Sôi động chợ rắn, chợ cua đồng huyện đầu nguồn An Phú

Cập nhật, 14:56, Thứ Năm, 06/12/2018 (GMT+7)

Vào mùa nước nổi, chợ rắn và chợ cua đồng ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) bắt đầu sôi động. Đây là nơi phân phối đặc sản cho các chợ trong tỉnh và cung ứng lên TP.HCM. Do vậy, những khu chợ này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Bán nhiều loại rắn thiên nhiên

Mùa nước nổi tạo môi trường sống thuận lợi cho các loài thủy sản. Cua, cá, ốc, rắn đua nhau sinh sản bởi nguồn thức ăn dồi dào. Nhờ đó chúng là nguồn sống cho những hộ dân gắn bó với manh lưới, chiếc xuồng, giàn lọp trong những tháng nước tràn đồng.

Người dân biên giới ra đồng đánh bắt rắn mùa nước nổi.
Người dân biên giới ra đồng đánh bắt rắn mùa nước nổi.

Những sản vật người dân đánh bắt được xuất hiện nhiều ở các phiên chợ vùng biên. Sản vật độc đáo không thể thiếu của mùa nước nổi là rắn.

Hơn 5 giờ sáng, chợ biên giới Khánh An đã náo nhiệt. Dọc con đường ven sông Bình Di, tiếng rao mời của các tiểu thương, tiếng ngả giá của khách hàng làm tăng thêm không khí nhộn nhịp một góc chợ quê ngày nước nổi.

Năm nay, lũ nhiều hơn mọi năm nên sản vật cũng phong phú. Cách nay 2 tháng, ngư dân các huyện từ Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang về đây thả lưới, giăng câu, đặt lọp… Hầu hết các loại cá, tôm, cua, rắn đều được bán tại chợ này.

Theo quan sát, việc giao dịch tại chợ không chỉ có người Việt mà còn Campuchia. Sau một đêm đánh bắt, họ tấp nập ghé xuồng, cập ghe giao hàng cho thương lái là những túi, bao rắn đã được phân loại.

Trên bờ là khu vực có nhiều gian hàng, ki-ốt được các thương lái bày bán rắn. Dò hỏi từ một số người buôn mặt hàng này, rắn được đánh bắt từ Campuchia chở sang.

Rắn ở đây phong phú về chủng loại đa dạng về giá cả. Rắn bông súng giá 120 – 130 ngàn đồng/kg, rắn trun, rắn nước 140 – 150 ngàn đồng/kg, hổ hành từ 180 – 220 ngàn đồng/kg, rắn ri voi 350 ngàn, còn rùa là 380 ngàn đồng/kg....

Theo anh Nguyễn Văn Trí, lái rắn nhiều năm cho biết: “Vào mùa nước, mỗi ngày chợ này xuất đi Sài Gòn, Cần Thơ và các nơi khoảng trên 100 ký rắn các loại.

Thường người ta bắt rắn bằng cách giăng lưới, đặt lọp, đâm bằng chĩa trong đám lùm, bụi cỏ. Trước đây, các loài rắn, rùa bắt được chỉ để biếu người quen, ít bán còn giờ có giá trị cao nên được gom đưa về chợ đưa đi tiêu thụ”.

Rắn thiên nhiên có giá từ 120 - 220 ngàn đồng/kg.
Rắn thiên nhiên có giá từ 120 - 220 ngàn đồng/kg.

Chợ cua đồng Nhơn Hội

Hàng năm, cứ vào mùa nước nổi là người dân ở các xã biên giới như: Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông, Khánh Bình…của huyện đầu nguồn An Phú tất bật sắm ngư cụ đi sang địa bàn Campuchia để đặt lọp cua đồng. Nhờ vậy, hàng trăm gia đình nơi đây đã có nguồn thu nhập khấm khá.

Nghề đặt lọp của đồng ở các xã biên giới có quanh năm nhưng chính vụ từ khoảng tháng 5 – 12 âm lịch. Tuy nhiên, để có địa bàn hoạt động các ngư dân phải “đóng thuế” cho phía Campuchia với số tiền khoảng chục triệu đồng/vụ.

Đến hẹn là chạy xuồng sang bên kia sông để hành nghề, ông Nguyễn Thanh Nhanh (ngụ xã Nhơn Hội) cho biết: “Để đặt được lọp chúng tôi phải thuê đất với giá từ 10 – 12 triệu đồng.

Người đặt lọp di chuyển bằng xuồng máy từ Nhơn Hội, Phú Hội lên đồng Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo. Lượng cua đặt nhiều nhất vào khoảng tháng 8 – 11 âm lịch . Với 200 cái lọp mỗi ngày kiếm được từ 50 – 70kg cua”.

Ngư dân đặt lọp mùa lũ.
Ngư dân đặt lọp mùa lũ.

Nghề đặt lọp của các ngư dân diễn ra không đồng loạt nên việc thu mua cũng hoạt động theo từng thời điểm khác nhau. Cụ thể, một số vựa thu mua vào buổi sáng, còn lại phần đông hoạt động khoảng từ 16 - 21 giờ.

Lúc này, hàng chục chiếc xuồng đi đặt cua đồng từ phía biên giới Campuchia chở hàng về cân lại cho các bạn hàng trên địa bàn các xã dọc theo tuyến biên giới thuộc huyện An Phú. Sau khi cân hàng, các vựa giao lại cho các mối hoặc vận chuyển về thành phố lớn tiêu thụ.

Tại huyện An Phú chợ cua đồng nổi tiếng nhất phải kể đến là Nhơn Hội. Hơn 10 năm mua bán cua đồng tại đây, ông Trần Văn Trung (40 tuổi, ngụ ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) cho biết: “Mùa đánh bắt cua là từ khoảng tháng 5 -12 âm lịch. Lượng cua năm nay so với mọi năm tăng hơn khoảng 30%.

Cua từ Campuchia chở sang Việt Nam.
Cua từ Campuchia chở sang Việt Nam.

Mỗi ngày, cơ sở thu mua ít nhất là 5 tấn, nhiều lên đến cả chục tấn, sau đó giao lại cho vựa ở TP.Châu Đốc với giá xô là 18 ngàn đồng/kg, cua lựa 30 ngàn đồng/kg. Mức giá này người làm nghề có thu nhập ổn định vì giá cao hơn 2 ngàn đồng/kg so với năm vừa rồi”.

Theo lời vợ anh Trung, dân bán cua trong đó có khoảng 50% là người Việt. Mỗi ngày có khoảng 120 xuồng chở cua đến cơ sở bán. Mỗi xuồng đặt khoảng từ 200 – 500 cái lọp. Ngoài việc thu mua cua cơ sở còn bán khoai mì, đu đủ, bắp để làm mồi đặt cua.

Càng về chiều chợ cua càng nhộn nhịp.
Càng về chiều chợ cua càng nhộn nhịp.

Càng về chiều, chợ cua Nhơn Hội càng nhộn nhịp. Những người đặt lọp chuyển cua từ vỏ lãi lên cân hàng, còn người mua hì hục phân loại, đưa hàng lên xe vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.

Theo Báo Công An TPHCM