Sạt lở lan rộng ở ĐBSCL

Cập nhật, 12:01, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

ĐBSCL rất cần kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở đang lan rộng

Theo nhận định của ngành chức năng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL vẫn còn diễn biến phức tạp nên cần nguồn kinh phí rất lớn cho việc hỗ trợ di dời, tái định cư đối với những hộ dân ở vùng nguy hiểm cũng như xây dựng hệ thống đê, kè chống sạt lở.

Sạt lở từ bờ sông đến đê biển

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ sạt lở bờ sông Hậu và trên các tuyến kênh, rạch lớn thuộc các huyện An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên.

Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết tính đến thời điểm này, trên bờ sông Tiền đi qua Đồng Tháp đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở ở 25 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài đến 35 km, cuốn trôi hơn 13 ha đất ven bờ, thiệt hại hơn 29 tỉ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra sạt lở đất dọc bờ bao, kênh, rạch, sông nội đồng với chiều dài sạt lở hơn 5 km, sâu vào bờ từ 2-6 m. Tổng diện tích sạt lở là 1,3 ha, ước thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.

Tại TP Cần Thơ, hiện có trên 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7 km. Dọc các bãi biển ở ĐBSCL cũng đang ngày càng hoang phế khi mất từ 30-100 m độ sâu/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến nay trên địa bàn tỉnh có 80% đường bờ biển bị sạt lở, với diện tích khoảng 305 ha/năm.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho hay tình hình xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp do sóng biển tác động làm hư hại rừng phòng hộ.

Trong đó, đoạn bờ biển trên địa bàn huyện An Minh có một vài đoạn xói lở đến thân đê. Tại Mũi Rãnh vàm sông Cái Lớn của huyện An Biên, xói lở đang "gặm" gần hết đai rừng với đoạn dài 2 km.

Người dân ở huyện An Minh bắt cầu đi qua điểm xói lở thành hàm ếch. Ảnh: THỐT NỐT
Người dân ở huyện An Minh bắt cầu đi qua điểm xói lở thành hàm ếch. Ảnh: THỐT NỐT

Thiếu kinh phí phòng chống

Ông Lê Văn Hùng cho biết các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở thi công chậm do thiếu vốn. Trước mắt, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương xuất ngân sách để khắc phục những điểm sạt lở bờ sông Tiền.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung cho biết thực tế nguồn kinh phí để chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển ở địa phương rất hạn chế.

Do đó có nhiều điểm sạt lở xảy ra rất nhiều năm và có dấu hiệu lan rộng nhưng vẫn chưa làm được kè bằng kết cấu bê tông để khắc phục.

Thời gian gần đây, tỉnh Cà Mau đã khắc phục sạt lở ở nhiều vị trí xung yếu bằng kè kiên cố dự ứng lực và kè ngầm tạo bãi với chiều dài gần 12 km.

Theo đánh giá, các công trình này bước đầu có thể khắc phục sạt lở, vừa có thể giữ phù sa bồi đắp tái tạo bãi tái sinh cây mắm, khôi phục lại rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển. 

Do tình trạng khai thác cát tràn lan

TS Dương Văn Ni - Trường ĐH Cần Thơ - cho biết từ năm 2010 đến nay, cát thô đã không còn về đến ĐBSCL. Còn cát ở ĐBSCL là loại phù sa lắng đọng lâu dài, từ vài chục năm đến cả trăm năm trước mới tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Dòng sông bị sạt lở là do mất cân đối từ đáy sông. Nếu múc cát tràn lan thì sẽ thay đổi địa hình, tạo địa hình lòng sông mới, ảnh hưởng tới lưu lượng, vận tốc dòng chảy. Hiện nay, lượng cát về không đủ và lượng cát hằng năm biển kéo đi quá nhiều nên thềm của đồng bằng đang bị xói lở.

Theo NLĐO