Xót lòng vùng mặn

Cập nhật, 07:13, Thứ Bảy, 02/04/2016 (GMT+7)

Cá chết, rau màu chùn đọt, đồng khô cỏ cháy, đất đai nứt nẻ, thiếu nước ngọt sinh hoạt,...
 

Đó là tình cảnh đang diễn ra mà người dân huyện Vũng Liêm phải đối mặt hàng ngày khi nước mặn đã xâm nhập vào hầu hết các địa phương của huyện.

Anh Trương Trung Dũng bên cánh đồng khô cháy không thể gặt được.
Anh Trương Trung Dũng bên cánh đồng khô cháy không thể gặt được.

Khó khăn trong sinh hoạt

Từ sau Tết Bính Thân đến nay, các cơ quan chức năng cũng như cơ quan truyền thông, báo chí liên tục cảnh báo về tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Nhưng ngay những nông dân cả đời gắn bó với vùng đất này cũng không ngờ hạn mặn năm nay lại khốc liệt đến thế.

Vào những ngày cuối tháng 3 này, khi mà thông tin nước sông thượng nguồn Mekong đang lên thì dưới hạ nguồn hạn mặn vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân.

Riêng đối với huyện Vũng Liêm, người dân đang “gồng mình” đi qua một mùa khô khát chưa từng thấy. Câu chuyện trong những ngày này của bà con luôn xoay quanh đề tài hạn mặn, những đôi mắt lo âu, buồn rầu nhìn mảnh vườn, ao cá... chết dần mòn vì thiếu nước ngọt.

Giữa những ngày nắng gay gắt, dưới ao mương, kinh rạch nước ngày một cạn dần, còn nước mặn ngoài biển cứ tiến sâu vào đất liền, làm mất dần nguồn nước ngọt quý giá của bà con.

Nhấp ngụm trà quạu, chú Võ Minh Quang (xã Trung Thành) lo lắng: “Không biết khi nào trời mới mưa, chứ tình cảnh hạn hán, nước mặn vầy thì ly trà thơm ngon chắc sau này cũng không có uống nữa quá mấy chú ơi!”

Anh Trương Trung Dũng tiếp lời: “Chú Quang nói đúng đó, không năm nào nước mặn xâm nhập sâu và dữ dội như năm nay. Năm nào huyện mình cũng chịu cảnh hạn mặn, nhưng mương nước phía sau nhà tôi đâu có cạn, còn năm nay mới tới tháng 3 mà mấy cái mương cạn ráo trọi, không còn một giọt để tưới cây. Kiểu này không biết tới “hạn bà chằn” sao nữa đây?”

Thật vậy, nhà của cô Ba thuộc xã Trung Ngãi nằm sát mặt QL53 nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh có con rạch nhỏ chạy qua, là mạch nước ngọt quý giá cung cấp cho bà con sinh hoạt, sử dụng và tưới mát cho hàng trăm hecta ruộng vườn giờ cũng cùng chung số phận… hết nước. Mấy con mương vườn trơ đáy. Không có nước tưới, vườn cây cằn cỗi, đất khô trắng.

Khô khát thế này, lấy nước ngọt đâu cho gia đình và mọi người sinh hoạt hàng ngày? Anh Trương Trung Dũng chỉ tay vào những chiếc lu xi măng, đếm: “1, 2, 3... 6 chiếc lu tất cả.

Lấy đó cho sinh hoạt, nấu nướng hàng ngày. Đó là gia đình hứng nước mưa của năm trước để dành tới giờ. Mong trời mưa sớm, chứ hạn, mặn kiểu này một thời gian ngắn nữa là không còn nước ngọt đâu mà xài”.

Sản xuất cũng chung cảnh ngộ

Đưa chúng tôi ra sau nhà, chỉ hầm nuôi cá tra trơ tận đáy, anh Bùi Văn Việt (xã Trung Nghĩa) than:

“Hầm này mấy năm trước nước ra vô nhiều lắm, nên tui nuôi được khoảng 300- 400 con cá tra. Đến nay con lớn nhất gần 5kg, con nhỏ cũng từ 0,5- 1kg, vậy mà chỉ vì nước mặn xâm nhập nhanh và dài làm cho hầm cá cạn kiệt không còn giọt nước, cá chết hết trơn. Bán không kịp, tui đành xẻ cá phơi khô, số còn lại thì bỏ vào lu ủ làm phân tưới cây. Tiếc đứt ruột!”

Một số cây ăn trái vườn nhà anh Việt dần chết khô vì thiếu nước tưới.
Một số cây ăn trái vườn nhà anh Việt dần chết khô vì thiếu nước tưới.

Còn đám rẫy trồng hành, rau tần ô, cải,… gần một công của nhà kế bên chú Võ Minh Quang cũng vì tưới nhầm nước mặn, nên đọt bị chùn lại, lá vàng hoe, rụi gần hết. chú Minh Quang tiếc rẻ: “Tưới cũng chết mà không tưới nó cũng chết. Thôi thà không tưới để nó lâu chết một chút. Ăn rau mà nghe đắng chát lắm!”

Rời Trung Thành, men theo những con đường liên ấp chúng tôi quay trở lại ấp Một để thăm những đám lúa của bà con thuộc xã Trung Ngãi.

Tiếp chúng tôi, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, ở đây có khoảng trăm công ruộng, hàng năm vào mùa này là bà con đã gieo sạ vụ Hè Thu, nhưng “các cậu thấy đó, năm nay do bị nước mặn, nên ruộng đồng bị bà con bỏ không, mặc cho đồng khô gió thổi, nứt nẻ, khô cằn”.

Bà con địa phương cho biết, hiện nay có một số ruộng ở xã Trung Thành Tây lúa chín nhưng do thiếu nước ngọt nên hạt bị lép, vàng úa dần, không cắt bán được và cũng không đành lòng đốt bỏ, cứ nhìn nó chết dần chết mòn mà đau xót ruột gan.

Cô Tuyết dẫn chúng tôi trở vào nhà, phía trước là ao được cô bao lại để nuôi vịt. Chỉ đàn vịt 1.200 con với nguồn nước ít ỏi còn lại, cô lo lắng:

“Nhà cô có nuôi thêm vịt chạy đồng. Chồng của cô đang giữ gần 2.000 con vịt ở Trà Cú (Trà Vinh). Ở đây cô mới mua thêm 1.200 con vịt tơ để chuẩn bị lấy trứng. Nhờ có cái ao này mới đủ nước cho đàn vịt. Với nước mặn như hiện nay, hết nước ao này chắc đàn vịt của cô chết khát hết và đứt vốn là cái chắc”.

Nghe nói đầu tháng 4 này sẽ có nước về tới ĐBSCL, mọi người mừng lắm và hy vọng rằng nước ngọt về sẽ cứu lúa, cứu hoa màu, cây trái, vật nuôi, giúp bà con nông dân vượt qua mùa khô khát kỷ lục trong nhiều chục năm nay.

 

Anh Trương Trung Dũng cho biết thêm: “Ở đây hầu như nhà nào cũng có từ 5- 7 cái lu xi măng để trữ nước mưa sử dụng trong những tháng mùa khô, đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn”.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM