Xứ sở Cái Mơn- mùa "khan" cây giống

Cập nhật, 06:48, Chủ Nhật, 14/08/2016 (GMT+7)

Nhu cầu cây giống ở miền Đông rất cao trong mùa trồng tỉa, nhiều vườn cây ăn trái ở miền Tây chết do hạn, mặn cần cải tạo, trồng mới…

Tưởng như đó là 2 lý do khiến vương quốc cây giống Cái Mơn (huyện Chợ Lách- Bến Tre) có dịp làm “vua” đẩy giá cây giống lên cao ngất ngưởng. Nhưng thật ra, nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tăng cao làm cho giá giống cây tăng. Lý do: xâm nhập mặn đã làm hơn 50% lượng cây giống bị ảnh hưởng.

Từ “dư âm” hạn mặn và mùa “khan” cây giống hiện nay, lần đầu tiên chúng tôi nghe nhà vườn của xứ sở cây giống lo âu chuyện thiếu nước ngọt.

Ghe tàu đậu gần bến cầu Cái Mơn Lớn chờ nhận cây giống, hoặc cung cấp nguyên liệu phân tro, trấu...
Ghe tàu đậu gần bến cầu Cái Mơn Lớn chờ nhận cây giống, hoặc cung cấp nguyên liệu phân tro, trấu...

Cây chưa kịp lên cơi đã xuất vườn đi hết

Đi cùng chuyến phà Đình Khao buổi sáng, chúng tôi gặp anh Ba Ninh chở đầy cây giống trên xe máy. Giống chanh “đời mới” anh mua từ Cái Bè (Tiền Giang) về Chợ Lách để trồng, 14.000 đ/cây mà phải đặt trước cả tháng mới có hàng. Hỏi sao xứ cây giống mà lại qua tỉnh khác mua cây giống? Anh Ba Ninh bảo: “Lách” không có giống chanh này, mà giờ giống cây nào cũng khó có mà mua”.

Từ phà Đình Khao lên, giáp xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) của Vĩnh Long là xã Phú Phụng.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Chợ Lách, Phú Phụng đang là vùng chôm chôm lớn cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và hiện đã có 2 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP. Ngành nông nghiệp luôn chú trọng tập huấn sản xuất theo chuẩn để tạo sản phẩm tốt cho thị trường.

Chợ Lách có hơn 8.000ha cây ăn trái, sản lượng 113.000 tấn/năm. Nhưng trong năm 2016 này, Chợ Lách đã không tổ chức Lễ hội trái cây thường niên vào dịp mùng 5/5 âl “do hạn mặn, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... rụng trái, thất mùa”- ông Nguyễn Thanh Vũ- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT, cho biết nguyên nhân. Xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng cho cây giống, hoa kiểng và cây ăn trái của nông dân Chợ Lách hơn 37 tỷ đồng.

Xâm nhập mặn cũng làm cho khoảng 50% sản lượng cây giống bị thiệt hại, theo ông Nguyễn Thanh Vũ, nhiều nhất là xoài, mít, bơ, nhãn, sầu riêng, chôm chôm,… dẫn đến hụt nguồn cung, nên “cây nào bán cũng giá cao”.

Cái Mơn là vùng hoa kiểng, giống cây ăn trái nổi tiếng lâu đời của huyện Chợ Lách, là “vựa” cây giống bậc nhất ĐBSCL, hàng năm cung ứng cho thị trường hơn 17 triệu cây giống.

Thị trường cây giống Cái Mơn rộng lớn khắp cả nước, nhưng theo ông Dương Văn Huyền- Giám đốc Hợp tác xã DV SXKD Cây giống hoa kiểng Cái Mơn thì miền Đông, Tây Nguyên mới là thị trường chính.

“Bắt đầu từ tháng 3 và rộ nhất vào tháng 4- 5 âl, miền Đông vào vụ trồng trọt, hút giống mạnh. Nhưng năm nay nhiều nhà vườn không có giống bán, vì tưới cây trúng đợt nước mặn 5- 7‰, cây quéo đọt, cháy lá hết. Nguồn cung bị hụt trong khi nhu cầu lớn nên giá tăng cao nhất so mọi năm. Nhiều loại cây giá tăng gấp 2- 3 lần vẫn không đủ bán. Nhiều bầu cây chưa đủ chuẩn để bán nhưng thương lái vẫn gom hết.

Dẫn chúng tôi xem nơi để cây giống chuẩn bị xuất hàng, ông Huyền chỉ nhóm măng cụt nhỏ giá 60.000 đồng/cây, lớn giá 100.000 đồng/cây nhưng “hổng có hàng bán”. Trong khi một số chôm chôm hư hại do mặn đã cắt đọt, đang được tút lại “nhưng có cây hồi phục, cây… chết luôn”.

Đến nay, dù đã qua đợt “sốt nóng” cây giống ở miền Đông, nhưng giá cây giống vẫn ở mức khá cao. Sầu riêng có giá 55.000- 60.000 đồng/cây (có thời điểm 70.000- 80.000 đồng/cây, thậm chí 100.000 đồng/cây), chôm chôm 50.000- 60.000 đồng/cây (tăng gấp đôi)…

Các loại cây giống khác “giá tương đối” cũng tăng đáng kể như bưởi da xanh có lúc 30.000- 40.000 đồng/cây. Các giống xoài cũng cao hơn mọi năm, đặc biệt xoài Đài Loan “đẹp” (rất ít hàng) khoảng 30.000 đồng/cây, tiêu thụ rất mạnh, một phần do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mua với số lượng lớn.

Giá cao nhưng khan hàng, nên sầu riêng chưa đủ cơi thương lái đã tới gom hết. Lẽ ra cây giống phải đủ cơi, có bộ rễ cứng cáp mới bán. Nhưng giờ nhiều nhà vườn và cả người mua chấp nhận “giống non”, vì “kiếm cây lớn đỏ con mắt không ra”.

“Ví dụ sầu riêng phải lên cơi 2, cơi 3 trồng mới chắc. Đàng này, vừa lên 1 cơi đã xuất vườn bán, đem trồng hao hụt lớn. Thậm chí, một số loại cây mới vô bầu, chưa kịp bung rễ đã có người mua, thông thường cây ra rễ giáp bầu trồng mới tốt. Nhưng vì bà con nông dân nôn nóng trồng, hơn nữa chờ cây lên cơi 2 đâu có còn mà mua… Đành bất chấp rủi ro”- một nhà vườn phân tích tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Giàu từ cây giống mà cũng… lo nghèo từ cây giống

Cái Mơn vào tháng 8, mùa cây giống đã “thản rồi”, nhưng không khí mua bán vẫn còn nhộn nhịp. Những chuyến xe tải chờ chất hàng, xe ba gác chở đầy cây giống, bến sông dưới chân cầu Cái Mơn Lớn tấp nập xuồng ghe chở cây giống, cung ứng nguyên liệu: tro, xơ dừa, tre trúc…

Nhiều nhà vườn tạm quên đi mùa cây giống “mất mùa” để chuẩn bị cho mùa hoa kiểng tết sắp tới. Người dân xứ sở hoa kiểng, cây giống Cái Mơn chăm chỉ, lúc nào cũng tẩn mẩn với từng chồi non, mắc ghép…

Vừa lải bỏ mấy cái chồi rừng trên gốc ghép, ông Huyền nói phải bỏ đi để giống không bị lai tạp. Chồi ghép tuy là “con nuôi” của gốc ghép nhưng giống tốt, còn chồi rừng là “con ruột” phải bỏ vì sẽ lên cây… tầm bậy.

Cây giống của Hợp tác xã Cái Mơn rất hút hàng, bầu măng cụt ông Huyền cầm trên tay giá 60.000 đồng/cây, cây lớn hơn 100.000đ nhưng hiếm hàng.
Cây giống của Hợp tác xã Cái Mơn rất hút hàng, bầu măng cụt ông Huyền cầm trên tay giá 60.000 đồng/cây, cây lớn hơn 100.000đ nhưng hiếm hàng.

Nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì với từng cây, từng chồi. Kỹ thuật phải giỏi mà người làm giống cũng phải nhạy bén tìm giống mới khi thị trường yêu cầu...

“Hễ cây ăn trái là làm. Nghe tin dù bất cứ ở đâu có giống mới, lạ là “bay” tới tìm về nhân giống”- sự nhanh nhạy đó, theo ông Dương Văn Huyền đã giúp cho nghề làm cây giống trở thành nghề cha truyền con nối, giúp nhà vườn có thu nhập 100- 200 triệu đồng/công/năm dễ ợt.

Từ sản xuất thủ công truyền thống, người làm nghề cây giống giờ ứng dụng khoa học kỹ thuật cao hơn, cho ra sản lượng lớn hơn. Và cũng rất tự hào tay nghề làm vườn thành thạo và là những người làm thuê “cao giá”.

Chẳng hạn, có những nhóm chuyên ghép cây, tiền công 200.000 đồng/ngày/người, bao ăn uống. Lại còn “chảnh”: nhà nào lo cơm trưa, cà phê sữa sẽ ưu tiên làm trước. Đi làm tỉnh khác phải 400.000 đồng/ngày. Không ít chủ vườn lấy lòng thợ, ghép xong vườn cây làm tiệc đãi linh đình.

“Nhất nghệ tinh” ăn nên làm ra như vậy, nhưng nhiều nhà vườn lại lo… nghèo từ cây giống! Bởi “xưa nay Cái Mơn làm giống là số 1, nhưng giờ ở đâu người ta cũng sản xuất giống cây được”- nhiều nhà vườn xứ sở cây giống lo ngại, dù phải chấp nhận rằng cạnh tranh là xu thế tất yếu của thị trường.

Còn ông Dương Văn Huyền nói: “Tình hình cây giống năm tới sẽ còn khan hiếm nữa, do gốc ghép nguyên liệu năm nay đã được tận dụng hết. Và để có gốc ghép phải dưỡng 2 năm mới đạt”.

Song, quan trọng nhất là đợt mặn xâm nhập vừa qua “như cái tát tỉnh ngủ”, người dân xứ sở Cái Mơn lo âu “năm sau mặn có trở lại”?

 

Ông Dương Văn Huyền: Vùng đất cây trái trù phú Cái Mơn phụ thuộc hoàn toàn nguồn nước sông (nước giếng khoan không sử dụng được). Dùng mương vườn, đào ao lót mũ trữ nước chỉ là chữa cháy thôi. Nếu năm nào nước mặn cũng lên thì rất căng cho cây giống. Bên cạnh đó các loại cây kiểng như mai, tứ quý cũng chịu ảnh hưởng lâu dài. Giờ làm vụ này mà đã lo lắng, hồi hộp cho vụ sau.

™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY