Mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần khi xâm phạm sức khỏe người khác

Cập nhật, 13:23, Thứ Ba, 23/10/2018 (GMT+7)

Gia đình tôi có người thân chẳng may bị người khác gây tai nạn thương tích rất nặng phải lâu lắm mới phục hồi. Điều này, làm gia đình lâm vào khó khăn.

Do đó, ngoài các khoản chi phí khác, gia đình tôi muốn người gây nạn phải bù đắp 1 khoản tiền để vượt qua khó khăn. Nhưng thương lượng mãi chưa xong. Vậy, gia đình người bị nạn yêu cầu bao nhiêu là hợp lý?

N.T.T.D. (Tân An- Long An)

Trả lời:

Trường hợp này, người thân của chị được xem là bị thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Theo khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Theo đó, khoản 2 điều luật trên quy định vấn đề chị hỏi như sau: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở từ 1/7/2018 là 1.390.000đ.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ