Mùa mưa Bảy Núi

Cập nhật, 14:55, Thứ Ba, 05/06/2018 (GMT+7)

Mùa mưa, đất trời Bảy Núi (An Giang) như bừng tỉnh với màu xanh phủ khắp núi rừng. Khi đó, vùng đất này dường như thay đổi hẳn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân và những đặc sản “lên ngôi”.

Dãy núi Phú Cường (Tịnh Biên, An Giang) đang khoác trên mình chiếc áo mới của chồi non. Những cơn mưa tháng 5 đi qua để lại niềm vui cho người giữ rừng, cho nông dân (ND) đang đợi nước về canh tác ruộng trên.

Với họ, mùa mưa cũng là lúc đất sẽ sinh lợi nhuận sau mấy tháng nằm đợi nước.

Ông Nguyễn Văn Hai, ND xã An Cư (Tịnh Biên) cho hay: “Năm nay mưa trễ nên tới thời điểm này đất chưa đủ nước để xuống giống. Hiện tại, tôi đang đợi mưa “già” để sạ lúa ruộng trên. Tuy năng suất lúa không bằng dưới xuôi nhưng có cái ăn từ mảnh đất của mình.

Với những khu vực đất pha cát nhiều, người ta đã chuyển sang trồng khoai mì vì chỉ loại cây này mới chịu được cái hạn của vùng này”.

Người dân xuống giống khoai mì đón mưa
Người dân xuống giống khoai mì đón mưa

Theo hướng dẫn của ông Hai, chúng tôi thấy những rẫy khoai mì đan xen với màu cát trắng chạy ngút tầm mắt.

Với đặc thù thổ nhưỡng của vùng, ngành nông nghiệp (NN) huyện Tịnh Biên đang vận động ND chuyển sang trồng khoai mì công nghiệp theo hướng ký kết bao tiêu. Hiện tại, mô hình này đã thực hiện thí điểm ở ấp Vĩnh Thượng (xã An Cư) với diện tích 12ha.

“Nói về NN, Tịnh Biên phải tận dụng thế mạnh đặc thù chứ không thể sản xuất lúa như khu vực đồng bằng.

Chúng tôi đang tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng NN hữu cơ, hình thành vùng nguyên liệu sạch cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Như vậy mới có thể nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân”- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận thông tin.

Mưa xuống, khung cảnh Bảy Núi đượm vẻ nên thơ. Những con đường rợp bóng cây cứ ngân nga tiếng ve náo nức gọi hè. Những chùm hoa phượng đỏ rực, đốt cháy ánh mắt miên man của lứa tuổi học trò như gợi lên nỗi buồn xa trường, nhớ lớp.

Mưa đến, giúp những hàng thốt nốt già nua rủ bỏ vẻ uể oải trong tháng mùa khô để năm sau lại kết mật cho đời.

Những ai có dịp đến Bảy Núi vào mùa mưa sẽ cảm nhận được “bộ mặt” khác của vùng đất này bởi nét đẹp rất riêng. Mùa mưa, những đám mây thường xuyên ghé thăm mấy đỉnh non cao, tô đậm thêm sự linh thiêng, hùng vĩ của núi rừng.

Làm đất chờ mùa rẫy mới
Làm đất chờ mùa rẫy mới

Thời điểm này, Bảy Núi bắt đầu xuất hiện đặc sản của vùng. Những con ve non, bọ rầy vốn được xem là “thử thách” với thực khách đã bắt đầu xuất hiện lác đác ở các chợ.

Những người bán loại đặc sản này cho biết, bọ rầy không có quanh năm mà chỉ xuất hiện với chu kỳ ngắn. Khi trời đang nắng gắt mà “quay mưa” thì vùng Bảy Núi mới có bọ rầy.

Lúc đó, người dân tranh thủ đi bắt chúng để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách. Nhờ bọ rầy mà người dân có đồng vô, đồng ra trong những tháng mưa.

Vì có kích cỡ to hơn ngón tay cái với hình dáng loài bọ nên bọ rầy trông có vẻ “khó nuốt”. Tuy nhiên, khi qua bàn tay của những bà nội trợ thì chúng lột xác hoàn toàn để trở thành đặc sản.

“Con bọ rầy ở dưới đất chui lên mọc chân, mọc cánh rồi bay theo mấy cây xoài để ăn lá. Loại này thích ánh sáng nên dân nghèo cứ đợi chập tối xách bao sẵn, chờ chúng mê đèn bay đến là dùng cây đập.

Hồi trước, bọ rầy nhiều vô kể, người ta chỉ bắt để ăn trong gia đình. Bây giờ, bọ rầy trở thành đặc sản nên ai cũng muốn ăn thử nên số lượng ít dần” - bà Nguyễn Thị Từ (người dân xã An Phú, Tịnh Biên) tỏ ra am hiểu.

Bọ rầy - đặc sản mùa mưa Bảy Núi
Bọ rầy - đặc sản mùa mưa Bảy Núi

Đối với du khách thích chinh phục “nóc nhà miền Tây”, mùa mưa cũng là thời điểm lý tưởng để tận hưởng không khí trong lành của núi Cấm. Mưa làm núi rừng thay áo mới.

Mưa làm núi Cấm lạnh sắt se. Những mạch đá rỉ nước mát lạnh hay những hồ nước lớn như chiếc gương soi bóng mây trời làm cho lòng người dịu lại.

“Du khách lên núi Cấm mùa mưa mới đúng là thời điểm của rau rừng. Do đó, người sành ăn sẽ chọn dịp này hành hương để thưởng thức đặc sản bánh xèo rau núi. Mưa xuống, cây trái trên núi tươi tốt hẳn nên trông thích mắt hơn.

Dù thời tiết đôi khi không thuận lợi nhưng dân buôn bán như chúng tôi cũng có lượng khách nhất định” - chị Hằng (một tiểu thương trên núi Cấm) cho hay.

Cứ theo vòng quay của đất trời, Bảy Núi mùa mưa lại có những nét đặc trưng riêng, phản ánh sự đa dạng trong đời sống của người dân ở vùng đất này.

Dù không ồn ào, náo nhiệt như cao điểm những tháng hành hương nhưng mùa mưa ở Bảy Núi để lại trong lòng khách phương xa những cảm xúc bồi hồi, khó tả.

Theo TTMT