Người thợ lặn mò cua bắt ốc

Cập nhật, 13:16, Chủ Nhật, 20/09/2020 (GMT+7)

 

Anh Nguyễn Văn Tỷ.
Anh Nguyễn Văn Tỷ.

Vòng quanh đảo hòn Lại Sơn (còn gọi là hòn Sơn Rái), tấp xe vào một quán ven đường, gặp anh chủ quán khá vui tính. Anh mở đầu chào chúng tôi bằng câu hỏi thân thiện: 

- Các chú cần dùng gì? Nếu không, mời nằm võng nghỉ chân, miễn phí- anh nói tiếp- Trông trên người các chú mang theo nhiều dụng cụ máy ảnh lỉnh kỉnh như này chắc là nhà báo?

Tôi tếu táo: 

-Báo vợ, báo con và báo đời thôi!

Anh cười hiền lành, thân thiện. Anh cho biết, không phải dân gốc người địa phương hòn Sơn Rái, đã đến đây lập nghiệp trên ba mươi năm. Sau những ngày đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, quán tạm nghỉ, bây giờ mới mở cửa bán trở lại, khách du lịch tham quan chưa đông, khi có khi không. 

Thấy tôi đưa mắt dò xét, anh lại tiếp tục ra vẻ bí mật: 

- Đố chú đoán được nghề của cháu? 

Tôi xởi lởi: 

- Anh là chủ quán, ắt hẳn là nghề kinh doanh nước giải khát? 

- Trật lất! 

Cách đối đáp cộc lốc của người đàn ông trung niên có nước da ngăm đen đậm màu mưa nắng lẫn nét phong trần làm tôi chú ý hơn. 

Ngọn gió cuối tháng tư của buổi trưa hè vùng hải đảo thổi nhè nhẹ. Mặt biển tung tăng gợn sóng từng cơn như thể thi nhau chơi trò đuổi bắt. Thỉnh thoảng, có những lượn sóng vỗ mạnh vào ghềnh đá vỡ òa rồi tan biến. Người đàn ông trung niên đưa tay vuốt ngược lên mái tóc úa vàng lâm râm sợi bạc ra vẻ trầm tư. Giọng anh buồn buồn:

-“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”. Cháu là dân thợ lặn trên mười năm rồi, chuyên mò cua bắt ốc, mà dạo nay thời tiết trái mùa, thất thường, ngày nắng đêm gió nên bữa có bữa không. Mấy anh em ruột kẻ ít người nhiều xúm lại cất tạm cái quán lá này thu nhập dăm ba đồng để trang trải cuộc sống thường nhật. Riêng cháu, đã hai lần “qua đò”.

Bà trước, bên Bãi Giếng ở với nhau được một con gái. Bà sau, ở Bãi Đá cho ra hai em vịt trời, không có việc làm ổn định, bốn miệng ăn chỉ trông vào sự lặn hụp mỗi ngày của cháu.

Chú thấy đó, hòn đảo này nhỏ xíu, hơn bảy ngàn khẩu, diện tích ngoài mười một ký lô mét vuông. Xe Honda chạy vèo một vòng thì điểm cuối lại trở thành điểm đầu, liếc nhìn công tơ mét kim đã hiện lên con số mười sáu cây số.

Tôi đang lặng thinh theo dõi để nghe anh kể về hoàn cảnh sống của mình, bỗng anh quay ngoặt, đổi cách nói chuyện pha chút tiếu lâm làm chúng tôi cũng vui lây.

- Chú biết không? Cháu là người giàu nhất ở xã đảo này. Người ta gọi cháu là ông nhà giàu Sáu Tỷ. 

- Là sao?- tôi hỏi 

- Cháu thứ 6, tên Nguyễn Văn Tỷ, thường gọi là Sáu Tỷ. Mà, đố chú đoán được tuổi của cháu? 

Lại đố nữa! Tôi cuốn hút theo câu chuyện của người trung niên ở trần đang ngồi trước mặt để đoán già đoán non:

- Có thể anh ngoài năm mươi?

Anh vỗ tay vào đùi thật mạnh rồi cười khà khà:

- Ha ha, chú không thể nào làm thầy bói được đâu, đoán sai bét rồi. Cháu mới ba mươi chín à, nếu tính tuổi ta đã là bốn mươi. 

Tôi thầm cười khẽ với chính mình, hóa ra cậu ta là tuổi Khỉ, hèn chi, tính cách anh ta mang nhiều nét tinh nghịch.

Anh gọi vợ châm thêm nước đá vào ly cho tôi. Tôi nhã ý mời anh dùng chai nước ngọt. Anh xua tay:

- Dân nghề lặn chỉ ghiền nước mắm, nếu ai lặn ở độ sâu phải luôn mang theo bên mình đôi ba xị. 

Tôi đùa:

- Xị đế? 

Anh vung nắm đấm như thể chém lên khoảng không mà rằng: 

- Muốn chết hả bố? Chỉ thuần là nước mắm, vì nước mắm để chống lạnh và cơn vọp bẻ luôn rình rập bên mình.

- À, ra vậy.

Với tay mở bao thuốc lá, anh mời tôi. Tôi xua tay từ chối:

- Dân viết lách mà tôi cũng đành phải cai thuốc lá để giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cộng đồng.

Anh đồng cảm tán thành:

- Cháu ít hút lắm, dùng khi buồn hoặc khi tập trung suy nghĩ hay tiếp khách.

Kéo một hơi dài, anh quay người sang một bên thong thả nhả khói ra từng lọn tròn tròn, trầm tư, thầm ước. Giá có nhiều tiền cháu sẽ mua một bình dưỡng khí có thể ra xa bờ hơn, độ sâu hơn, bắt nhiều hải sản hơn, thu nhập kinh tế khá hơn.

Tôi thăm dò:

- Để mua bình dưỡng khí thì cần phải có bao nhiêu tiền?

Anh thở dài lộ vẻ đăm chiêu rồi lảng sang câu chuyện khác.

Anh cho biết, mỗi ngày phải ngâm mình trong nước biển vài giờ sâu tầm bốn sải tay, bắt đủ các loại hải sản nào là: nhum (cầu gai, nhím biển), ốc mắt ngọc, ốc nón, ốc gai, ốc trinh nữ, sò mai, cua đá, hàu sữa, hàu đá, bào ngư, hải sâm đen... kiếm được ba, bốn trăm ngàn đồng.

Hên lắm là gặp bào ngư hoặc hải sâm bán có giá rất cao (một triệu đồng một ký), nhưng hai loại này sau tết mới có nhiều.

Ở chợ, người ta bán nhum theo ký, còn cháu đếm con tính tiền. Khách mua đem về thì mỗi con nhum giá bảy ngàn, nếu chế biến ăn tại chỗ thì mười ngàn một con. Hàu sữa cũng vậy, mỗi con giá mười lăm ngàn. Khách muốn ăn cháo hàu thì ít nhất phải mua từ năm con trở lên quán mới nấu cháo để ăn tại chỗ. 

Nghề mò cua bắt ốc nhọc nhằn gặp những rủi ro cao, nếu bắt cầu gai mà không có vợt, không mang cây chỉa dễ bị hàng chục gai nhọn của nó đâm vào tay chân.

Gai con nhum đâm vào người kể như ngồi đó mà khóc. Cái nghề thợ lặn thật khắc nghiệt, rủi ro cao, chuyện bị chuột rút xảy ra như ăn cơm mỗi ngày. Người nhẹ thì bị co rút, chân đi tập tễnh, đôi khi phải cưa tay, cưa chân; thậm chí mất mạng.

Vì miếng cơm manh áo và không tìm đâu ra việc làm, nếu sắm xe máy cho thuê thì phải vay tiền, phải mua nhiều chiếc, chưa kịp thu hồi vốn thì xe đã rỉ sét, thua lỗ là cái chắc.

Quán nhà lá của cháu nằm ven đường, khách du lịch muốn dừng chân nghỉ mệt cũng thoải mái, không tính tiền.

Bãi này gọi là bãi Đá Chồng, vì có nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau. Ban ngày mở cửa, ban đêm vợ chồng con cái kéo về bên kia Bãi Đá để nghỉ, cửa nẻo không cần khóa, an ninh trên đảo rất tốt, không có trộm cướp, không tệ nạn hút chích.

Khách đi phượt có thể ghé vào đây giăng võng ngủ nhờ qua đêm cháu không lấy tiền, miễn là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Rất hiếu khách, anh Sáu Tỷ say sưa kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện trên bờ dưới nước. Liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay cũng đã đến giờ cơm trưa, chúng tôi chia tay anh ra về và mong anh sẽ khá hơn trong những ngày gặp lại.

Bài, ảnh: VĂN QUỐC THANH