Tiền mất, may tật chưa mang

Cập nhật, 08:18, Thứ Tư, 22/08/2018 (GMT+7)

Đang hòa cùng dòng người tấp nập trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, anh Trần Hữu N. (tạm gọi là Nam) bỗng nghe tiếng gọi giật:

- Nam... Nam! Lại đây mua mật ong rừng về làm thuốc nè!

Anh Nam nhìn về phía tiếng gọi mình thì phát hiện ra H. (tạm gọi là Hòa), người bạn thân ở cùng quê nên Nam cho xe quay lại. Lúc này, trên vỉa hè có một người đàn bà rất khó đoán tuổi, mái tóc hoe vàng, khuôn mặt sạm nắng, dáng vóc trông giống như những người dân tộc thiểu số vùng cao đang ngồi trên tấm bạt trải ở vỉa hè cùng 3 chai mật ong vàng óng. Nghe một số người xúm xít lại xì xầm về lai lịch mình, người đàn bà cất tiếng phân bua:

- Tôi không phải đồng bào dân tộc đâu. Quê tôi ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, theo chồng về xứ núi hơn 20 năm nay. Gia đình tôi vừa khai thác được mấy lít mật ong nên mới đem xuống đây bán. Mời các anh mua giúp!

- Mật này có đúng là mật “zin” ong rừng không chị?- người đàn ông đi đường đeo đôi kính trắng cũng tấp vào cầm chai mật vàng đặc quánh vừa lắc, vừa hỏi.

- Không phải mật ong rừng đâu! Mật ong nhà nuôi đó! Có sao tôi nói vậy chứ lừa dối làm gì- người đàn bà vừa với tay đặt lại mấy chai mật ong cho ngay ngắn sau khi khách hàng cầm lên xem, vừa trả lời nhỏ nhẹ, vẻ thật thà.

Một số người nghe bà ta nói mật ong nuôi nên ai nấy đều lên xe máy rời xa. Vốn nhiều năm sống ở các tỉnh Tây Nguyên, anh Nam không lạ gì mật ong nên anh nghĩ mật ong nuôi ở rừng cũng chẳng kém gì mật ong tự nhiên nên hỏi:

- Giá bao nhiêu một chai vậy chị?

- 350.000đ một chai. Nếu anh mua hết 3 chai, lấy anh ba 300.000đ một chai.

Anh Nam cầm chai mật ong lên ngắm nghía, mở nắp chai rồi bứt một sợi tóc trên đầu mình nhúng sâu sợi tóc vào cổ chai mật ong. Anh lấy sợi tóc ra và lắc nguầy nguậy, bởi qua cách thử này, anh biết nếu là mật ong thật thì mật ong sẽ bám vào sợi tóc thành những hạt nhỏ li ti rất đều đặn như xâu nữ trang, còn mật được pha trộn quá nhiều đường thì sẽ bám những giọt lớn hơn và không đều nhau về khoảng cách. Biết anh Nam từ chối không mua, người đàn bà liền giải thích:

- Ong nuôi nên chồng tôi thỉnh thoảng phải cho nó ăn thêm “chè hai” (nước mía nấu sôi, chưa thành đường) chứ không giả đâu mà sợ.

Ánh nắng yếu ớt bắt đầu khuất dần sau dãy nhà cao tầng ở phía Tây. Người đàn bà vội thu dọn các chai mật ong cho vào giỏ. Như sực nhớ ra, bà vỗ vai anh Nam hỏi:

- Tôi quên mất, chồng tôi đi săn được một con min (đồng bào dân tộc thiểu số gọi bò tót là con min) về làm thịt, cặp sừng cắt chia cho bà con dân làng hết, chỉ còn một miếng đây thôi. Thứ sừng này tốt lắm, không thua gì sừng tê giác đâu. Anh mua tôi bán rẻ cho.

Bà ta liền lôi trong giỏ ra cái bọc ny lông gói cục sừng. Anh Nam nhìn kỹ cục sừng sần sùi, đen sạm. Thật tình anh Nam chỉ đoán biết đó là một cục sừng chứ có phải sừng bò tót hay không thì anh đành bó tay. Lâu nay, anh chỉ nghe thiên hạ đồn đại sừng tê giác rất quý hiếm, chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo chứ chưa thấy bao giờ. Mới đây, anh có đọc một bài viết trên mạng xã hội nói về tác dụng của sừng bò tót cũng không kém gì sừng tê giác nên anh Nam hỏi giá, người đàn bà bảo 3 triệu đồng. Kỳ kèo qua lại một lát, người đàn bà nói dứt khoát:

- Giờ cũng sắp tối rồi, thôi tôi lấy 2,7 triệu đồng. Nếu anh không mua thì tôi đem về quê bán. Ở trong đó họ cũng dặn tôi từ lâu rồi mà.

Nhìn vẻ bất cần của người đàn bà cũng như qua khâu giao tiếp hết sức thật thà của bà ta, anh Nam tin tưởng nên mở ví trả tiền để mua cục sừng bỏ vào cốp xe. Trên đường về, anh ghé lại chỗ bán đĩa nhám mua một chiếc mang về mài sừng bò tót để uống. Nghe anh Nam khoe mình vừa mua được cục sừng bò tót với giá rẻ, ông bác sĩ y học cổ truyền ở gần nhà anh liền ghé qua xem thử. Ngắm nghía cục sừng một lúc, vị bác sĩ Đông y cười rồi khẳng định:

- Sừng trâu chứ bò tót, bò tiết gì. Tôi nói để anh biết, cho dù sừng tê giác hay sừng bò tót cũng không có tác dụng chữa bách bệnh như người ta đồn thổi đâu nhé. Đừng tin vào những điều nhảm nhí mà tiền mất, tật mang đấy.

Nghe vị bác sĩ nói, anh Nam hoảng hốt, vội rút điện thoại bấm số máy của anh Hòa nói như hét: “Tao bị lừa rồi! Sừng trâu… đúng rồi, sừng trâu”.

THÁI MỸ