Dịch Covid-19 tiếp tục "nóng" tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ

Cập nhật, 10:38, Chủ Nhật, 21/11/2021 (GMT+7)

 

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin cho người dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin cho người dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại đồng bằng sông Cửu Long đang có dấu hiệu bùng phát nguy hiểm khi mỗi ngày ghi nhận từ 300 đến 500 ca nhiễm/tỉnh, thành phố, đặc biệt trong ba ngày gần đây Cần Thơ ghi nhận từ 700 đến 900 ca.

Tất các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung đều quá tải vì dịch bệnh tăng nhanh, đột biến tại miền Tây Nam Bộ.

Trong khi đó, việc điều trị F0 tại nhà, cách ly F1 tại nhà có thể giảm tải cho các khu điều trị, cách ly tập trung nhưng cũng có một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

Áp lực lên hệ thống y tế

Theo ghi nhận, số ca nhiễm Covid-19 trung bình trên địa bàn thành phố Cần Thơ ở mức 500 ca/ngày. Đặc biệt, trong ba ngày gần đây, số ca nhiễm tăng đột biến trong đó ngày 19/11 ghi nhận 939 ca, ngày 18/11 có 690 ca và ngày 17/11 có 712 ca nhiễm Covid-19.

Ngày 20/11, TP Cần Thơ ghi nhận 508 ca nhiễm Covid-19. Theo ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, trong 939 ca nhiễm ngày 19/11 ghi nhận thì có đến 429 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà. Tính đến 19 giờ ngày 20/11, Cần Thơ ghi nhận tổng số 16.287 ca. Khi số lượng F0 tăng quá cao thì khả năng hệ thống y tế bị quá tải, thiếu một số loại thuốc điều trị, trang thiết bị.

Trong vòng một tuần qua, trung bình mỗi ngày Đồng Tháp có hơn 400 ca mắc Covid-19. Riêng hai ngày 18 và 19/11, tỉnh ghi nhận hơn 500 ca/ngày. Đến sáng 20/11, tổng số ca dương tính ở Đồng Tháp là 15.713 ca.

Theo Tiểu ban Điều trị Covid-19, khoảng một tuần nay, công tác tiếp nhận bệnh nhân và điều trị tại 19 cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến chỉ 3.036 giường nhưng đã phải sử dụng đến 4.336 giường.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, khó khăn hiện nay là số lượng ca mắc tăng nhanh trong cộng đồng gây quá tải cho các tầng điều trị; trong khi số ca tử vong do nhiễm Covid-19 ở Đồng Tháp có dấu hiệu tăng trở lại. Trong một tuần gần đây, tỉnh ghi nhận 9 ca, đưa tổng số ca tử vong trên địa bàn tỉnh lên 239.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, trong bảy ngày qua, tỉnh có thêm 2.115 trường hợp mắc Covid-19, bình quân mỗi ngày có 302 ca mắc mới. Có chín huyện, thành phố có số ca nhiễm giảm, nhưng có sáu địa phương có số ca mắc tăng là: Kiên Hải, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Minh và Giang Thành.

Ngoài ra, qua test nhanh còn phát hiện 2.087 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là những trường hợp người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng bệnh nhẹ được quản lý tại nhà và trong các cơ sở cách ly tập trung.

Trong khi đó, toàn tỉnh An Giang thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ 3. Số ca nhiễm Covid-19 trong tuần qua có xu hướng giảm, ở mức 300 ca/ngày. Ba bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn còn khả năng thu nhận điều trị hơn 200 F0 triệu chứng nặng và bảo đảm đủ máy thở ô-xy.

Để giảm tải cho các khu điều trị, cách ly tập trung hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng với quy mô 300 giường tại Khu cách ly tập trung thị trấn Long Bình, huyện An Phú và Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại doanh trại Trung đoàn 892 huyện Thoại Sơn với quy mô 1.000 giường.

 Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng ở TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).
Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng ở TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).

Tăng cường cách ly, điều trị tại nhà

Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, TP Cần Thơ đã có hướng dẫn việc tiếp nhận, điều trị F0, F1 tại nhà để giảm bớt áp lực cho các khu cách ly, điều trị tập trung.

Điều này cho thấy, TP Cần Thơ triển khai thực hiện tốt và nhanh các chỉ đạo của Trung ương trong thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Tuy vậy, số lượng F0 ghi nhận từ khi chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ là rất lớn. Mặc dù số lượng F0 tăng đột biến nhưng số ca bệnh chuyển nặng chỉ 136 ca, tỷ lệ tử vong không tăng cho thấy hiệu quả của việc bao phủ vắc-xin trong cộng đồng.

Đến tối 19/11 toàn tỉnh An Giang đã tiêm vắc-xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 95,50% và mũi 2 đạt 71,10%.

An Giang phấn đấu trong tháng 11 tiêm mũi 1 và 2 đạt 100% cho người từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ tiêm vắc-xin phủ 100% này thì sẽ có nhiều F0 triệu chứng nhẹ và F1 chọn cách ly tại nhà nên khả năng kéo theo giảm nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly, khu phong tỏa.

Sở Y tế đã tư vấn các trạm y tế phổ biến cho các trường hợp cách ly tại nhà phải bảo đảm nhà thông thoáng, có phòng riêng cho người cách ly, người cách ly mang khẩu trang thường xuyên, thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần; sát khuẩn tay bằng cồn trước khi bỏ khẩu trang; thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc, như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu…

Một số địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã cho điều trị F0 tại nhà. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc phân túi thuốc về cho các trường hợp F0 được điều trị tại nhà.

“Tuyệt đối không để trường hợp F0 không có túi thuốc điều trị, kể cả thuốc chăm sóc sức khỏe, thuốc điều trị ban đầu…

Có túi thuốc đến với các trường hợp F0 thì mới tạo được tâm lý an tâm trong điều trị Covid-19 cho người dân”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, đến ngày 19/11, có 1.163.941 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin mũi 1 đạt 97,39%; có 749.452 người đã tiêm hai mũi vắc-xin, đạt 62,71% đối tượng tiêm vắc-xin.

Kiên Giang đã tổ chức thí điểm cách ly F1 tại nhà từ ngày 10/9 và đến ngày 8/11 tiến hành cách ly triệt để F1 tại nhà và bắt đầu thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà với 1.713 trường hợp.

Cách làm này góp phần giảm mật độ người cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, giảm áp lực cho lực lượng quản lý cơ sở, giảm chi phí, giảm sự lây nhiễm chéo...

Tuy nhiên, bước đầu phát sinh một số khó khăn nhất định, mất thời gian cho việc thẩm định điều kiện nhà ở và giám sát y tế hằng ngày, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.

Trong buổi làm việc với các tỉnh miền Tây Nam Bộ mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thực hiện tiêm vắc-xin cho tất cả những người trên 18 tuổi, không phân biệt độ tuổi, nhóm đối tượng. Kế hoạch phải cụ thể từng ngày, gọn từng khu vực, trước hết ở những nơi có nguy cơ cao. Bộ Y tế chịu trách nhiệm phân bổ đủ vắc-xin.

Trong công tác điều trị F0 tại nhà, Phó Thủ tướng chỉ đạo thiết lập hệ thống theo dõi y tế, kích hoạt mạng lưới “thầy thuốc đồng hành” để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ.

Việc thiết lập các trạm y tế lưu động căn cứ trên tình hình dịch bệnh của các xã, phường để bảo đảm giám sát y tế đến từng người dân ngay tại nơi ở.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phải cảnh giác, không để dịch lây lan nhanh vượt khả năng điều trị của ngành y tế, tăng cường giám sát dịch tễ, khi phát sinh ổ dịch thì khoanh gọn, xét nghiệm thật nhanh, ngăn chặn lan rộng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” nhằm quản lý chặt chẽ người từ nơi khác đến...

Theo Báo điện tử Nhân dân