U.70 làm giàu nhờ nuôi cá

Cập nhật, 16:19, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

Một quyết định được xem là “kỳ lạ” gần 20 năm trước đã giúp gia đình ông Huỳnh Văn Sơn ở ấp Long Phước (xã Long Mỹ- Mang Thít) ngày càng khấm khá hơn.

Một câu chuyện thú vị, cho thấy muốn khởi nghiệp thì không cần giới hạn, kể cả tuổi tác.

Ông Huỳnh Văn Sơn (người đội nón) bên ao cá.
Ông Huỳnh Văn Sơn (người đội nón) bên ao cá.

Trong khi Long Mỹ là vùng chuyên trồng lúa, trồng màu thì từ những năm 2000, ông Huỳnh Văn Sơn chuyển sang nuôi cá với lý do “đất ít, làm ruộng hoài không đủ chi tiêu, phải làm cái gì khác cho đất đó sinh lời nhiều hơn”. Và, quyết định đào ao nuôi cá khi xung quanh đang trồng cây được xem là “rất kỳ lạ” lúc bấy giờ.

Từ con cá rô đồng nuôi lúc đầu, ông Sơn chuyển sang nuôi cá điêu hồng giống rồi mở rộng nuôi cá sặt rằn, cá trê, cá lóc,...

Ông lý giải, việc đa dạng hóa các loại cá như vậy là để phù hợp thổ nhưỡng, môi trường sống và để lúc nào cũng có thể “đáp ứng nhu cầu thị trường theo kiểu con này dội chợ thì còn con kia”

. Đối với những giống cá mới thì giai đoạn đầu chỉ nên thử nghiệm, xem thích hợp không mới bắt đầu nuôi lớn. Mấy loại cá nặng vốn thì làm theo kiểu cuốn chiếu để có cá bán rải vụ trong năm”.

Từ diện tích nuôi “khiêm tốn” chỉ một ao nhỏ ban đầu, hiện ông đã có 9 ao cá trong 20 công đất nuôi các loại: cá lóc, sặt rằn, trê vàng thương phẩm và điêu hồng giống. Cá sặc rằn 12 tháng thu hoạch 1 lứa, cá trê vàng 5 tháng và cá lóc 5- 6 tháng; riêng cá điêu hồng giống chừng 2 tháng là thu hoạch 1 lứa.

Theo đó, mỗi năm ông thu hoạch tổng cộng khoảng 60 tấn cá lóc, giá bán bình quân 35.000 đ/kg; 15 tấn cá trê vàng, giá bán bình quân 40.000 đ/kg; 15 tấn cá điêu hồng, giá bán bình quân 35.000 đ/kg; 20 tấn cá sặt rằn, giá bán khoảng 45.000 đ/kg.

Ông Sơn cho biết, ông chọn nuôi nhiều loại cá và thu hoạch nối đuôi trong năm để chia nhỏ rủi ro và không nặng vốn. Trừ chi phí còn lời 10.000- 12.000 đ/kg cá, thu lời bình quân khoảng 75 triệu đồng/tháng.

Theo ông Sơn, mặc dù đầu ra cho con cá rất tốt nhưng giá thành thường biến động thất thường nên lỗ lã không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, khi gặp thất bại, lỗ lã phải kiên trì “lùi 1 bước thì phải tiến 2 bước”.

Vấn đề quan trọng là, cần phải có niềm tin và dự đoán nhu cầu, quy luật cung cầu… Ông Sơn “dẫn chứng”: “Có lần tui thu hoạch 13 tấn cá lóc, nhưng thời điểm đó giá khá thấp, chỉ còn 28.000- 29.000 đ/kg, nhưng tui vẫn quyết định nuôi bồi thêm. Thành quả mang lại là thu được 35 tấn cá, giá bán 35.000 đ/kg.

Theo đó, mỗi khi chuẩn bị con giống nuôi, ông Sơn đều lên lịch thời vụ. Trong đó tháng nào làm vụ chính và tháng nào vụ phụ, dự đoán 12 tháng trong năm thì tháng nào dễ bị dội hay hút hàng, tháng nào kiệt đồng thì chắc chắn cá nuôi bán chạy… Tuy cũng có “suýt sót” nhưng trong “giới hạn rủi ro đã tính toán”.

Hàng ngày, ngoài miệt mài bên ao cá, ông dành thời gian “ngoại giao” như liên lạc, hỏi thăm những “người trong nghề” ở các nơi. Một mặt là để “khảo sát nhu cầu thị trường”, để “né” vụ thuận, làm vụ nghịch.

Ở cái tuổi U.70, ông Sơn đúc kết được nhiều kinh nghiệm và hiện đã có người con trai lớn được đào tạo bên ngành thủy sản hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật nuôi. Tuy nhiên, theo ông, kỹ thuật thì cứ học hoài vì cập nhật tình hình mới, ứng phó rủi ro mới. Do đó, dù ở độ tuổi nào, kinh nghiệm bao nhiêu cũng phải siêng năng, học hỏi không ngừng mới không… lạc hậu.

Ông Võ Hiếu Nghĩa- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ- cho biết: Khi mới bắt đầu, ông Sơn là hộ duy nhất tại địa phương nuôi cá. Ông là nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương nhiều năm liền. Chính nhờ sự quyết tâm cao, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm mà kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Nhờ vậy, ông Sơn có điều kiện hỗ trợ hộ nghèo thông qua các đợt phát quà vào dịp lễ tết...

Liên kết, đồng thuận mới thành công

“Tôi không xem những người nuôi cá như mình là “đối thủ cạnh tranh”. Trái lại, xem họ là những người “cùng hội, cùng thuyền”. Phải tạo sự thân thiện, gần gũi để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, nhu cầu thị trường… để anh em cùng dìu dắt nhau đi lên. Chính nhờ sự liên kết chặt với nhau trong làm ăn mà tôi mới có được ngày hôm nay”- ông Sơn nói.

Về “đối ngoại” là vậy và ông Sơn cũng chia sẻ thêm một chút “riêng tư” là khi “đồng vợ, đồng chồng” thì làm ăn sẽ thuận lợi hơn. Vì chỉ vợ chồng mới thấu hiểu, san sẻ với nhau nhiều nhất, từ việc nhà đến cả kỹ thuật nuôi trồng...

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- SÔNG HẬU