Mùa nước nổi về

Lấy phù sa bồi bổ cho ruộng, vườn

Cập nhật, 09:45, Thứ Năm, 17/09/2020 (GMT+7)

 

 

Những ngày này, dòng nước từ thượng lưu sông MeKong đổ về, nước sông Tiền, sông Hậu trở nên đục ngầu và dâng lên dần. Ngoài gây ngập lụt, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân…, lũ (mùa nước nổi) còn mang lại nguồn “thực phẩm” quý giá cho cây trồng, cho con người. Đó là phù sa (PS) và nguồn tôm cá.

Hàng năm bồi đắp bao nhiêu PS?

Hàng năm, sau Tết Đoan ngọ là nước sông, rạch trong tỉnh bắt đầu đổi màu, trong đục lẫn lộn như “bánh da lợn”.

Lúc đó lượng PS trong nước bắt đầu gia tăng, đến giữa tháng 8 là nước sông hoàn toàn đỏ ngầu cũng là lúc lũ đã về, PS đã bắt đầu bồi bổ cho ruộng đồng, vườn tược. Có thể thấy lớp PS mỏng còn đọng lại trên lá cỏ, mặt đất khi nước triều rút.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT), hàng năm (giai đoạn năm 2000- 2010), sông Mekong đem về cho ĐBSCL khoảng 510 tỷ mét khối nước, trong đó 80- 85% tập trung vào mùa lũ và từ 15- 20% tập trung vào mùa kiệt.

Sông Tiền nhận được 79% tổng lượng cả năm (tại Tân Châu) và sông Hậu nhận được 21% tổng lượng cả năm (tại Châu Đốc).

Đến Vĩnh Long, vào tháng 10, lưu lượng lớn nhất tại Mỹ Thuận (sông Tiền) từ 20.000- 22.000 m3/giây, tại nhánh Cổ Chiên từ 1.814- 19.540 m3/giây và tại Cần Thơ (sông Hậu) lớn nhất từ 21.000- 23.000 m3/giây. Tổng lượng nước sông Hậu đổ ra biển khoảng 200 tỷ m3/năm (chiếm 41% tổng lượng nước của sông Mekong).

Nước sông Mekong chứa nhiều PS. Tại các cửa sông vào ĐBSCL là Tân Châu và Châu Đốc, mùa lũ có hàm lượng PS từ 500- 1.000 mg/lít, mùa kiệt là 200- 500 mg/lít và các cửa sông vào nội đồng khoảng 200- 300 mg/lít trong mùa lũ và 50- 200 mg/lít vào mùa kiệt.

Và cũng chính sông này hàng năm chuyển về cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn PS, một phần bồi lắp cho vùng ngập lụt của đồng bằng, một phần được hệ thống sông, rạch nối sông Tiền, sông Hậu vận chuyển bồi đắp cho vùng đồng bằng ven biển, một phần theo dòng chính các cửa sông ra biển và theo các dòng hải lưu vận chuyển đến các vùng biển ven bờ và từ đó thủy triều lại vận chuyển vào hệ thống kinh, rạch nội đồng vùng ven biển. Kết quả này giúp cho đồng bằng hàng năm tiến ra biển vài chục đến hàng trăm mét.

Càng về hạ lưu và càng vào nội đồng, hàm lượng PS giảm dần và hạt bùn cát tải theo cũng nhỏ dần do mất năng lượng khi vượt qua rào cản của bờ kinh, rạch khúc khuỷu, các cây cỏ, công trình... ven kinh, rạch như đê bao, cống, đập thủy lợi. Hàm lượng PS cũng thay đổi theo độ sâu, tốc độ dòng chảy và thời kỳ lũ.

Kết quả thực đo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam về hàm lượng PS ở 13 điểm với nhiều độ sâu khác nhau trên sông rạch trong tỉnh vào 3 tháng mùa lũ năm 2004 (năm có mức lũ bình thường) cho thấy: các khu vực gần sông Tiền, sông Hậu có hàm lượng PS cao hơn các khu vực nằm sâu trong nội đồng.

Cụ thể: vào tháng 10, trên sông Cổ Chiên, hàm lượng PS tại cửa vàm Hòa Mỹ (xã Mỹ An- Mang Thít) đo được 102,09 mg/lít, vàm Vũng Liêm là 98,32 mg/lít; trên sông Măng Thít, ở Trà Ôn đo được là 134,41 mg/lít, giữa sông này đo được 133,8 mg/lít.

Các điểm nội đồng đo được 82,07 mg/lít tại xã Mỹ Thuận (TX Bình Minh), 73,33 mg/lít tại rạch Bần (xã Hòa Bình- Trà Ôn) và 48,37 mg/lít tại kinh Xã Tàu- Sóc Tro (đoạn gần xã Thạnh Quới- Long Hồ).

Nước lũ mang về cho tỉnh ta từ 2 phía sông Tiền, sông Hậu. Nguồn thủy sản tự nhiên và các loài thủy sinh cũng theo lũ qua các kinh, rạch để vào đồng sinh sống và sinh sản. Với mức ngập lũ lớn nhất là 1,2m thì tỉnh ta chứa khoảng 2 tỷ mét khối nước, trong đó lượng PS mang về khoảng 2 triệu tấn.

Cũng theo kết quả tính toán của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam trên mô hình toán cho thấy: Vùng ven sông Tiền, sông Hậu PS bồi lấp mặt đất dày từ 5- 7cm, vùng sâu trong nội đồng dao động từ 6- 7,5cm và khoảng 8,5cm ở quanh vùng giáp nước.

Tuy nhiên, việc bồi lắng này còn chịu nhiều tác động của hoạt động sản xuất trên đồng nên có thể thay đổi.

Lũ tràn vào đồng ngoài tác dụng làm bồi bổ dinh dưỡng cho đất canh tác sau quá trình thâm canh tăng vụ làm cho đất bạc màu còn là dịp để rửa chua phèn cho ruộng vào đầu mùa mưa, vệ sinh đồng ruộng sau mùa vụ và là môi trường tốt để các loài thủy sinh sinh sống.

Và càng có ý nghĩa hơn đối với những khu ruộng, vườn vừa bị nhiễm mặn trong đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô năm 2019- 2020, lũ giúp rửa trôi độ mặn, hồi sinh cho những vùng đất bị nhiễm mặn.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, lũ về đồng bằng có xu hướng là lũ nhỏ do tác động của các đập thủy điện, thủy lợi thượng nguồn và chế độ dòng chảy sông Mekong thay đổi…

Xả lũ để đón phù sa bồi bổ đồng ruộng.
Xả lũ để đón phù sa bồi bổ đồng ruộng.

Lấy PS như thế nào?

Tỉnh ta có hệ thống sông rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để đón PS vào đồng nhưng do mùa vụ chưa đồng loạt, do có nhiều mô hình canh tác theo kiểu “da beo” và do một số vùng xây đê bao chống lũ cả năm nên việc xả lũ vào đồng gặp khó khăn, ngăn cản PS vào đồng.

Một trong những nguyên nhân giảm chất lượng tầng canh tác cũng được các nhà chuyên môn đánh giá là do thiếu PS. PS tuy tốt nhưng lấy PS cũng tùy theo cây trồng, loại thủy sản nuôi và tùy từng lúc từng nơi.

Đối với cây lúa, tốt nhất lấy PS vào giai đoạn tăng trưởng, thời kỳ lúa cần nhiều chất dinh dưỡng nhất. Thời điểm lấy PS vào đồng phù hợp nhất là sau khi thu hoạch lúa vụ Hè Thu xong dẫn nước lũ đầu vụ vào đồng để tháo chua, rửa phèn, rửa mặn của mùa khô, hay là sau khi thu hoạch xong lúa vụ Thu Đông (trùng với thời điểm lũ chính vụ) cần xả lũ để ngâm đồng chuẩn bị cho vụ Đông Xuân tới.

Lấy PS bằng cách mở cống hoặc khai bờ cho nước từ sông rạch chảy vào ruộng; khi mực nước trong và ngoài cống cân bằng thì đóng toàn bộ cống và đắp bờ lại, đợi một đến vài ngày để cho PS lắng đọng rồi mở cống ra tháo nước ra sông khi triều rút. Lặp lại nhiều lần quá trình trên thì càng thu được nhiều PS vào ruộng.

Do cây ăn trái không chịu ngập nước, nên lấy PS chỉ cho ngập khu vườn trong thời gian ngắn rồi xả nước ra liên tục, việc này cần hơn đối với những khu vườn bị nhiễm mặn. Cách tốt nhất lấy PS cho khu vườn là trữ nước trong các kinh, mương quanh khu vườn.

Các mương này được thiết kế ngoài phục vụ tưới tiêu đồng thời là nơi tích tụ PS. Vào mùa khô, nên vét lấy lớp bùn ở đáy mương có chứa PS phủ lên mặt liếp sẽ tạo thành lớp phân rất tốt cho cây ăn trái.

Một số loài tôm, cá rất nhạy cảm với nước đục cần thận trọng, đợi nước trong hơn rồi hãy lấy nước vào ao.

Đối với những khu ruộng thấp cũng cần lấy PS để đất bồi thêm cao hơn, cách đơn giản là thả bèo, rau nhút, ấu hoặc lục bình. Do bộ rễ của các loại cây này hút PS trong nước tạo thành mảng bám dính vào rể của chúng.

Khi rễ già, chúng tự rơi xuống bồi đắp nâng cao dần đáy ao hồ và cứ thế diễn ra liên tục quanh năm làm ao hồ bồi nhanh chóng.

Do mỗi năm lũ về đồng bằng mỗi khác nên lượng PS đem đến cho đồng bằng cũng thay đổi theo năm, theo mùa. Với hàm lượng PS trung bình ở nội đồng là 20 mg/lít, ở mảnh ruộng rộng 1ha nếu điều chỉnh mức ngập khoảng 0,5m thì có thể nhận được cả năm khoảng 500-1.000kg PS.

Muốn vậy, cần xây dựng công trình thủy lợi chủ động điều tiết nước ở từng vùng, từng thửa ruộng, ao hồ để ngăn lũ kết hợp đón PS vào đồng.

PS là nguồn lợi vô cùng to lớn mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở những thời điểm thích hợp, với hệ thống công trình điều tiết nước và chế độ canh tác thích hợp hãy điều chỉnh cho lũ vào đồng, đón nhận dưỡng chất quan trọng này, góp phần làm trù phú thêm nguồn tài nguyên của miền sông nước.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH