"Ngáo đá"- đối tượng nguy hiểm cho xã hội

Cập nhật, 07:55, Thứ Tư, 09/08/2017 (GMT+7)

“Ngáo đá” là từ chỉ những đối tượng nghiện đang “phê” ma túy tổng hợp. Họ không còn tự chủ, trạng thái vô thức, mất kiểm soát hành vi gây ra những nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng xã hội.

Ở Vĩnh Long thời gian qua không ít đối tượng “ngáo đá” gây ra những cảnh hỗn loạn nơi công cộng, xông vào nhà đánh người. Có đối tượng quậy quạng xong đã tự kết liễu đời mình bằng nhiều nhát dao.

Các đối tượng sử dụng ma túy bị công an bắt giữ.
Các đối tượng sử dụng ma túy bị công an bắt giữ.

“Ngáo đá” tự kết liễu đời mình

Các tiểu thương khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long có một phen bỏ hàng quán chạy tán loạn khi một thanh niên 2 tay cầm 4 con dao đến gây rối. Hắn ta cầm dao vung loạn xạ, miệng la hét khiến các tiểu thương hoảng sợ bỏ chạy vào nhà dân để lánh nạn.

Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát 113 nhanh chóng đến hiện trường để khống chế đối tượng.

Tuy nhiên, hắn ta ngoan cố không chấp hành mệnh lệnh của lực lượng cảnh sát 113 mà có hành vi chống đối, dùng dao đe dọa.

Sau đó, hắn ta chạy vào nhà dân cầm dao cố thủ trong nhà vệ sinh. Mặc cho lực lượng cảnh sát 113 vận động và dùng biện pháp mạnh, hắn ta vẫn “ém mình” không chịu ra ngoài.

Trong nhà vệ sinh, hắn ta dùng dao mang theo tự kết liễu đời mình với nhiều nhát dẫn đến bất tỉnh. Sau đó, lực lượng công an mới tiếp cận được đưa hắn ta đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, hắn ta tử vong sau đó.

Sau đó, đối tượng được xác định là Thạch Ngọc Bảo (SN 1997, ấp Thanh Thủy, xã An Phước- Mang Thít) đang cai nghiện bắt buộc tại trung tâm và hắn ta trốn khỏi trung tâm nhiều ngày trước đó để tiếp tục sử dụng ma túy tổng hợp và gây ra tình trạng “ngáo đá” như đã kể trên.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Trạng (SN 1962, ấp Phước Trinh, xã Long Phước) bị đối tượng “ngáo đá” xông vào nhà giữa đêm khuya đánh gây thương tích. Ông Trạng kể lại, lúc đó vào khoảng 2 giờ sáng, có giọng nói thanh niên lè nhè gọi cửa.

Đêm khuya, tiếng lạ và gọi không đúng tên nên ông nghi ngờ bọn xấu lợi dụng và không ra mở cửa. Ông Trạng nói là nhầm nhà rồi nhưng đối tượng không bỏ đi mà vòng ra sau đập cửa nhà xông vào.

“Hắn ta mặt ngơ ngơ, ngáo ngáo không được bình thường rồi xông vào đánh tui túi bụi. Lúc này cả nhà thức giấc hô hoán lên rồi cùng người dân ở lân cận đến hỗ trợ khống chế hắn ta và báo cho công an”- ông Trạng nhớ lại.

Đối tượng là Nguyễn Khoa Nam (SN 1980, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) được xác định “ngáo đá”. Đối tượng Nam sau đó cũng tử vong do sử dụng ma túy đá quá liều.

Trước đó, đối tượng Nam vào nhà bà Trần Thị Hai (cũng ấp Phước Trinh) đến bàn thờ vái lạy, miệng nói lảm nhảm và hắn ta còn đập phá tài sản. Thấy biểu hiện của Nam không bình thường, người nhà bắt trói hắn ta lại.

“Người nhà khuấy nước chanh cho hắn ta uống. Một lúc sau, thấy hắn trở lại trạng bình thường nên gia đình thả ra”- bà Hai kể lại.

Xử lý đối tượng “ngáo đá” còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại hội thảo khoa học “Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới- thực trạng và giải pháp” được tổ chức gần đây, các đại biểu cho rằng đối tượng “ngáo đá” rất nguy hiểm cho xã hội.

Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng “ngáo đá” còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý, phòng ngừa số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chưa có khái niệm, tiêu chí xác định, nhận diện và phác đồ điều trị cụ thể cho các đối tượng “ngáo đá”.

Trong đó, công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng “ngáo đá” chủ yếu do lực lượng công an thực hiện, sự tham gia, phối hợp của các lực lượng khác còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao.

Hiện, tệ nạn ma túy đá có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức và là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, ma túy tổng hợp đã và đang phát triển rất nhanh, dần thay thế các loại ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện...) và người sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Đây là loại ma túy rất nguy hiểm, gây ảo giác hoang tưởng, suy giảm chức năng nhận thức, điều khiển hành vi dẫn đến những vụ phạm pháp hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Công an thu giữ tang vật trong một vụ án ma túy.
Công an thu giữ tang vật trong một vụ án ma túy.

Và nó lan truyền xuống tận ngõ ngách làng quê lôi kéo nhiều thanh niên sa vào ma túy, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Nguy hiểm hơn đó là tình trạng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp trở nên “ngáo đá” không còn tự chủ, mất kiểm soát, trở thành mối nguy hiểm cho xã hội.

Để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy nói chung, đối tượng “ngáo đá” nói riêng, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc- Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát- cho biết, chúng ta cần nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ về tội phạm ma túy diễn biến phức tạp về số lượng và tính chất các vụ việc.

Nếu không kiểm soát chặt, không quản lý được địa bàn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, cần rà soát đưa các đối tượng này vào lập hồ sơ, có kế hoạch quản lý, đưa đi chữa bệnh và nghiêm khắc xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó cần thực hiện tuyên truyền phù hợp với từng vùng, địa phương và các đối tượng, quan trọng nhất là để cho các cá nhân, gia đình nhận thức được sự nguy hại của ma túy đá. Còn lực lượng công an phải là chủ công trong việc triệt phá các địa bàn, đường dây tội phạm ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 20 vụ với 28 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Qua đó, cơ quan công an khởi tố 19 vụ với 23 bị can. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.400 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy phần lớn ở ngoài cộng đồng và có 127 người phạm tội đang bị quản lý trong trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Bài, ảnh: HOÀI NAM- HỒNG NAM