Quyền của người lập di chúc

Cập nhật, 07:08, Thứ Ba, 25/12/2018 (GMT+7)

Tôi năm nay gần 70 tuổi. Vợ tôi mất đã lâu, nay vì lo xa và thấy các con tôi không đoàn kết, yêu thương nhau nên nhân lúc còn khỏe, tôi muốn lập di chúc. Căn cứ vào hoàn cảnh từng đứa, tôi muốn chia thừa kế cho phù hợp nên có lẽ sẽ không đồng đều. Điều này, có được không? Tôi hỏi điều này vì không muốn rắc rối trong nội bộ gia đình khi chia thừa kế!

L.V.C.

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Ông có thể lập di chúc theo ý nguyện của ông. Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Xin lưu ý với ông, để tránh rắc rối về sau, ông nên lập sao cho di chúc hợp pháp. Theo khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Hình thức của di chúc được quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự, đó là: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Trường hợp này, ông lập di chúc bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực tại chính quyền địa phương.

Nếu di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực, theo khoản 4 Điều 360 Bộ luật Dân sự, chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 360 nêu trên. Ngoài ra, còn có di chúc ít nhất 2 người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ