Đặc sản Cà Mau đến với người tiêu dùng qua phương thức trực tuyến

Cập nhật, 16:25, Chủ Nhật, 30/05/2021 (GMT+7)

Nhiều hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đăng tải hình ảnh về sản phẩm đặc sản thông qua website, mạng xã hội... để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hàng hóa.

Các đặc sản của Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Các đặc sản của Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cơ sở kinh doanh hàng đặc sản Cà Mau chọn cách bán hàng qua hình thức trực tuyến thông qua nền tảng mạng xã hội.

Nhờ đó, doanh nghiệp vừa thực hiện được theo khuyến cáo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa giúp tăng doanh thu trong bối cảnh bán hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Đổi mới hình thức bán hàng

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến khách hàng e ngại khi đến các cửa hàng để mua trực tiếp hoặc tập trung ở chỗ đông người như chợ, siêu thị...

Nắm được tâm lý đó, nhiều hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau mạnh dạn đẩy mạnh bán hàng online. Các cơ sở này đã đăng tải hình ảnh về sản phẩm đặc sản thông qua website, mạng xã hội... để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hàng hóa mà vẫn an toàn.

Ông Bùi Văn Chương - Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - cho biết hiện hợp tác xã đã tăng cường xây dựng website, đẩy mạnh bán nhiều mặt hàng trên nền tảng đó. Khi có nhu cầu, khách hàng có thể liên hệ qua số điện thoại để được nhân viên tư vấn nhiệt tình, hàng hóa cũng được gửi đến tận nhà khách, rất tiện lợi.

Sản phẩm chủ lực của hợp tác xã như tôm khô, muối tôm, bánh phồng tôm, chà bông tôm... đều được niêm yết rõ ràng, cụ thể trên hệ thống website.

Một thuận lợi khác khi áp dụng hình thức này là giúp hợp tác xã tiết kiệm chi phí, thời gian của người mua, hạn chế đi lại, tập trung đông người.

Ưu thế bán hàng online hiện nay cũng giúp những người dùng điện thoại thông minh trực tiếp tìm kiếm sản phẩm một cách nhanh chóng, tiện lợi. Do vậy, doanh số nhiều mặt hàng đặc sản của các cơ sở ở Cà Mau không sụt giảm mà thậm chí còn tăng.

Đơn cử như Hợp tác xã Tân Phát Lợi mỗi ngày bán ra thị trường các sản phẩm đặc sản vẫn giữ mức ổn định như trước đây, từ 100-200kg, thời gian cao điểm sẽ tăng lên 300kg, ông Chương dẫn chứng.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, huyện hiện có 2 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp, 5 cơ sở sản xuất và 10 hộ có kinh doanh mặt hàng đặc sản địa phương. Từ khi dịch bùng phát trở lại, hầu hết các cơ sở, hộ kinh doanh đều bán hàng qua hình thức trực tuyến.

Thực tế cho thấy đây là giải pháp tháo gỡ khó không chỉ trước mắt mà về lâu dài sẻ trở thành kênh bán hàng không thể thiếu, bởi sự chủ động, tiện lợi mà nó mang lại.

Cần chiến lược căn cơ, dài hơi

Trong bối cảnh Sàn Giao dịch thương mại điện tử được xem là phương thức giao dịch hiện đại do có nhiều tính năng vượt trội hơn hình thức mua bán truyền thống được khách hàng ưa chuộng, tỉnh Cà Mau đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển hình thức này trên địa bàn.

Chủ động trước tình hình, từ năm 2020, Cà Mau đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử.

Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ngoài ra, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh, chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, nông sản của tỉnh thông qua ứng dụng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trở thành hình thức phổ biến của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Theo dự báo của các chuyên gia, tại Việt Nam, thương mại điện tử sẽ bùng nổ vào năm 2025 và các doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, dù đã được tập huấn nhiều kỹ năng tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trên môi trường mạng nhưng nhiều cơ sở vẫn gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm, chưa rõ về quy định của các sàn giao dịch.

Chia sẻ kinh nghiệm khi có sản phẩm được đăng bán trên Sàn Giao dịch thương mại điện tử Shopee, anh Trần Văn Miên - chủ cơ sở sản xuất ba khía muối ở huyện Đầm Dơi - cho biết trên các sàn chung có quá nhiều doanh nghiệp, sản phẩm hoạt động theo kiểu đồng thau lẫn lộn.

Một khi khách hàng so sánh tiêu chí giá cả khi mua sẽ dẫn đến việc các mặt hàng dù chất lượng cao khó bán được hàng, bởi giá cả cũng tỷ lệ thuận với chất lượng.

Nếu Sàn Giao dịch thương mại điện tử của tỉnh chỉ bán riêng các mặt hàng đặc sản của địa phương và được hướng dẫn hỗ trợ các thao tác giao dịch thì đây sẽ là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu bán sản phẩm do cơ sở mình sản xuất, anh Miên nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Quân nhận xét hiện các chủ sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu bán trên môi trường mạng nhưng chỉ mang tính chất riêng lẻ, không tập trung. Vì thế, mong muốn của lãnh đạo tỉnh là xúc tiến mạnh các mặt hàng thế mạnh, chủ lực của địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Trước mắt là xây dựng Sàn Giao dịch thương mại điện tử chung của tỉnh để những cơ sở sản xuất, kinh doanh đều có gian hàng trên sàn giao dịch, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho khách hàng. Giúp họ khi vào đây là có thể mua tất cả các đặc sản chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại.

Mặt khác, các chủ cơ sở phải quan tâm đến dịch vụ giao hàng tiện ích, khi có đơn hàng phải giao nhanh, kịp thời với giá cả phù hợp thì các mặt hàng đặc sản như sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh sẽ nhanh chóng tạo được vị thế trong lòng khách hàng, ông Quân kỳ vọng./.

Theo Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)