Cà Mau tập trung đầu tư để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật, 15:51, Thứ Sáu, 23/08/2019 (GMT+7)

Để phát triển du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy.

Một khu rừng trồng tại Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Một khu rừng trồng tại Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc…

Để phát triển du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy.

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 04 phải gắn với việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Cà Mau tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với phát triển du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng tập trung phát triển các khu vực có nhiều tiềm năng và động lực để phát triển du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch đảm bảo đồng bộ, chính xác nhằm xác định cơ cấu ngành dịch vụ du lịch trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh.

Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh chú trọng phát triển các loại hình du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng…

Tỉnh Cà Mau chú trọng xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh và thân thiện cho du khách; đảm bảo cơ hội bình đẳng và lợi ích hài hòa cho tất cả người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch.

Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực đổi mới nội dung công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của xúc tiến du lịch.

Thương hiệu du lịch Cà Mau được xây dựng gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương.

Cà Mau dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách để đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối đến các khu, điểm du lịch trọng điểm mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh.

Tỉnh Cà Mau luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng các điểm dừng chân trên các tuyến du lịch; phát triển các khu du lịch tổng hợp, trung tâm mua sắm, các dự án du lịch-giải trí có quy mô lớn trên địa bàn…

Tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; quan tâm chỉ đạo phát triển các ngành dịch vụ và công nghệ phụ trợ cho du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch cho cán bộ làm công tác du lịch và cho nhân viên, người lao động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương.

Các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng, quy hoạch du lịch Cà Mau.

Chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành du lịch; xác định rõ du lịch góp phần rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển; cải tạo và bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng địa phương./.

Theo Kim Há (TTXVN/Vietnam+)