Chuyện kể ở thư viện Đặng Huỳnh

Cập nhật, 05:49, Chủ Nhật, 06/06/2021 (GMT+7)

 

Thư viện Đặng Huỳnh.
Thư viện Đặng Huỳnh.

(VLO) An Thạnh là xã vùng sâu của huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), đời sống tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Trong đó có vấn đề thiếu nguồn sách, báo, tạp chí, tư liệu để phục vụ cộng đồng góp phần nâng cao văn hóa đọc đang dần mai một.

Một thư viện đặc biệt ở vùng quê sâu

Năm 2004, người dân địa phương- đặc biệt là học sinh- rất bất ngờ, vui mừng, phấn khởi trước sự xuất hiện của một thư viện tư nhân mang tên Đặng Huỳnh phục vụ và miễn phí bạn đọc tất cả các ngày trong tuần với lượng sách khá phong phú và thiết thực, nhiều nhất là các loại sách văn học, giải trí, truyện thiếu nhi; các báo, tạp chí về khoa học kỹ thuật, tin học, nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng, nông nghiệp,… Đây là thư viện tư nhân đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bến Tre tính đến thời điểm hiện nay.

Kể về sự hình thành đặc biệt này, ông Thái Minh Chí- thủ thư thư viện này- cho biết: “Thư viện rộng trên 200m2, được đầu tư ban đầu khoảng 10.000 bản sách các loại với sự tự nguyện thành lập của đôi vợ chồng Đặng Thành- Huỳnh Bích Ngọc.

Lúc nhỏ cả 2 người sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, thiếu điều kiện học tập nên khi đã ổn định cuộc sống đã mở ra thư viện này để nâng cao văn hóa đọc cho mọi người- nhất là học sinh”.

Ngoài nguồn sách rất lớn, thư viện tư nhân này còn trang bị 20 máy vi tính phục vụ miễn phí bạn đọc. Nơi ngồi đọc rất thoáng mát với đầy đủ hệ thống quạt giải nhiệt; các kệ sách được bố trí ngăn nắp, khoa học, dễ tìm kiếm. Bạn đọc còn được phục vụ “trà đá” hay nước suối miễn phí. Nếu bạn đọc có nhu cầu thì được mang sách về nhà tham khảo rất thoải mái.

Học sinh đang tra cứu tư liệu.
Học sinh đang tra cứu tư liệu.

Em Trần Thanh Tùng- học sinh lớp 7 Trường THCS An Thạnh- vui vẻ kể: “Con và các bạn rất thường xuyên đến đây để học tập, ôn bài, truy cập tư liệu trên hệ thống Internet hoàn toàn miễn phí.

Ở đây có nhiều sách, báo, truyện thiếu nhi và chỗ ngồi rất thoải mái. Đã vậy, năm nào đạt danh hiệu học sinh giỏi, chúng con còn được thư viện thưởng quà động viên nữa đó”.

17 năm nâng tầm văn hóa đọc chốn quê nghèo

Chúng tôi đã có điều kiện tìm hiểu một số mô hình thư viện tư nhân ở ĐBSCL và đây là điểm sáng hoạt động liên tục 17 năm qua với lượng bạn đọc ngày càng nhiều đi kèm với lượng sách, báo, tạp chí, tư liệu ngày càng tăng.

Bình quân mỗi ngày bình thường thư viện Đặng Huỳnh đón tiếp 40- 50 bạn đọc đến tra cứu, tìm hiểu thông tin trên các loại sách báo.

Những ngày cao điểm vào mùa hè thì con số này tăng cao hơn. Điều này cho thấy sức hút của một thư viện tư nhân đang âm thầm nâng cao nền văn hóa đọc chốn quê sâu.

Thủ thư thư viện nói thêm: “Hiện tại chúng tôi đang có bình quân trên 12.000 bản sách. Số sách này cứ được luân chuyển liên tục theo nhu cầu thực tế của bạn đọc, nơi luân chuyển là các thư viện, nhà sách tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, chúng tôi còn tự xuất tiền túi hàng chục triệu đồng mua bổ sung mỗi năm hàng trăm bản sách khác.

Tính đến nay, thư viện Đặng Huỳnh đã phục vụ gần 200.000 lượt bạn đọc với trên 12.000 lượt truy cập Internet, cấp mới trên 2.300 thẻ bạn đọc…

Đây là những con số khá ấn tượng minh chứng cho một sức sống và tiềm năng phát triển của một mô hình nâng cao văn hóa đọc nông thôn.

Với những thành tích trên, thư viện này đã vinh dự nhiều lần nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bến Tre và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp.

Trong xu thế các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội phát triển rất mạnh mẽ dẫn đến sự trống vắng, thờ ơ, quên lãng của các thư viện, văn hóa đọc cũng đang đứng trước nguy cơ “thất thu” bạn đọc thì sự có mặt của thư viện Đặng Huỳnh chốn quê sâu vẫn đang phát triển quả là điều rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng nhiều hơn trong cộng đồng.

Muốn vậy không chỉ có những tấm lòng thiện nguyện hết lòng bảo tồn, phát triển, nâng cao văn hóa đọc mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ chính quyền địa phương cùng các ban ngành có liên quan.

Bài, ảnh: SONG ANH