hay giữ lại. Càng suy nghĩ, Năm Thái càng thấy thương vợ vô cùng, một phụ nữ thật bản lĩnh, không phải như anh, người đàn ông mà quanh năm chỉ biết bên mái nhà vườn cam và chai rượu, chẳng chịu tìm tòi học hỏi.

Năm Thái nghẹn ngào ôm mặt: “Quyên ơi, anh có lỗi với em quá”. Sáng hôm đó, Năm Thái vác cái búa mà hồi hôm này anh đã mài thật bén, đốn hết vườn cam bệnh.

Bây giờ vườn cam mới vừa trồng lại của Năm Thái đã trở thành mô hình học tập cho các nhà vườn, lúc nào cũng xanh tươi, trái trĩu cành. Ai cũng tấm tắc khen ngợi Lệ Quyên là người phụ nữ giỏi giang, dám xem nhẹ hạnh phúc riêng tư của mình để khôi phục vùng cam đặc sản Tam Bình.

Nhưng Lệ Quyên thì nhỏ nhẹ: “Anh Năm Thái mới là… người hùng, dám đốn bỏ hết 14 công cam vừa cho trái chiếng, làm cho nhiều người trồng cam khác hưởng ứng theo anh.

Chính anh là hướng dẫn viên về mô hình vườn cam sạch bệnh”. Ngoài kia, Năm Thái thao thao những điều được vợ mớm bài với những người đến tham quan vườn cam: “Trồng giống ổi nghệ xen cam vừa cải thiện kinh tế gia đình, vừa là biện pháp bảo vệ vườn cam không bị bệnh lá vàng lá bạc rất hiệu quả, vì từ thân cây ổi xá lị nghệ toát ra một chất rất độc đáo, có khả năng tiêu diệt loài rầy chổng cánh là tác nhân gây ra chứng bệnh greening trên cây có múi…

Điều này được các nhà khoa học đúc kết và công bố tại… tại…” Nghe Năm Thái cà lăm, biết chồng đã quên bài, Lệ Quyên tiếp lời: “… Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam”.

Được vợ cứu bàn thua trông thấy, Năm Thái cười hề hề, tâm đắc trình bày tiếp với khách tham quan: “Ổi xá lị nghệ trồng 3 tháng là có thu hoạch, cho trái dài dài. Trong lúc chờ ăn cam thì ăn ổi”.

Lệ Quyên nheo mắt nhìn chồng tình tứ: “Mình ơi, vậy em có còn được về xứ sở cam sành hay không?” Năm Thái nhìn vợ cười hóm hỉnh, nói bửa đôi: “Ờ… ờ đi hay dìa thì… hỏi vườn cam”.

 NGUYỄN TƯỜNG LỘC (Tam Bình)