Các trường hợp định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng

Cập nhật, 14:10, Thứ Năm, 12/09/2019 (GMT+7)

Vợ chồng tôi chung sống với nhau khá hòa thuận. Gần đây, khi tôi chuẩn bị bán thửa đất là tài sản chung của vợ chồng thì vợ tôi trách sao không bàn bạc gì hết và tỏ ý không muốn bán. Vì tôi đã hứa với người bạn rồi, nếu không bán thì tôi sẽ mất thể diện. Còn nếu bán thì vợ tôi có quyền tranh cản không?

N.V.C. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Nếu muốn bán thửa đất, anh nên thỏa thuận với vợ anh theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình. Điều luật này quy định việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Theo đó, Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và Gia đình (nói trên).

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ