Giữ nét "dễ thương vô cùng" cho du lịch miền Tây

Cập nhật, 19:14, Chủ Nhật, 29/11/2020 (GMT+7)

Những chuyến đi ngắn ngày ở miền Tây, chúng tôi đã ghi vào nhật ký rất nhiều chuyện vui, thú vị. Nhưng đôi khi cũng gặp vài điều… mất hứng!

Ông chủ vườn hồng Tư Thắng nhiệt tình trao đổi về hoa hồng với khách.
Ông chủ vườn hồng Tư Thắng nhiệt tình trao đổi về hoa hồng với khách.

1. Du khách hiện nay không còn xa lạ “thành phố ngàn hoa” ở miền Tây. Đến với TP Sa Đéc (Đồng Tháp) thời gian nào trong năm cũng có hoa kiểng để ngắm, chụp hình bắt mê. Bạn có thể chạy xe gắn máy khám phá những ruộng hoa, vườn kiểng cả ngày không hết, ghé bất kỳ vườn nào cũng được người dân niềm nở nói chuyện về hoa, xuất xứ, tên từng loại… nhớ hổng nổi luôn! Bằng không, một vòng đường hoa Sa Nhiên- Cai Dao cũng đã đủ phác họa bức tranh đa màu sắc của làng hoa với nhịp sống nhà nông bình yên bên luống hoa, cây lá màu rực rỡ.

Khi chúng tôi còn ngại ngùng bước vào vườn hồng, một người đàn ông thấp đậm, nước da đen rắn rỏi cứ “đi theo” giới thiệu: đó là hồng leo ME Isaac Pereire, kia là Emilien Guillot... Bất ngờ ngắt 1 hoa hồng trao cho cô gái, bảo rằng giống hồng Pháp có hương chanel này để trong giỏ xách 3 ngày vẫn còn mùi hương. Đi một đỗi lại ngắt 1 hoa hồng trao cho cô gái khác, khách ái ngại “thôi đừng ngắt hoa anh ơi”, ông phát tay “có gì đâu, để mấy em cảm nhận mùi hương”. Rảo hết luống hồng này qua luống khác, hồi lâu ông mới nói thật “tui là Tư Thắng”, khiến khách bất ngờ “ông chủ vườn hồng quá bình dân, nhiệt tình”.

Vườn hồng Tư Thắng rộng khoảng 6.000m2, lúc “sung sức” có đến cả trăm loại hồng, còn hiện nay ít hơn “chỉ vài chục loại, các giống hồng nổi tiếng Pháp, Nhật, Hà Lan, Đức...”- chủ vườn hồng Tư Thắng bảo, hiện vườn đang được tỉa tót, chăm sóc cây chuẩn bị tết. Ở đây, mỗi chậu hồng có giá từ vài trăm ngàn đến cả chục triệu. Ông Tư Thắng chỉ chúng tôi những gốc hồng cổ son môi “cháu nội” hơn 20 tuổi, còn có cây “ông nội” lên đến 40 tuổi.

Ông Tư Thắng cho biết, giống hồng leo ME Isaac Pereire rất quý, khi hoa nở có mùi thơm dịu đặc trưng, bông to, cánh hoa xếp từng lớp dày, đẹp và có thể ra hoa quanh năm. Aoi rose của Nhật loại hoa hồng bụi màu cà phê trộn tím merlot, bông chùm, siêng hoa. Có những giống hoa hồng là nguyên liệu chính để sản xuất ra nước hoa đắt tiền như Chanel của Pháp. Hiện nay, vườn hồng chủ yếu lấy hoa, chiết xuất tinh dầu hoa hồng “cung cấp cho các spa hoặc bán cho khách làm đẹp”- ông Tư Thắng nói và gợi ý “vô băng đá ngồi, tui lấy cho thử”. Rồi ông mở nắp chai tinh dầu, dùng que chấm cho từng người thử mùi tinh dầu thơm nhè nhẹ, ngòn ngọt như mật ong vừa giới thiệu: “chỉ 2 loại Royale rose, Red Eden mới đủ chuẩn dùng làm nguyên liệu chiết xuất. Thường 10kg hoa hồng tươi mới chiết xuất 100cc tinh dầu. Hoa hồng vừa nở, phải hái từ 7- 8 giờ sáng, đỉnh điểm phát hương của loài hoa”- ông Tư Thắng phân tích.

Chúng tôi đã rất sẵn lòng mua tinh dầu hoa hồng và ông chủ nhiệt tình đưa ra tận cổng dặn với theo: “Có đi qua đây, cứ ghé vườn coi hoa, thoải mái chụp hình… không thu phí gì cả”. Mùi hương hoa hồng còn vương theo chân khách đi rất xa!

2. Khi bạn bè nhờ tư vấn, chúng tôi hay nhắc đến Hòn Sơn, cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 1 giờ 30 phút đi tàu cao tốc. Đến Hòn Sơn, du khách thỏa thích sống với thiên nhiên giữa núi rừng, biển cả và chan hòa đời sống người dân chân chất, thiệt tình. Và còn nhắc luôn chuyện gặp cô chú Ba Trang đã cho “ăn cơm chực” khi chúng tôi lỡ đường.

Đó là một hôm trên Hòn Sơn, mải mê chụp hình ở các bãi đá, đi vào xóm chài, chừng đói bụng thì đã hơn 13 giờ, nhiều quán hết thức ăn. Gặp quán nước nhỏ ven đường, nhưng lại không bán cơm, mì gói cũng không còn. Thấy thương, cô chú Ba Trang- chủ quán hỏi “nhà còn cơm nguội, tụi con ăn đỡ nghen”. Rồi cô kêu anh con rể bưng nồi cơm, cá chiên, canh khoai mỡ… dặn luôn: “Ăn tự nhiên nhe tụi con. Cơm nhà nấu, gạo mua từ đất liền chở ra, ngon lắm”.

Chưa bao giờ chúng tôi được ăn bữa cơm vừa ngon, lại thân tình đến vậy. Vừa ăn vừa được nghe kể chuyện. Chú Ba nói, gia đình 4 đời chôn rau cắt rốn ở đây. Hồi xưa, biển rất nhiều cá, chú sống bằng nghề đi biển, chỉ đánh bắt cá lớn. Nào cá bóp con vài chục ký, nào cá đuối bự bự, cá thiều đầy đống… Giờ lớn tuổi, nghề biển có mấy người con tiếp nối. Khu vực đồi dốc nhà chú trồng rất nhiều dừa, chuối, xoài, mít. Như nhiều người dân đảo, gia đình chú sử dụng nước dây, truyền từ trên núi xuống, ngọt mát và
trong vắt.

Không phải vì được “cho ăn”, mà chúng tôi nhớ mãi cái tình hồn hậu của cô chú, rất phóng khoáng của người miền Tây. Cây nhà lá vườn vậy mà thắm đượm nghĩa tình hết biết!

3. Còn câu chuyện sau đây không có gì đáng kể, nếu như khi chúng tôi đến một điểm du lịch ở Đất Mũi Cà Mau và đừng được chủ nhà cho câu cá. Trong thời gian chờ đợi nấu nướng thức ăn, khách được “dụ” câu cá, thường thì các loại cá phi, cá đối… đi cả bầy “giựt đã tay” quán sẽ tặng luôn cho khách. Nhưng hôm đó, mấy nhỏ trong đoàn câu dính con cua gạch bự chảng, la làng la xóm muốn… banh nóc nhà lá, khiến bà chủ trong bếp vội vàng chạy ra “giựt” lại con cua.

Du khách thích thú đi vỏ lãi trên sông rạch Cà Mau.
Du khách thích thú đi vỏ lãi trên sông rạch Cà Mau.

Câu chuyện mất hứng từ đây, bà hầm hổ nói cua nuôi, giá đang rất cao nên khách đừng hòng lấy. Rồi bắt con cua xách te te vô nhà. Những người khách từ trẻ con đến người lớn đều chưng hửng. Ủa, có ai muốn bắt con cua của bà chủ bỏ vô nồi lẩu đâu? Bà chủ làm như khách sẽ “cặp nách” con cua đem về hổng bằng?

Khách ở phương xa tới, thấy con cua, con còng đã lạ, còn câu được con cua có thể coi là “chiến tích tuyệt đỉnh”, rất ấn tượng để kể với người thân, bạn bè… Nhưng, suốt chặng đường về và mỗi khi kể lại chuyện này, vui đâu không thấy, chỉ có thể nói giá như bà chủ điểm du lịch ứng xử tình huống một cách ôn hòa, khôn khéo hơn thì hay biết mấy.

* * *

Rõ ràng là chúng tôi đã có những trải nghiệm nhớ đời qua từng chuyến đi. Vẫn còn nhớ như in mùi hương hoa hồng để trở lại làng hoa, không thể quên bữa cơm “ngon nhất thế gian” từng được ăn trên đảo ngân nga sóng biển. Hy vọng du lịch miền Tây sẽ luôn giữ nét “dễ thương vô cùng” đó mãi, vì tặng người hoa hồng tay mình sẽ mãi còn mùi hương!

Bài, ảnh: AN HƯƠNG