Bia chủ quyền trên đảo tiền tiêu

Cập nhật, 13:07, Thứ Năm, 04/08/2016 (GMT+7)

Theo lịch sử ghi chép lại, Việt Nam đã xác lập chủ quyền lịch sử từ rất lâu trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù thời gian cùng những biến động do lịch sử, thời tiết, chiến tranh... nhiều tư liệu cổ bị mất mát, thất lạc, nhưng những tư liệu còn lại cho đến nay vẫn là bằng chứng đanh thép để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Hai tấm bia chủ quyền được đặt trên đảo Song Tử Tây và Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa chính là một trong những chứng cứ quan trọng khắc ghi cụ thể sự quản lý liên tục và toàn diện của Việt Nam đối với Trường Sa.

Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam)
Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam)

Ghi nhận trong sử sách

Theo các tư liệu lịch sử, các vua chúa nhà Nguyễn đã liên tục thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này. Thời kỳ Pháp thuộc, nhân danh Việt Nam, người Pháp tiếp tục có những hành động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong hồ sơ công nhận hai di tích Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết và Song Tử Tây là di tích lịch sử cấp quốc gia cũng chỉ rõ: Năm 1956, sau khi ký kết hiệp định Geneve, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau đó, Việt Nam Cộng hòa đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng.

Theo một số tài liệu ghi chép lại, sau lần xây dựng năm 1956, năm 1963, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng lại bia chủ quyền Việt Nam tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa...

Năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền ở quần đảo này. Trải qua thời gian và biến động lịch sử, đến nay chỉ còn lại hai bia chủ quyền xây dựng năm 1956 ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết.

Hiện nay, bia chủ quyền ở Song Tử Tây nằm trong khuôn viên của trạm khí tượng - thủy văn. Bia được xây bằng gạch, vôi, vữa có chiều cao 3,36m, gồm phần thân và phần chóp. Bia chủ quyền ở đảo Nam Yết hiện đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m.

Trên cả hai bia có dòng chữ được khắc chìm với nội dung: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

Căn cứ vào giá trị khoa học nhiều mặt về lịch sử, quân sự, văn hóa, năm 2011, UBND tỉnh có quyết định xếp hạng cụm bia chủ quyền Trường Sa là di tích cấp tỉnh.

Do bia ở đảo Song Tử Tây bị sụt lún, nên ngay sau đó UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Trường Sa trùng tu, tôn tạo cả hai bia chủ quyền do Việt Nam Cộng hòa xây dựng ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết.

Ngày 13-6-2014, Bộ VH-TT-DL ra quyết định xếp hạng Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử quốc gia.

Ngay sau đó, bộ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án cụ thể bảo vệ cụm di tích này.

Bài học sâu sắc về tình yêu Tổ quốc

Theo chân những chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa, các đại biểu đến từ đất liền không khỏi bồi hồi khi đứng trước di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này.

So với nhiều công trình khác trên đảo, kiến trúc, vị trí của di tích không nổi bật, song từ những vết rạn chân chim, mỗi nét chữ khắc sâu trên bia đều khiến mỗi người khi tới đây trào dâng một niềm tự hào khôn tả.

Bao đời nay, cha ông ta đã có những hoạt động thể hiện chủ quyền của nước ta trên biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa.

Cùng trong một quần thể với bia chủ quyền, sự hiện hữu của những ngôi chùa Việt trên đảo Song Tử Tây, Nam Yết... đã đem tới cho nơi đây một không gian văn hóa tâm linh thuần khiết.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích Khánh Hòa, từng hòn gạch có in dấu Quốc huy được chở ra nơi này xây lại những ngôi chùa đã mang theo cả tình cảm của đất liền gửi ra Trường Sa.

Mỗi ngôi chùa, tự bản thân đã mang thông điệp hướng thiện và bình yên, nay còn đáp ứng đời sống tâm linh và thể hiện khát vọng cuộc sống hòa bình, hữu nghị của người dân sinh sống nơi đây.

Vượt cả ngàn hải lý, được đặt chân trên quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, ngước nhìn tâm bia chủ quyền vươn thẳng lên trời xanh cùng những đại biểu ưu tú khác, bạn Nguyễn Trung Anh, nhân viên đối ngoại của Công ty VNG không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động trào nơi khóe mắt.

Chính đó là bằng chứng rõ ràng nhất minh chứng cho việc cha ông ta, bao thế hệ đi trước đã xác lập quyền và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển, khẳng định nền độc lập, tự do và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm.

Đứng ở nơi này, bên bia chủ quyền ở Trường Sa, cô cảm nhận hơn lúc nào hết niềm tự hào về một Việt Nam anh dũng, bất khuất, kiên cường... và cô tin chắc rằng cũng như bao thế hệ trẻ của đất nước, chính niềm tự hào này sẽ nâng bước họ tiến tới những đỉnh cao mới trong lao động, học tập, để cùng nhau xây đắp một đất nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp.

Theo SGGPO