Vi phạm pháp luật hình sự ở tuổi vị thành niên- vấn đề cần quan tâm

Cập nhật, 10:04, Thứ Bảy, 12/06/2021 (GMT+7)

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các tổ chức Đoàn, hội trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian qua số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lứa tuổi vị thanh niên và thanh thiếu niên được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn xảy ra. Vì thiếu hiểu biết mà các em đã vi phạm pháp luật và khi gia đình, nhà trường không phát hiện kịp thời thì các em vi phạm nhiều lần dẫn đến bị xử lý hình sự.

Vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” mà Công an huyện Bình Tân đang thụ lý điều tra là vụ việc cần được cảnh báo đến nhiều gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Cụ thể có 4 bị can bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản gồm: Nguyễn Chí Hải (SN 2002); Nguyễn Minh Khang (SN 2006); Trần Thành Dinh (SN 2006), cùng ngụ xã Tân Lược (Bình Tân) và Nguyễn Hữu Nhân (SN 2004), ngụ xã Tân Hưng (Bình Tân). Trong đó, Hải và Nhân bị khởi tố và bị can tạm giam; Khang và Dinh bị khởi tố và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra, ngay khi nhận được tin báo của gia đình em Phạm Nguyễn P.L. (SN 2009) là bị hại của vụ án cưỡng đoạt tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Tân đã nhanh chóng vào cuộc điều tra.

Tại Cơ quan điều tra các bị can đã thừa nhận hành vi đe dọa đối với em P.L. trên đường đi học về để lấy tiền chia nhau tiêu xài. Em P.L. đã 6 lần bị nhóm này đe dọa cưỡng đoạt tổng cộng 14 triệu đồng. Để có tiền đưa cho 4 bị can, em P.L. đã lén lấy tiền của mẹ nuôi, đến khi bị phát hiện thì em mới dám kể lại. Điều đáng nói ở đây, trong các bị can gây ra vụ án này có 2 bị can chưa đủ 15 tuổi, bị can lớn nhất cũng chỉ 19 tuổi.

Các bị can khai nhận việc cưỡng đoạt tài sản là do không có tiền tiêu xài cá nhân; lần đầu thực hiện việc đe dọa để “cưỡng đoạt tiền” trót lọt và không bị ai phát hiện nên đã tiếp tục thực hiện đến 6 lần, chia nhau tiêu xài mà không nghĩ đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Chỉ đến khi bị bắt giữ, khởi tố thì các em mới nhận thức được vi phạm pháp luật. Đây đang là tình trạng chung của hầu hết các đối tượng vi phạm pháp luật trong độ tuổi vị thành niên.

Rồi đây hành vi manh động, liều lĩnh của 4 bị can chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Còn em P.L. cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng tâm lý khi bị đe dọa, cưỡng đoạt tài sản. Mong rằng vụ việc này là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh. Mỗi gia đình cần quan tâm giáo dục, quản lý con em mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tránh để các em vi phạm pháp luật như vụ việc vừa nêu.

THANH THẢO- ÁI BÌNH