Cần tư duy mới để ĐBSCL cất cánh

Cập nhật, 15:46, Thứ Tư, 30/05/2018 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhận định là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì thế, một tư duy mới liên quan đến quy hoạch, sản xuất và cả liên kết phát triển là vấn đề đang được đặt ra.

Sụt lún đang là mối nguy của ĐBSCL (ảnh chụp tại Khu du lịch biển Tân Thành).
Sụt lún đang là mối nguy của ĐBSCL (ảnh chụp tại Khu du lịch biển Tân Thành).

Quy hoạch sản xuất, chống BĐKH

Nhìn từ thực tiễn và xu hướng trong tương lai, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra 3 chủ điểm để phát triển ĐBSCL.

Thứ nhất là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng ĐBSCL trên cơ sở chủ động thích ứng chuyển hóa được những thách thức, biến những thách thức thành cơ hội đảm bảo được cuộc sống ổn định, khá giả cho người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hóa của ĐBSCL.

Thứ hai là thay đổi tư duy phát triển, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, chú trọng công nghệ chế biến, công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba là tôn trọng quy luật tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, mặn, khô hạn và phù hợp với điều kiện thực tế.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Laurent Umans (Bí thư thứ Nhất về Quản lý nước và BĐKH, Đại sứ quán Hà Lan) cho biết, thời gian qua Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ và quan tâm rất lớn đến vấn đề BĐKH ở ĐBSCL, đặc biệt là tình trạng sụt lún.

Ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, tác động của BĐKH đang là vấn đề rất nhức nhối. Đây là một tác động cộng dồn, điều này sẽ làm cho tác động của BĐKH ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dưới góc nhìn của người Hà Lan đối với vấn đề BĐKH ở ĐBSCL, trước mắt chúng ta phải làm giảm ô nhiễm nguồn nước mặt để người dân có thể sử dụng nguồn nước này trong sản xuất thay vì phải bơm lấy nước ngầm. Nếu chúng ta càng sử dụng nhiều nước ngầm, tất yếu đất sẽ càng bị sụt lún.

Ở các tỉnh ven biển ĐBSCL mà cụ thể là tỉnh Cà Mau, người dân sử dụng nước ngầm để nuôi tôm, khiến cho đất ngày càng bị sụt lún.

“Chúng ta có thể trữ lượng nước mặt và trồng cây để tăng thêm độ che phủ. Từ đó, chúng ta sẽ trữ được nước mặt thay vì sử dụng nguồn nước ngầm như hiện nay. Đó là đề xuất để nông dân vùng ĐBSCL ứng phó với tình trạng sụt lún và sạt lở đất”- ông Laurent Umans cho biết.

Theo ông Laurent Umans, đối với nhà khoa học, nhà quản lý cấp địa phương cũng như những người hoạch định chính sách, cũng cần xác định lại những điểm gây ô nhiễm và nghiên cứu xử lý nguồn nước bị ô nhiễm và tính đến phương án trữ nước.

Các địa phương trong vùng cũng cần phải có sự hợp tác, bởi đó là vấn đề quan trọng cấp khu vực, có tầm ảnh hưởng rất lớn mà một tỉnh, thành không thể giải quyết. Do đó, các tỉnh, thành cần phải liên kết lại theo chương trình liên kết các tiểu vùng ở ĐBSCL.

Ngoài ra, cần có một nguồn cung cấp nước từ bên ngoài đủ phục vụ cho người dân để hạn chế tình trạng khai thác nguồn nước ngầm. Thực tế, nguồn nước ngầm hiện nay cũng bị ô nhiễm và người dân không thể tiếp tục lấy nguồn nước đó để sử dụng.

Hơn nữa, nguồn nước bị ô nhiễm cũng không thể dùng được trong sản xuất. Do vậy, vấn đề nước sạch trong sản xuất và sử dụng, người dân không thể tự giải quyết được, chúng ta cần có một giải pháp sâu rộng hơn để cung cấp nguồn nước cho các hộ dân.

Tăng cường liên kết các tỉnh, thành trong vùng

Còn theo góc nhìn của TS. Đặng Kiều Nhân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, để ĐBSCL phát triển bền vững, việc cần làm hiện nay là liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng. Khi tạo được liên kết, chúng ta có thể tìm ra sản phẩm đặc trưng của từng tiểu vùng.

Việc kết nối hạ tầng kinh tế, giao thông sẽ giúp chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp được triển khai một cách có hiệu quả.

Việc liên kết giữa các tỉnh, thành còn tạo ra một không gian kinh tế mở, tất nhiên liên kết ở đây không phải là 1+1 = 2 mà phải là 1+1>2. Ở đây, liên kết còn là để kết cấu hạ tầng được đồng bộ, phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.

Nhìn từ thực tế vừa qua cho thấy, cần phải khẳng định vai trò trong liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực.

Chẳng hạn, ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười, ngành hàng lúa gạo là một trong những sản phẩm thế mạnh của vùng. Nếu không có sự liên kết giữa các tỉnh thành chuỗi liên kết lúa gạo sẽ bị đứt đoạn.

Cụ thể, Đồng Tháp là nơi sản xuất lúa gạo tốt và chất lượng nhất, Tiền Giang có thế mạnh về xay xát và chế biến, còn Long An có thế mạnh trong tiêu thụ.

Trong chuỗi liên kết này đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các tỉnh, thành để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm cho nông dân. Nếu các tỉnh, thành liên kết để phân vai với nhau sẽ làm gia tăng giá trị của ngành hàng chủ lực của ĐBSCL.

“Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm, ngoài việc liên kết giữa các tỉnh, thành trong tiểu vùng hay toàn vùng, ĐBSCL cũng cần liên kết với các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ để tận dụng ngành công nghiệp phụ trợ và thị trường tiêu thụ. Có như thế mới phát huy được thế mạnh của ngành hàng nông sản vùng ĐBSCL”- TS. Nhân cho biết…

Theo PHƯƠNG ANH – MINH THÀNH (Báo Ấp Bắc)