Trên Núi Chúa có núi Chúa Em và núi Chúa Anh

Cập nhật, 18:20, Thứ Sáu, 17/09/2021 (GMT+7)

Ngay sau khi Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) cùng Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO chính thức công nhận là 'khu dự trữ sinh quyển thế giới', Tuổi Trẻ Online trở lại Núi Chúa để giới thiệu vẻ đẹp độc đáo của khu dự trữ sinh quyển này.

Cổng vào Vườn quốc gia Núi Chúa, bên trong là điểm du lịch Hang Rái nổi tiếng ở Ninh Thuận - Ảnh: DUY NGỌC
Cổng vào Vườn quốc gia Núi Chúa, bên trong là điểm du lịch Hang Rái nổi tiếng ở Ninh Thuận - Ảnh: DUY NGỌC

Ông Nguyễn Thành Trung - thành viên tiểu ban xây dựng hồ sơ đề cử sinh quyển Núi Chúa - cho biết Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (còn gọi là Vườn quốc gia Núi Chúa) nằm ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) có diện tích 31.241,33ha, độ cao 1.039m so với mực nước biển.

Trong đó, đỉnh cao nhất là đỉnh Cô Tuy (còn gọi là núi Chúa Em, cao 1.039m), sau đó là núi Chúa Anh (còn gọi là núi Ông, cao 978m).

Hệ thống Núi Chúa chạy theo hướng Bắc - Nam (ngoài ra còn có nhiều núi khác như: núi Ông Thỏ, núi Bà Dương, núi Sưa, núi Nước Nhỉ, núi Đá Vách), địa hình thấp dần về 2 phía Đông - Tây.

Khách du lịch chinh phục và thưởng ngoạn phong cảnh Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Khách du lịch chinh phục và thưởng ngoạn phong cảnh Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC

Tại khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có 1.514 loài thực vật với 27 loài đặc hữu. Trong đó, có 819 loài cây thuốc, 61 loài cây làm cảnh, còn lại công dụng khác như làm thực phẩm, chiết xuất tannin, tinh dầu.

Đối với hệ động vật, Núi Chúa có 763 loài động vật thuộc 354 giống, của 214 họ và 46 bộ động vật. Trong đó, 353 loài động vật có xương sống gồm 79 loài thú, 161 loài chim, 62 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 31 loài cá nước ngọt và 410 loài côn trùng.

Theo thống kê của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có 60 loài động vật quý hiếm, trong đó có 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.

Hiện tại, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa ghi nhận có 350 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn cứng thuộc 59 giống, 15 họ. Đặc biệt, có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loại mới tại Việt Nam.

Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản gồm ba loài như: đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa.

Theo ông Trung, thời gian tới, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân xung quanh nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị thiên nhiên.

Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Núi Chúa sẽ chú trọng bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, đẩy mạnh các quan hệ hợp tác quốc tế. Đây là nơi cung cấp các dịch vụ liên quan đến hệ sinh thái cho những người quan tâm, đặc biệt trong nghiên cứu bảo tồn, phát triển tài nguyên.

"Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới là tôn vinh được các giá trị về văn hóa cũng như giá trị bảo tồn thiên nhiên tại đây. Đồng thời, là cơ hội thúc đẩy trao đổi công tác bảo tồn giữa các khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới" - ông Trung nói.

Khu cảnh thanh bình tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: DUY NGỌC
Khu cảnh thanh bình tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: DUY NGỌC
Hồ treo trên núi tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Hồ treo trên núi tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Chà vá chân đen - biểu tượng của Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Chà vá chân đen - biểu tượng của Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Cheo cheo lưng bạc trong Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Cheo cheo lưng bạc trong Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Phong phú các loài san hô trong Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Phong phú các loài san hô trong Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Mộc hương (Isotrema nuichuaense) Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC
Mộc hương (Isotrema nuichuaense) Núi Chúa - Ảnh: BQLVQGNC

Theo DUY NGỌC/ Báo điện tửTuổi Trẻ (www.tuoitre.vn)