Nữ anh hùng Năm Thắng

Cập nhật, 05:20, Thứ Hai, 08/08/2016 (GMT+7)

Đến ấp Mỹ Thạnh A (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) hỏi nhà cô Đỗ Thị Năm, chắc khó có người biết, nhưng nhắc đến tên mà đồng đội và bà con quý mến gọi cô- nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Năm Thắng thì ai cũng vui vẻ dẫn đường…

Cô Năm Thắng được nhiều người nể phục bởi sự gan dạ, kiên trung, đã lập nhiều chiến công trong kháng chiến.

Cô Năm Thắng luôn hồ hởi với những ký ức thời chiến tranh đầy gian khổ nhưng cũng lắm tự hào.
Cô Năm Thắng luôn hồ hởi với những ký ức thời chiến tranh đầy gian khổ nhưng cũng lắm tự hào.

Người con gái can trường

Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng sục sôi, quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược giải phóng quê hương, được các anh chị hoạt động cách mạng giáo dục, hiểu thêm về nguồn gốc sự nghèo khổ của người dân, từ lòng căm thù sự bất công- 16 tuổi, cô Năm Thắng đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên.

Nhắc đến chuyện hồi đánh Mỹ, cô Năm Thắng xúc động: Gia đình bần cố nông, cô không được đi học như bao bạn bè trang lứa mà sớm phải đi làm thuê, làm mướn.

“Tuổi thơ của cô từng chứng kiến bao cảnh áp bức, bất công của bọn cường hào, ác bá, cảnh bọn lính ruồng bố, bắt bớ, đánh đập tù đày những người làm cách mạng,… đã gây cho cô lòng căm thù sâu sắc”- cô nói.

Tháng 4/1965, cô được phân công làm giao liên cho xã Lục Sĩ Thành. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và ý thức kỷ luật đã làm cho cô thêm dạn dày trong công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được tổ chức phân công.

Chính trong cái thời đầy gian khổ nhưng cũng lắm tự hào đó, cô kết duyên với ông Phan Văn Thành- một chiến sĩ du kích xã đội Lục Sĩ Thành.

Khi cô đang mang thai đứa con đầu lòng thì trong một chuyến công tác, cô bị địch bắt, đưa về giam tại nhà tù Vĩnh Long. Một năm ở trong tù chịu nhiều đòn roi tra tấn nhưng cô nhất quyết không khai báo. Đứa con đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của cô đã ra đời trong hoàn cảnh ác liệt đó.

Giam giữ hơn 1 năm không khai thác được gì, địch đành thả mẹ con cô. Ra tù, do con còn nhỏ, sức khỏe còn yếu, gia đình đơn chiếc nên cô chưa thoát ly được mà phải ở lại lo cho gia đình.

Rồi bà mẹ trẻ nhận được hung tin, trong một trận đánh năm 1970, chồng cô đã hy sinh. Đau thương vì mất chồng, căm thù vì Mỹ ngụy đốt phá quê hương, không thể ngồi yên, cô bồng đứa con chưa tròn 1 tuổi trở lại chiến trường.

Cô giao liên mưu trí

Được tổ chức đưa đi học lớp y tá, 9 tháng sau, cô trở về công tác tại xã nhà. Cấp ủy xã đưa cô đi hoạt động công khai nhưng cô xin vào hoạt động bí mật ở trong căn cứ.

Năm 1972, cô được điều về làm y tá ở Hội Vận tải Ban Hậu cần tỉnh Vĩnh Long, rồi chuyển sang làm Đội trưởng Đội Vận tải với nhiệm vụ chuyển vũ khí trên đường sông.

Đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn và nguy hiểm nhưng cô chẳng từ nan. “Để thực hiện nhiệm vụ, cấp trên giao một chiếc ghe máy khoảng 2 tấn, không mui. Cùng đi với cô là đứa con nhỏ và một đồng chí nữ cải trang làm người đi mua bán trên sông để che mắt địch.

Tuyến vận chuyển của cô phải đi qua rất nhiều đồn bót, nhiều căn cứ, trong khi địch cứ tuần tra liên tục trên sông”- cô Năm Thắng nhớ lại. Trên tuyến sông Trà Ôn, cô luôn phải đối phó với mọi tình huống phức tạp bởi đây là nơi “quen mặt” nhất.

Bọn chiêu hồi muốn lập công nên rình rập khắp nơi. Có lần ghe cô chạy ngang thì chúng kêu lại. Sợ bị lộ, gây thiệt hại cả người lẫn vũ khí, cô bình tĩnh tăng tốc độ cho ghe vọt luôn. Địch dùng đại liên bắn theo dữ dội nhưng cô thoát được và đưa vũ khí về đến nơi tập kết an toàn.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, song với bản chất hiếu chiến, ngoan cố, địch vẫn tiến hành nhiều cuộc bình định, lấn chiếm với quy mô lớn nhằm phá hoại hiệp định.

Tình hình Vĩnh Long rất căng thẳng, Quân khu 9 chuyển hướng đi nhận vũ khí ở tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp)- nơi mà từ nhỏ đến lớn cô chưa hề đặt chân đến. Để thực hiện nhiệm vụ, có khi cô đi từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới tới nơi, vì phải vòng vo để tránh sự kiểm soát của địch.

Nhiều lần phải nhịn đói, đội mưa gió nhưng những chuyến hàng chở vũ khí do cô phụ trách vẫn luôn cập bến an toàn. Đến năm 1974, trong chuyến công tác ở Cái Vồn (Bình Minh), cô gặp bọn lính tuần tra, trong số này có tên biết cô nên đã bắt và khảo tra cô rất tàn bạo. Một tuần lễ bị bắt giam, chúng không khai thác được gì, không có cơ sở để giam giữ, chúng buộc phải thả cô.

Cuộc đời cô Năm Thắng đã trải qua bao nỗi gian truân nhưng với bản lĩnh vững vàng, kiên định, cô đã vượt qua tất cả, làm tròn nhiệm vụ. Sau ngày đất nước thống nhất, cô Năm Thắng vẫn tiếp tục công tác ở Ban Hậu cần tỉnh Vĩnh Long, sau đó là Tỉnh đội Cửu Long cho đến ngày nghỉ hưu.

Trở về quê nhà, phát huy truyền thống cách mạng, gia đình cô tiếp tục đóng góp nhiều của cải, vật chất giúp bà con còn khó khăn hơn mình, cũng như góp phần cùng quê hương ngày càng phát triển.

 

Lập nhiều chiến công, năm 1973, cô Năm Thắng được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng cấp Quân khu, cùng nhiều danh hiệu như: Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì; Huy hiệu Chiến sĩ thành đồng Quyết thắng năm 1972. Năm 1978, cô Năm Thắng được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRẦN ĐƯỢC