Đồng Tháp: Ai là người sở hữu 320 công đất ruộng "cò bay gãy cánh"?

Cập nhật, 15:07, Thứ Năm, 26/09/2019 (GMT+7)

Từ “hai bàn tay trắng”, bằng ý chí vươn lên và sự nỗ lực lao động, giờ đây, có một cựu chiến binh (CCB) đang sở hữu 320 công đất, trị giá hàng chục tỷ đồng và các con của ông được học hành đàng hoàng. Người CCB giàu nghị lực ấy là ông Phan Thanh Hồng (SN 1960) - hội viên Chi hội CCB ấp 1, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Từ “không cục đất chọi chim”

Với nét thật thà, chất phác của người nông dân “chính cống”, ông Hồng chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời mình. Năm 1983, ông tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Ông từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, được xuất ngũ vào năm 1987 và sau đó nên nghĩa vợ chồng với bà Đoàn Thị Công (SN 1962).

Ông Phan Thanh Hồng.
Ông Phan Thanh Hồng.

“Lúc trước, cha mẹ tôi chỉ có 2ha đất phèn làm ruộng nhưng phải nuôi tới 14 đứa con. Anh em tôi rau, cháo qua ngày là chuyện thường xuyên. Nhà tôi nghèo, bên vợ cũng chẳng khá hơn nên sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ có đôi bàn tay trắng, không nghề nghiệp cũng chẳng đất đai, vốn liếng. Tài sản quý giá nhất là sức lao động” - ông Hồng kể.

Quyết tâm thoát cảnh nghèo khó, vợ chồng ông Hồng động viên nhau cùng nỗ lực lao động. Ông Hồng bồi hồi nhớ lại: “Rời quê hương Trường Xuân, cuối năm 1988, vợ chồng tôi vào lập nghiệp ở vùng đất chua phèn Thạnh Lợi.

Bên bờ kênh Lô 3, tôi cất căn nhà, mang tiếng là nhà chứ còn thua cái chòi giữ vịt vì cột nhà bằng tre, được lợp và dừng vách chỉ khoảng 100 tấm lá chằm (được làm từ lá dừa nước)”.

Vào xã Thạnh Lợi, ông Hồng mướn 1ha đất trồng lúa. Vợ chồng ông tự chăm sóc lúa, không thuê mướn nhân công để đỡ tốn chi phí. Ngoài làm ruộng, ông còn đi giăng lưới, cắm câu, đặt lờ..., lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Trong vòng 8 năm (1988 - 1996), lần lượt 4 người con ra đời, gánh nặng mưu sinh càng đè nặng trên đôi vai của vợ chồng người CCB nghèo khó.

Tuy nhiên, nhờ được trui rèn trong môi trường quân ngũ nên ông quyết không “đầu hàng” trước cảnh nghèo. Vợ chồng ông làm thuê đủ việc, miễn sao đồng tiền kiếm được là chân chính.

Vừa siêng năng làm việc, vừa có ý thức tiết kiệm, dần dần tích lũy, đến năm 1991, vợ chồng ông Hồng mua được 16 công đất phèn. Số đất này được người quen thương tình bán giá hữu nghị (giá chỉ 16 giạ lúa/công) và ông trả trước 50%, số lúa còn lại cho thiếu.

Sau nhiều năm tích góp, dù là mua được mấy công đất phèn mặn, giá trị thấp nhưng vợ chồng ông Hồng mừng đến rơi nước mắt. Bởi đối với ông Hồng, đất đai là tư liệu sản xuất quý giá.

... Đến sở hữu đất rộng “cò bay gãy cánh”

Với phương châm “Dùng lúa nuôi lúa”, bao nhiêu tiền lãi từ việc làm ruộng, vợ chồng ông đều tích góp mua đất. Từ không có “cục đất chọi chim”, qua bao cố gắng, đến nay, vợ chồng ông Phan Thanh Hồng đang sở hữu diện tích đất rộng lớn, tổng cộng có 320 công ruộng, trị giá hơn 19 tỷ đồng (trung bình mỗi công từ 60 - 80 triệu đồng).

Từ 32ha ruộng sản xuất 3 vụ/năm mang về lợi nhuận cho gia đình ông Hồng bình quân trên dưới 500 triệu đồng mỗi năm. Ông đã xây dựng ngôi nhà kiên cố khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi gia đình. Nhiều năm qua, ông Phan Thanh Hồng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, CCB Phan Thanh Hồng còn tích cực tham gia công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ông tự nguyện hiến phần đất ruộng rộng hơn 2.000m2 để làm đường kênh Lô 3 và cống hở trạm bơm.

Ông Hồng bộc bạch: “Khi nghe tin Nhà nước có chủ trương nâng cấp, mở rộng, trải nhựa tuyến đường kênh Lô 3, tôi cũng như nhiều người dân địa phương rất vui mừng.

Lúa dưới ruộng đang “cong trái me”, chưa kịp thu hoạch nhưng tôi vẫn chấp nhận cho đơn vị thi công tiến hành san lấp mặt bằng để công trình đảm bảo tiến độ. Giờ đây, có đường nhựa rộng rãi, xe ô tô vào tận nhà, điều kiện vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi”.

Không chỉ hiến đất, ông Hồng còn đóng góp tiền làm cầu, đường nông thôn; hỗ trợ cất nhà tình thương; ủng hộ Quỹ khuyến học khuyến tài của địa phương...

Là nông dân nhưng ông Phan Thanh Hồng có tư tưởng rất tiến bộ đối với việc học. Ông quan niệm “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” nên trước đây, dù kinh tế gia đình túng thiếu nhưng ông nhất quyết không để các con bỏ học.

Ông thường xuyên động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho con học tập và đối với ông, đó là cách tốt nhất mà các con đền ơn cho mình.

Đến nay, tất cả 4 người con của ông đều được học hành đàng hoàng và có việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh. Con đầu - Phan Minh Thuận là Kỹ sư điện công nghiệp; con thứ hai - Phan Minh Thảo là Kỹ sư xây dựng; con thứ ba - Phan Minh Trọng là Kỹ sư cơ khí và cô con gái út - Phan Thị Tím cũng đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại vì kinh tế gia đình ổn định, nhất là các con hiếu thảo, hòa thuận, học hành đến nơi đến chốn” - ông Phan Thanh Hồng vui vẻ chia sẻ.

Theo Dân việt