Mang họa khi nhận hàng dùm

Cập nhật, 05:11, Thứ Năm, 19/12/2019 (GMT+7)

(Chuyện đang phổ biến tại TP Hồ Chí Minh)

Đang loay hoay tưới mấy chậu bông chuẩn bị đón tết, chú T.- bảo vệ một trường THCS- thấy xuất hiện một nhân viên đến giao hàng. Chuyện nhận dùm hàng hóa cho giáo viên của trường rất thường xuyên, bởi họ đặt hàng qua mạng xã hội và nhờ chú nhận hàng, thanh toán tiền dùm do đang bận đứng lớp.

- Chú giao hàng gì? Giao cho ai vậy?

- Dạ, con giao hàng mỹ phẩm cho cô X. Chú xem phải đúng tên họ của cô này, số điện thoại của “cổ” và địa chỉ trường xem có chính xác không?

Sau khi kiểm tra bên ngoài gói hàng rất cẩn thận, chú T. trả lời:

- Đúng rồi. Cô này hay đặt hàng qua mạng lắm. Tui nhận dùm hoài. Mà sao chú không điện thoại hẹn cổ ra đây nhận cho tiện.

- Con gọi “cháy máy” rồi. Mà cổ không nghe máy. Thiệt khó quá!

- Vậy hả? Giờ này làm sao mở máy được vì đang lên lớp mà. Mà thôi để tui nhận dùm cho. Có mắc trả tiền, trả bạc gì hông?

- Dạ có, mà chỉ 500.000đ thôi chú.

- Tưởng nhiều thì tui không có chớ bi nhiêu đó tui ứng trước trả cho chú, hết giờ dạy cổ về ghé đây nhận hàng rồi trả tiền lại tui cũng được.

Sau khi nhận hàng rồi giao tiền, người giao hàng nhanh chóng rời đi với lời cảm ơn chân thành. Khi tan trường, thấy cô X. dẫn xe ngang qua, chú T. gọi lớn:

- Cô ơi. Hồi nãy có người đến giao hàng nhưng điện thoại cho cô không được. Tui nhận dùm rồi và đã trả cho người ta 500.000đ đó.

- Ủa hàng gì? Hơn một tháng nay con đâu có đặt hàng gì của ai đâu? Chú có lộn với ai hông?

- Sao lộn được, cô coi trên gói hàng ghi tên cô, số điện thoại di động của cô cùng tên trường mình mà.

Cô X. nhanh chóng kiểm tra thông tin trên gói hàng thì đúng như lời chú bảo vệ vừa nói. Bán tin bán nghi, cô liền xé gói hàng ra xem thì bên trong chỉ toàn là giấy vụn. Xâu chuỗi lại các sự kiện, cô X. nhận ra rằng, bọn bất lương đã nắm bắt rất rõ ràng tên họ nạn nhân, số điện thoại, cơ quan công tác cùng thói quen hay đặt hàng qua mạng.

Cạnh đó chúng còn nhắm vào những nạn nhân công tác tại các cơ quan, công sở rộng lớn hay các nhà cao tầng, những người đang bận nhiều công việc (đang giảng dạy, tiếp khách, tiếp dân…) thường để nhờ nhân viên bảo vệ nhận hàng thay mình. Mặt khác, giá trị món hàng “lừa đảo” thường không lớn phù hợp với khả năng tạm ứng của lực lượng bảo vệ. Hiện tại đã có rất nhiều nạn nhân rơi vào tình trạng này với số tiền từ 500.000- 1.000.000đ.

Đây là thủ đoạn rất mới đang diễn ra tại các cơ quan, công sở. Từ đó người nhận hàng (nhân viên bảo vệ) cần hết sức cảnh giác, không tạm ứng tiền cho người đến giao hàng khi chưa có ý kiến trực tiếp của người mua hàng. Cạnh đó, người đặt hàng cũng cần cảnh giác với việc cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Cần phải kiểm tra hàng hóa xem có đúng với sản phẩm mình đã đặt rồi mới thanh toán tiền.

TÔ PHỤC HƯNG