Án hình sự tăng, án dân sự phức tạp

Cập nhật, 05:24, Thứ Năm, 10/05/2018 (GMT+7)

Khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với ngành tòa án vừa qua đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xét xử và giải quyết các loại án. Nhưng trước tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, các vụ việc dân sự phức tạp, kéo dài đã gây áp lực lớn cho ngành tòa án.

Các vụ án được ngành tòa án giải quyết, xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền lợi các bên. Ảnh minh họa
Các vụ án được ngành tòa án giải quyết, xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền lợi các bên. Ảnh minh họa

Án hình sự tăng

Theo số liệu của TAND tỉnh, từ năm 2017 đến nay đã thụ lý 11.005 vụ việc (có 902 vụ từ các năm trước chuyển sang).

Trong đó, TAND tỉnh thụ lý 1.375 vụ, TAND cấp huyện thụ lý 9.630 vụ. Có 249 vụ án bị sửa, 62 vụ bị hủy, 198 vụ tạm đình chỉ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đệ- Chánh án TAND tỉnh, qua xét xử và giải quyết các vụ án hình sự sơ thẩm thì chủ yếu là giết người (25 vụ, 38 bị cáo), hiếp dâm trẻ em (16 vụ, 16 bị cáo), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (6 vụ, 9 bị cáo), tham ô tài sản (5 vụ, 20 bị cáo), trộm cắp tài sản (4 vụ, 15 bị cáo), tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (3 vụ, 3 bị cáo),...

Trong tổng số 50 vụ hình sự sơ thẩm đối với 75 bị cáo mà TAND tỉnh đưa ra xét xử trong thời gian qua, có 1 bị cáo cho hưởng án treo và 4 bị cáo chịu mức án tử hình, các bị cáo còn lại chịu mức án từ chung thân trở xuống.

TAND tỉnh cũng tổ chức 16 phiên tòa lưu động các vụ án hình sự, góp phần đấu tranh, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân.

Đối với các tòa án cấp huyện, đã thụ lý 9.630 vụ (có 647 vụ từ các năm trước chuyển sang). Đến nay các đơn vị tòa án đã giải quyết xong 8.242 vụ (85,6%), đình chỉ 103 vụ.

Hầu hết các vụ án hình sự do tòa án cấp huyện thụ lý đều liên quan đến trộm cắp tài sản, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma túy, giao cấu với trẻ em...

Án dân sự: “nóng” việc đo đạc, định giá

Theo TAND tỉnh Vĩnh Long, lượng án liên quan đến đất đai ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu đo đạc, định giá cũng nhiều thêm, trong khi cán bộ đo đạc của ngành tài nguyên và môi trường thì ít nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án.

Điển hình là vụ dân sự phúc thẩm giữa nguyên đơn N.V.K. và bị đơn D.M.H. do TAND tỉnh thụ lý nhưng đã quá thời hạn 6 tháng mà chưa có kết quả đo đạc.

Theo ông Cao Văn Lạc- Chánh án TAND huyện Long Hồ, việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân- gia đình, kinh doanh- thương mại, lao động luôn đảm bảo chất lượng và quyền lợi của các bên liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn một số án dân sự bị hủy do trong quá trình giải quyết đã vi phạm thủ tục tố tụng hoặc phát sinh tình tiết mới.

Một số vụ tranh chấp, chia thừa kế đất đai thường liên quan đến nhiều thế hệ, thời kỳ và không có tài liệu lưu trữ, đương sự là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì lại ở nhiều địa phương.

“Có những vụ mà đương sự không xác định được họ tên, địa chỉ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc cố tình che giấu thông tin dẫn đến vụ án không được giải quyết đúng hạn và người tham gia tố tụng không đầy đủ dẫn đến sai sót”- ông Cao Văn Lạc nêu thực tế.

TAND TX Bình Minh hiện còn 4 vụ án dân sự tạm đình chỉ chờ kết quả đo đạc. Đối với những vụ án liên quan đến đất đai như thế này, có xảy ra tình trạng bị đơn không hợp tác, không cung cấp chứng cứ, đôi khi có những hành vi bất chấp pháp luật như:

không cho đo đất, không có mặt tại nơi tranh chấp, không gửi bản khai, không đến tòa, không cho tòa gặp mặt để lấy lời khai.

Bà Nguyễn Thị Màu- quyền Chánh án TAND TX Bình Minh- đặt vấn đề: Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc xử lý đối với người cản trở tòa án đo đạc, thẩm định tại chỗ thì lập hồ sơ xử lý đương sự về hành vi chống người thi hành công vụ.

Cái khó hiện nay là chưa hướng dẫn rõ nếu cơ quan tài nguyên- môi trường không thể đo đạc dẫn đến không kết luận được về phần đất tranh chấp thì tòa án phải giải quyết ra sao?

Có thể chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không? Trường hợp chấp nhận thì phải tuyên án thế nào?

Cũng theo bà Nguyễn Thị Màu, theo quy định của ngành tài nguyên- môi trường, nếu không có đương sự chỉ ranh đất thì không thể đo đạc. Có đương sự lại cho rằng dù có truy tố, phạt tù thì họ cũng không chỉ ranh đất nên không thể đo đạc được và vụ án vì thế buộc phải “chựng” lại.

Làm việc với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, TAND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh có ý kiến với các cơ quan thuộc UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng bổ trợ tư pháp, cung cấp tài liệu,

chứng cứ, thông tin về đất đai cho tòa án trong thời gian theo luật định và các kế hoạch liên tịch, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm các vụ án dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG- TUYẾT NGA