Ngôi nhà gốm "độc nhất" miền Tây

Cập nhật, 05:35, Chủ Nhật, 10/11/2019 (GMT+7)

Nhiều du khách đến TP Vĩnh Long hôm nay đã rất bất ngờ và thích thú khi được tận mắt tham quan ngôi nhà làm bằng gốm “độc nhất” miền Tây tính đến thời điểm này. Chủ nhân ngôi nhà có một không hai này là ông Nguyễn Văn Vui (59 tuổi, ngụ tại Phường 5- TP Vĩnh Long).

Bên ngoài gian nhà chính được thiết kế cột bằng gốm.
Bên ngoài gian nhà chính được thiết kế cột bằng gốm.

Lý giải về việc xây dựng ngôi nhà, ông Vui cho biết: “Bản thân tôi đã gắn bó với nghề gốm trên 30 năm rồi nên rất “nặng nợ” với chất liệu thiên nhiên này.

Trong thời điểm nghề làm gốm đang dần mai một và thay thế bằng những vật liệu xây dựng khác, tôi muốn lưu giữ nhiều kỷ niệm cho bản thân và cho cả lớp người trẻ biết, hiểu thêm về chất liệu gốm đã một thời làm rạng rỡ những làng gốm trên đất Vĩnh Long”.

Điều rất độc đáo là trên 90% cột, kèo, xà ngang của những dãy nhà hoành tráng đều được bao phủ bên ngoài bằng chất liệu gốm đỏ khá công phu, tinh xảo.

Trên đó là rất nhiều hình ảnh tái hiện nếp sinh hoạt dân dã nông thôn Nam Bộ; những câu chuyện cổ tích Việt Nam; những gia súc, gia cầm gắn bó mật thiết với đời sống con người như: trâu, bò, gà, vịt,... được chính chủ nhân ngôi nhà thiết kế và chỉ đạo thực hiện rất công phu.

Gian nhà chính đậm chất hoài cổ của ông Vui.
Gian nhà chính đậm chất hoài cổ của ông Vui.

Trong gian nhà chính hoài cổ rất to rộng, thoáng mát, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cổ vật có liên quan đến đời sống nông thôn xưa, trong đó có nhiều món đồ trị giá hàng chục triệu đồng như: các loại đèn dầu mù u, đèn “măng sông” (thời Pháp thuộc); dụng cụ giã gạo; chài lưới, nọc cấy lúa; gàu sòng tát nước; đồ chứa thức ăn bằng gốm, đồng, thau,...

Ông Vui cho biết thêm: “Tổng giá trị cổ vật hiện có ước trên 5 tỷ đồng do ông tìm mua ở khắp các tỉnh- thành trên phạm vi cả nước và nhờ người thân tìm mua tại nước Pháp với giá rất cao.

Quan trọng là mình thỏa được lòng đam mê và lưu lại cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Mình làm vậy là cũng để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, Vĩnh Long nói riêng.”

Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi bắt gặp rất nhiều nhạc cụ cổ xưa chứng tỏ sự đam mê và sành điệu của gia chủ như: các loại máy hát dĩa, các loại kèn Tây, đờn dân tộc được ông sưu tầm và trưng bày ngăn nắp, đẹp mắt.

Một cây cột được minh họa bằng hình ảnh sinh hoạt dân gian xưa.
Một cây cột được minh họa bằng hình ảnh sinh hoạt dân gian xưa.

Ông Vui càng làm nhiều du khách ngạc nhiên hơn khi giải thích rất bài bản về xuất xứ, tác dụng, cách thao tác các dụng cụ sản xuất nông nghiệp xưa.

Cạnh đó, còn giải thích rất cặn kẽ sự ra đời của các nhạc cụ đang được trưng bày cũng như nội dung thể hiện trên các cây cột, kèo bằng gốm thông qua các câu chuyện ngụ ngôn, truyện kể dân gian.

Riêng kinh phí đầu tư bên ngoài cho các gian nhà trưng bày cũng lên trên 2 tỷ đồng. Điều rất đặc biệt là các công đoạn xây dựng, thiết kế mẫu mã, hình ảnh đều do ông đảm nhận.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vui lý giải: “Mình phải yêu quý gốm, sống chết với gốm thì mới thiết kế căn nhà bằng gốm có được hồn cốt thuần túy của nó.

Vì vậy, dù bận rất nhiều công việc kinh doanh nhưng tôi vẫn “chỉ huy” phần thiết kế và hoa văn căn nhà. Sắp tới, điểm du lịch này sẽ mở cửa miễn phí đón du khách đến tham quan. Hy vọng sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho mọi người”.

Nặng lòng với nghề gốm từng làm rạng danh đất Vĩnh Long, luôn hướng về nghệ thuật kiến trúc dân gian bằng gốm đỏ, tấm lòng ông Nguyễn Văn Vui thật đáng trân trọng!

Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ