Ngọt thơm cơm cháy nhà quê

Cập nhật, 20:10, Thứ Bảy, 12/09/2020 (GMT+7)

 

Công đoạn rang cơm cháy lá cẩm.
Công đoạn rang cơm cháy lá cẩm.

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP Tây Đô đã xuất hiện một món ăn khá mới lạ, hấp dẫn, giá bình dân được thực khách khá ưa chuộng. Đó là món “Cơm cháy lá cẩm”. Từ điểm bán ban đầu tại chợ An Thới (quận Bình Thủy) thì nay đã có hàng chục điểm bán món ăn này với giá 30.000 đ/cái (nếu thêm chà bông thì 35.000đ).

Về cách chế biến có nét tương đồng với món cơm cháy kho quẹt truyền thống nhưng món cơm cháy lá cẩm cũng có những nét riêng.

Cụ thể người làm phải dùng lá cây cẩm có độ già nhất định (không dùng lá non), sau đó vắt lấy nước rồi lược để tránh cặn của lá rơi xuống và pha trộn với nước cốt dừa xiêm để nấu với gạo ngon (hiện nay là gạo ST 24, gạo Chợ Đào, gạo Nàng Hương…).

Với cách nấu này, gạo sau khi chín sẽ có màu hồng tím rất đẹp của lá cẩm, mùi béo ngậy của dừa, mùi thơm và độ dẻo của gạo.

Công đoạn tiếp theo là để gạo khô ráo và bắc lên chảo để rang. Sau từ 4- 5 phút thì được ép chặt gạo xuống đáy chảo và cho lửa khá lớn để cho ra những dề cơm cháy vô cùng hấp dẫn.

Điều đặc biệt là nước chấm được chế biến hỗn hợp từ nước mắm Phú Quốc, đường thốt nốt, ớt đỏ, tóp mỡ heo, thịt ba rọi, chà bông và trứng cút ăn kèm với đậu bắp luộc và dưa leo làm tăng thêm sức quyến rũ của món ăn này.

Hiện nay, đã có nhiều người phá cách chế biến món cơm cháy nấu với lá trái gấc, lá dứa nhưng xem ra cũng chưa thật hấp dẫn so với món cơm cháy lá cẩm đang được nhiều người ưa dùng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH