Nhiều nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội

Cập nhật, 15:05, Thứ Sáu, 12/10/2018 (GMT+7)

Từ cuối năm ngoái đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có ít nhất 20 nạn nhân bị lừa với số tiền từ 40 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.

Gần đây, Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận hàng chục đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông.

Cuối năm ngoái đến nay, có ít nhất 20 nạn nhân bị lừa với số tiền từ 40 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Hình thức lừa này tuy không mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Anh Nguyên (mặc áo trắng) là chủ doanh nghiệp tư nhân bị dính bẫy của kẻ lừa đảo.
Anh Nguyên (mặc áo trắng) là chủ doanh nghiệp tư nhân bị dính bẫy của kẻ lừa đảo.

Là chủ một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Pleiku, thường xuyên sử dụng giao dịch trực tuyến của ngân hàng, nhưng anh Phan Văn Nguyên, ở phường Yên Đổ vẫn bị dính bẫy lừa cay đắng.

Cuối tháng 5/2018, vừa đăng thông tin bán đất trên mạng xã hội facebook, anh Nguyên nhận được tin nhắn của một người lạ hỏi mua. Người này giới thiệu mình tên Tâm, đang sống ở Mỹ.

Lấy lý do chưa thể gặp mặt giao dịch, nên người lạ đề nghị anh Nguyên gửi ảnh bìa đỏ, chứng minh nhân dân, giấy nhận tiền đặt cọc làm tin, đồng thời cam kết trả trước 200 triệu đồng qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế.

Theo chỉ dẫn, anh Nguyên đăng nhập vào đường link có địa chỉ gần giống trang web chuyển tiền quốc tế western union.com.

Sau khi điền thông tin cá nhân, số tài khoản và mã OTP (tức là mật khẩu xác nhận giao dịch dùng 1 lần từ ngân hàng) thì tài khoản của anh Nguyên bị trừ 48 triệu đồng.

Mất tiền, anh Nguyên sửng sốt nhận ra, khi mình điền thông tin vào trang web giả mạo, kẻ lừa đảo đã đồng thời đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của anh để thực hiện giao dịch ăn cắp tiền.

Kẻ lừa đảo tạo ra liên lạc giống như vụ mua bán thật.
Kẻ lừa đảo tạo ra liên lạc giống như vụ mua bán thật.

“Tôi bị phá bỏ tâm lý nghi ngờ vì đối tượng lừa đảo đặt mình vào vị trí người nhận tiền. Họ trả giá kì kèo, gửi cho mình hình hộ chiếu của họ. Thành ra tôi không còn nghi ngờ nữa.

Khi người ta đưa trang web điền thông tin thì đó là trang web giả mạo của trang web chuyển tiền quốc tế. Đầu địa chỉ thì giống, nhưng xem trên điện thoại, nó ẩn mất đuôi địa chỉ.

Tôi điền thông tin cá nhân, thông tin tài khoản vào. Khi điền mã OTP, mình đinh ninh mình đang điền thông tin để nhận tiền, chứ không nghĩ là mình đang cho kẻ lừa đảo thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng của mình”- anh Phan Văn Nguyên chia sẻ.

Cuối tháng 4/2018, có một người gọi đến điện thoại bàn của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku tự xưng là cán bộ của CQCS điều tra, Bộ Công an.

Theo lời người này, chị Huyền đang bị điều tra về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Sau khi đe dọa tới danh dự và an toàn tính mạng của người thân chị Huyền, đồng thời nhận thấy nạn nhân hoang mang, lo sợ, đối tượng yêu cầu chị gửi tiền vào một tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.

Hoảng sợ và bị trấn áp về tinh thần, chị Huyền đã đến ngân hàng chuyển 161 triệu đồng vào số tài khoản 19032062259091 mang tên Bùi Văn Long mở tại ngân hàng Techcombank Chi nhánh Hà Nội.

“Họ nói với tôi là chị phải khai báo để chúng tôi minh oan cho chị. Buôn ma túy là chịu mức án chung thân, hoặc tử hình. Mình cũng sợ mình oan mà họ làm mình thành có tội.

Họ nói "Chị có bao nhiêu tiền trong tài khoản, chị phải nộp cho chúng tôi qua một tài khoản của kho bạc nhà nước. Nếu chị oan, thì chúng tôi trả lại cho chị, kèm theo tiền lãi.

Chị có tội, thì sẽ bị tịch thu số tiền này". Tôi nghĩ mình không có tội, mình cứ chuyển vào để họ minh oan, rồi chuyển lại cho mình”- chị Nguyễn Thị Huyền tâm sự.

Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai, từ cuối năm ngoái đến nay, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của gần 20 người là nạn nhân bị lừa đảo trên mạng xã hội và mạng viễn thông với số tiền dao động từ 40 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế, số nạn nhân có thể gấp nhiều lần. Bởi tâm lý e ngại với người thân, bạn bè nên không đến trình báo tại cơ quan chức năng.

Điểm chung của các vụ lừa đảo này là việc chuyển tiền thường diễn ra vào buổi chiều. Hầu hết các nạn nhân đều không kịp làm đủ thủ tục để ngăn chặn kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền và xóa dấu vết liên lạc như trường hợp của anh Phan Văn Nguyên.

Dù đã được ngân hàng nhắn nhiều tin nhắn cảnh báo, nhưng nhiều nạn nhân đều không kịp nhận ra.
Dù đã được ngân hàng nhắn nhiều tin nhắn cảnh báo, nhưng nhiều nạn nhân đều không kịp nhận ra.

“Tôi cũng kịp chạy lên ngân hàng, nhờ ngân hàng can thiệp, nhưng khi đến thì ngân hàng yêu cầu nhiều thủ tục, phải có yêu cầu phong tỏa tài khoản từ cơ quan công an.

Cuối giờ chiều, mình lên cơ quan chức năng trình báo thì không lấy được yêu cầu phong tỏa ngay, mà phải chờ tới thứ 2. Qua thứ 7 và chủ nhật thì mình không kịp xử lý. Trong thời gian đó, kẻ lừa đảo đã kịp rút tiền rồi”- anh Phan Văn Nguyên tâm sự thêm.

Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai thống kê có 4 kiểu lừa đảo được sử dụng trên mạng xã hội và mạng viễn thông.

Đó là giả danh nhà mạng trúng thưởng; giả mua hoặc bán hàng online; giả danh điều tra viên, công an, kiểm sát viên; giả là người nước ngoài muốn làm từ thiện, hoặc lấy vợ Việt Nam chuyển quà tặng qua hải quan, hoặc đường hàng không để chiếm đoạt tài sản. Hình thức lừa đảo không mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo thường sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM, hay sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản facebook ảo để liên lạc.

Số tiền lừa đảo được chúng chuyển vòng qua nhiều ngân hàng khác nhau và được rút  tại cây ATM ở nước ngoài.

Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng, cảnh giác với những liên lạc từ người lạ để bảo vệ tài sản trước loại tội phạm này.

“Người dân không nên đưa nhiều hình ảnh và thông tin cá nhân, nhất là tài khoản, tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú của mình lên mạng xã hội.

Khi sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là các ngân hàng có giao dịch chuyển tiền quốc tế thì cần cẩn thận bảo mật dữ liệu tài khoản.

Thứ ba là trong trường hợp các đối tượng giả danh điều tra viên, kiểm sát viên gửi đến thông tin quá trình bắt giữ, khởi tố, thì đề nghị người dân không nên tin mà phải báo ngay cho cơ quan công an”- Thượng tá Trần Trọng Sơn nói./.

Theo VOV