ĐBSCL ứng phó hạn, mặn

Cập nhật, 15:52, Thứ Ba, 14/01/2020 (GMT+7)

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày qua, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,4m đến 0,7m, chỉ ở mức tương đương cùng kỳ mùa khô năm 2015-2016. Nguyên nhân do nước dòng sông Mekong không về, nước biển xâm chiếm sâu và sớm hơn vào nội đồng...

Hệ thống cống ngăn mặn ở Hậu Giang sẵn sàng hoạt động.
Hệ thống cống ngăn mặn ở Hậu Giang sẵn sàng hoạt động.

Tái diễn hạn mặn

Theo nhận định của ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình hạn hán và xâm nhập mặn (XNM) mùa khô 2020 tại vùng ĐBSCL sẽ diễn ra rất nghiêm trọng.

Theo đánh giá, mức độ tương đương năm 2016. Hiện nay mùa mưa trên toàn bộ lưu vực ĐBSCL đã chấm dứt, kéo theo nguồn nước cũng suy giảm theo và dự báo khô hạn, xâm nhập mặn càng thêm gay gắt trong cuối tháng 1, tháng 2, 3 và 4-2020.

Theo ghi nhận thực tế tại một số điểm nóng về mặn ở khu vực ĐBSCL cho thấy mặn đã hiện hữu và đang lấn sâu với cường độ nhanh vào các tỉnh trong vùng. Hiện ngành chức năng và người dân khu vực này đang triển khai nhiều giải pháp để kịp thời ứng phó.

Vĩnh Long là địa phương cách xa biển, nhưng cũng đang có dấu hiệu XNM xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Những năm trước một số tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau xuất hiện mặn, sau đó mới tới tỉnh Vĩnh Long.

Nhưng năm nay sau khi Bến Tre xuất hiện mặn, là tới Vĩnh Long. Theo quy luật, những năm khô hạn khốc liệt, Vĩnh Long sẽ chịu ảnh hưởng XNM sớm nhất từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm nhất là tháng 3 và tháng 4. Nhưng quy luật này đã thay đổi khi mới đầu tháng 12-2019 mặn đã xuất hiện.

Chưa năm nào trong tháng 12 tại cống Nàng Âm, độ mặn cao tới 8,2‰, tại vàm Vũng Liêm cao 6,6‰… ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, hướng XNM chủ yếu trên địa bàn tỉnh là sông Cổ Chiên và sông Hậu. Hiện UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng phương án ứng phó với đợt hạn mặn năm 2020.

Đó là kịch bản ứng phó nặng nề nhất là hạn mặn sẽ gây nhiễm mặn, thiếu nước cho gần 100.000ha hoa màu, lúa, cây ăn trái, cuộc sống của hàng chục ngàn hộ gia đình gặp khó khăn do thiếu nước ngọt...

Còn ở Bến Tre, độ mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên đo độ mặn, tổ chức các điểm đo độ mặn miễn phí cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, xây dựng các khu vực trữ nước ngọt ở các xã, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho các xã bị ảnh hưởng do mặn.

Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, chế độ thủy triều của sông Mekong năm nay rất đặc biệt.

Cụ thể, cuối tháng 8, đầu tháng 9-2019, tại các trạm Kratie, Stung Treng (Campuchia), Pakse (Lào), mực nước đang ở mức thấp nhất lịch sử nhưng đến giữa tháng 9, mực nước đã vượt lên mức cao nhất từng được ghi nhận rồi nhanh chóng xuống thấp như trước đó.

Ngoài ra, Biển Hồ- nơi đóng vai trò trữ nước đang bị bồi lắng, lượng nước ít hơn trước, cùng với ĐBSCL bị sụt lún khiến nước từ Biển Hồ khi vào Việt Nam sẽ chảy thoát ra biển nhanh hơn, không giữ lâu được.

“Từ những yếu tố trên, nếu năm 2020 không có mưa trái mùa thì ĐBSCL sẽ đối mặt với một đợt hạn hán, XNM khá gay gắt. Có thể tương đương hoặc nặng nề hơn năm 2016” - Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nói.

Trữ nước ngọt

Theo kết quả khảo sát của ngành chuyên môn, từ ngày 1 đến 4-1-2020 lượng nước chảy ra từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm từ 1.200-1.400m3/giây xuống còn 800-1.000m3/giây và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800m3/giây và sau đó trở về mức ban đầu.

Như vậy khả năng từ 22-1-2020 XNM sẽ càng đi sâu vào ĐBSCL. Lúc đó, khả năng nước tại bến Ninh Kiều có thể bị mặn 1mg/l hoặc hơn thế nữa.

Hiện ngành nông nghiệp TP Cần Thơ tăng cường công tác cảnh báo XNM trong mùa khô; thường xuyên theo dõi 8 trạm quan trắc nước mặt trên địa bàn để kịp thời thông báo, ứng phó khi XMN xuất hiện; khuyến khích các địa phương, ngành nông nghiệp các quận, huyện tăng cường trữ nước ngọt trong đê bao, hệ thống kênh nội đồng khi triều cường, nguồn nước ngọt xuất hiện dồi dào… nhằm dự trữ phục vụ sản xuất.

Các địa phương ở ĐBSCL cũng liên tục khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng, tìm mọi cách để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm; cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, XNM và thông tin cho người dân được biết để kịp thời bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do XNM gây ra.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cũng đã có công văn gửi đến đơn vị có liên quan yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó.

Để chuẩn bị các phương án xấu nhất có thể xảy ra như mùa khô năm 2016, tỉnh Bến Tre chỉ đạo UBND các địa phương triển khai thực hiện ngay việc đắp đập thời vụ ngăn mặn cục bộ đối với những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát hệ thống bờ bao để kịp thời phát hiện và sửa chữa, khắc phục ngay những vị trí không đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, khuyến cáo: “Nồng độ mặn dưới 0,5‰ thì chúng ta mới được tưới cho cây trồng, cả cây lúa và cây ăn trái.

Đối với vườn cây ăn trái, khi mặn vào trong các mương thì hết sức nguy hiểm và bà con nông dân cần hết sức cẩn trọng trước khi tưới cho cây trồng. Bởi vì nồng độ muối 0,5-1‰ thì chúng ta nếm không biết được nhưng nó sẽ gây tác hại có thể gián tiếp hoặc trực tiếp đến cây trồng…

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: XNM mùa khô tại ĐBSCL là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Đặc biệt, vụ đông xuân tại ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn nước và chi phí sản xuất cũng rất cao. Các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh, rạch; thực thi quyết liệt hành động chống hạn, hạn - mặn.

Đặc biệt, tháng 1-2020 nguồn nước còn dồi dào, cần tích trữ tối đa; đầu các tháng 2, 3-2020 khả năng nguồn nước ngọt cũng được cải thiện và cần đươc tận dụng. Cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý; một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước…

Đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo nguồn nước của Tổng cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Theo Báo Cần Thơ