Về "kinh" ăn cá

Cập nhật, 08:04, Chủ Nhật, 24/02/2019 (GMT+7)
Kinh Xà No hôm nay.
Kinh Xà No hôm nay.

“Kinh” là phương ngữ của người miền Tây gọi những con kinh đào. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng nghe câu ca dao đã trở thành lời hát ru man mác tình quê: “Gió đưa gió đẩy… về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá… về đồng ăn cua”.

Từ “một ngàn” đến “mười lăm ngàn”

Thời Pháp thuộc, sau khi người Pháp đào con kinh Xà No xuyên qua cánh đồng trũng của vùng Tây sông Hậu nối liền Cần Thơ- Rạch Giá thì bắt đầu có sự dịch chuyển, bố trí lại mật độ dân cư của vùng đất này. Cứ 500m thì có một cống dẫn nước, 1.000m tới thì có một con kinh đào nhỏ, cắt ngang, gần như thẳng góc với kinh xáng Xà No.

Người bản địa và dân tứ xứ họp lại dọc theo bờ kinh làm ruộng, lập vườn, buôn bán và lập chợ ở mỗi đầu kinh giáp mối. Xóm chợ ban đầu thưa thớt, lèo tèo vài mái lá, dần dần trở nên sung túc, đông vui.

Từ vàm Xáng Xà No đến TP Vị Thanh ngày nay có các chợ, theo thứ tự đầu tiên là Một Ngàn đến Mười Lăm Ngàn. Xưa kia, khu vực này là “vựa” cá đồng lớn của miền Tây. Ngày nay số lượng thủy sản vẫn còn, nhưng đã giảm sút nhiều do tác động của con người.

Theo nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm biên khảo “Lịch sử khẩn hoang Nam Bộ”, kinh xáng Xà No có một lịch sử khá lâu đời và hấp dẫn. Con kinh này được đào do sáng kiến của 2 đại chủ điền người Pháp là Duval và Guéry. Năm 1900 thì 2 nhân vật này đã vận động Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer cho đào kinh Xà No gấp để họ được thâu lợi sớm!

“Kinh” là phương ngữ của người miền Tây gọi những con kinh đào. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng nghe câu ca dao đã trở thành lời hát ru man mác tình quê: “Gió đưa gió đẩy… về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá… về đồng ăn cua”.

Nhưng do đặc điểm địa lý, những vùng đất nằm sâu trong đồng bằng Tây sông Hậu không có sông lớn tự nhiên mà chỉ có những con “kinh” do nhà Nguyễn và thực dân Pháp xưa kia đào đắp để dẫn thủy nhập điền cũng như phục vụ giao thông, vận chuyển lương thực.

Vùng đất Một Ngàn đến Mười Lăm Ngàn nằm dọc theo kinh Xà No, có nhiều con kinh nhỏ khứa ngang, xuyên thấu sâu vào những đồng lúa mênh mông tạo ra một môi trường lý tưởng cho các loài cá đồng sinh sôi nảy nở. Bạn hãy thử du hành một chuyến “về kinh ăn cá…”

Về “kinh” ăn cá

Từ ngã ba “Bãi Rác” Cái Răng, cách TP Cần Thơ 12km, rẽ phải đi theo Đường tỉnh 61B thêm 13km trên đường về TP Vị Thanh (Hậu Giang), ta sẽ đến chợ Một Ngàn rồi lần lượt đến các chợ khác dọc theo kinh xáng Xà No như chợ Ba Ngàn Rưỡi, chợ Bảy Ngàn, chợ Mười Bốn Ngàn, thuộc huyện Châu Thành A (Hậu Giang) để tham quan, khám phá và tìm mua… cá đồng.

Buổi sáng, bến sông chợ Một Ngàn vô cùng sầm uất, nhộn nhịp với đông đảo người mua, kẻ bán. Bạn sẽ gặp rất nhiều loại cá đồng tươi ngon, sân sẩn vừa mới được bà con nông- ngư dân đánh bắt đêm qua đem đến chợ bày bán. Bạn hãy mua một ít cá thác lác về trổ tài nấu ăn. Cá thác lác hiện nay là đặc sản tiêu biểu của miệt Hậu Giang.

Cá thác lác được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như: chả cá thác lác chiên, hấp, cá thác lác kho khóm, cà chua; cá thác lác nấu canh cải trời, cải bẹ xanh, cá thác lác chiên giòn, dồn khổ qua, chiên sả,…

Thịt cá thác lác dẻo, dai và dẻ, khi chế biến thường được nạo ra, quết nhuyễn với gia vị, có hương vị đặc trưng và hấp dẫn. Có thể làm sạch cá rồi băm nhuyễn cả thịt lẫn xương, chế biến thức ăn rất tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và sau khi sinh, người mới ốm dậy, người cao tuổi gầy yếu.

Chị Dương Thị Ngọc Xoàn- chủ kiêm thợ nấu một quán ăn ở thị trấn Cái Tắc huyện Châu Thành A (Hậu Giang)- cho biết: chị hay đi chợ Một Ngàn mặc dù hơi xa, nhưng ở đây cá tươi ngon, giá mềm… Chị “bày” cách làm vài món ăn từ cá thác lác như: cá thác lác chiên sả là một món ngon đặc sắc, dễ làm, cá thác lác hầm khổ qua là món ngon được các bà nội trợ ưa chuộng,...

Hiện chả cá thác lác nạo sẵn loại ngon có giá 200.000 đ/kg. Cá thác lác sống tại chợ Một Ngàn, Bốn Ngàn, Bảy Ngàn, Tám Ngàn là 100.000 đ/kg. Ở các quán ẩm thực bình dân ven TX Vị Thanh, một dĩa cá thác lác chiên giòn có giá từ 50.000- 70.000đ. Theo Đông y, cá thác lác có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bổ khí huyết, bổ thận tráng dương, trừ phong thấp, giảm đau, nhuận trường…

Ngoài đặc sản cá thác lác Hậu Giang đã có thương hiệu, ở các chợ như Một Ngàn, Bốn Ngàn, Bảy Ngàn, Tám Ngàn còn có rất nhiều cá rô, cá lóc, cá sặt rằn, cá chạch, cá chình.

Đến miền Tây, “về kinh ăn cá”, dừng chân miệt Hậu Giang tìm hiểu, khám phá từ “Một Ngàn” đến “Mười Lăm Ngàn”, thưởng thức ẩm thực là một chuyến đi hấp dẫn và thú vị.

Bài, ảnh: HOÀNG THÁM