Di chúc không có người làm chứng phải tuân thủ theo quy định

Cập nhật, 06:32, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

Năm nay, tôi gần 70 tuổi, muốn viết di chúc để lại cho các con (vợ tôi mất đã lâu). Tôi muốn tự mình viết, không cần người làm chứng vì tôi không muốn cho ai biết trước ý nguyện của tôi. Vậy, tôi phải viết như thế nào để sau này khi tôi qua đời thì việc chia di chúc không gặp rắc rối?

L.V.B. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Điều 633 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định di chúc bằng văn bản không có người làm chứng trường hợp ông hỏi như sau:

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của bộ luật này. Đó là:

1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Xin lưu ý, theo quy định tại khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này. Đó là:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ