Trăn trở "giấc mơ thân thiện môi trường"

Cập nhật, 06:28, Thứ Hai, 26/08/2019 (GMT+7)

Gặp chúng tôi vào những ngày cuối tháng 6/2019, anh Nguyễn Đào Quy Tân (28 tuổi, ngụ khu vực Hòa Thạnh A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn- TP Cần Thơ) hớn hở khoe: “Em đang giới thiệu với cộng đồng cách làm những chiếc ví bằng túi nhựa ny lông rất bắt mắt với thông điệp, hãy “Sống chung với rác thải nhựa và biến chúng thành những vật dụng có ích trong cuộc sống”. Đây cũng là một giải pháp bảo vệ môi trường rất hiệu quả, ít tốn kém, dễ thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi”.

Anh Tân đang vô túi lọc sản phẩm dầu gội đầu.
Anh Tân đang vô túi lọc sản phẩm dầu gội đầu.

Anh Tân nói thêm: “Sản phẩm này tôi không bán ở thị trường mà sẵn sàng hướng dẫn miễn phí cách làm cho những ai có chung ý tưởng làm đẹp, sạch, thân thiện với môi trường sống. Đó cũng là mục tiêu hướng đến của tôi”.

Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và đã đi làm ở một số công ty nước ngoài. Tuy nhiên, từ lúc nhỏ Quy Tân đã có niềm yêu thích sưu tầm các loại sách nói về thảo dược- nhất là các tư liệu nói về tiềm năng chế biến thảo dược sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Một số sản phẩm xà phòng chủ lực của anh Tân.
Một số sản phẩm xà phòng chủ lực của anh Tân.

Điều rất đặc biệt mà chúng tôi cảm nhận được thông qua các sản phẩm anh đã trình làng là: không đặt mục đích kinh doanh vào mặt hàng do mình làm ra.

Thay vào đó là tâm nguyện khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những loại sản phẩm được chiết xuất từ những loại thảo dược thiên nhiên vốn rất phong phú tại ĐBSCL, nâng cao giá trị thảo dược truyền thống và có được những sản phẩm gần gũi, an toàn, hiệu quả.

Nghĩ là làm. Mỗi ngày Tân đều dành nhiều thời gian nghiên cứu các loại thảo dược thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như sách báo, thư viện, các trang mạng xã hội với suy nghĩ và cách làm sao có được những sản phẩm độc, lạ, hấp dẫn mà giá thành rẻ nhất, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Riêng về phần bao bì, với kiến thức mỹ thuật đã qua trường lớp, anh khá thuận lợi để tạo dáng sao cho trang nhã, đẹp, bắt mắt với thị hiếu người tiêu dùng.

Tháng 3/2019, sau nhiều lần thất bại mà không nản chí, Quy Tân đã cho ra đời một số sản phẩm chế biến thành xà phòng được chiết xuất từ các loại thảo dược như: bồ kết, sả, trà xanh, nghệ, mật ong, cỏ mần trầu… và đã được người tiêu dùng ở nhiều địa phương đón nhận.

Ví bằng túi nhựa ny lông sau khi qua bàn tay chế tác của anh Tân.
Ví bằng túi nhựa ny lông sau khi qua bàn tay chế tác của anh Tân.

Nói về ý tưởng rất độc đáo này, Quy Tân cho biết: “Qua nghiên cứu nhiều tài liệu, tôi phát hiện nhiều loại thảo dược có rất nhiều ở vùng quê bị lãng phí hay được sử dụng chưa đúng cách, chưa đúng liều lượng vừa ảnh hưởng đến sức khỏe lại không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Từ đó, tôi đã tự nghiên cứu cách chế biến chúng thành sản phẩm xà phòng để vừa tiện lợi trong sử dụng, vừa có giá thành thấp, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng”.

Lý thuyết đơn giản là vậy nhưng khi bắt tay vào sản xuất thì Quy Tân đã gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa có kinh nghiệm thực tế trên lĩnh vực chế biến.

Mãi đến lần thứ 4, anh mới có thành công như mong đợi với 2 sản phẩm chủ lực là: xà phòng gội đầu và xà phòng rửa mặt bảo vệ làn da.

Đối với xà phòng gội đầu chủ lực là nguyên liệu bồ kết, cỏ mần trầu, hương nhu… được chế biến 2 dạng sử dụng: dạng thứ nhất là các túi lọc, dạng thứ 2 là bánh xà phòng.

Đối với sản phẩm rửa mặt có 3 loại sản phẩm được chiết xuất và cách pha trộn theo công thức khác nhau từ nguyên liệu: mật ong, trà xanh, dầu ô liu, nghệ,…

Chị Nguyễn Thị Tố Uyên đến từ huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) nhận xét: “Sản phẩm này tuy mới hình thành nhưng chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp, giá bán chấp nhận được”.

Thông qua các trang mạng xã hội, hiện tại sau 3 tháng sản xuất, anh đã cung ứng cho người tiêu dùng trên 600 sản phẩm các loại và được đánh giá rất cao bởi các ưu điểm: rất hiệu quả, giá thành không cao, nguyên liệu là thảo dược 100% nên rất an toàn.

Điều đáng nói ở người thanh niên này là tuy 600 sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng nhưng nguồn lãi mang về hầu như là con số 0, bởi giá bán chỉ đủ để anh mua nguyên liệu tái sản xuất cho những sản phẩm tiếp theo.

“Hiện nay tôi chỉ làm bằng phương pháp thủ công nên không đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Khi đã được công nhận từ các ngành chuyên môn, tôi sẽ đầu tư máy móc để sản xuất đại trà, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn- nhất là người nghèo, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Tôn chỉ xuyên suốt của tôi vẫn là thân thiện môi trường và lợi ích cho cộng đồng không chạy theo lợi nhuận kinh doanh”- anh Tân khẳng định.

Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ