Lúa đông xuân được mùa kép, nông dân ĐBSCL vui hơn tết

Cập nhật, 12:48, Thứ Tư, 07/03/2018 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán, hàng triệu nông dân ở ĐBSCL có thêm niềm vui mới khi lúa đông xuân 2017-2018 vào vụ thu hoạch rộ, vừa trúng mùa vừa trúng giá.

Niềm vui trên những cánh đồng Thời tiết thuận lợi, lúa rất sạch bệnh, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, thị trường đầu ra sôi động, nhiều nơi nông dân lãi lớn, từ 25-30 triệu đồng/ha.

Cánh đồng lớn, thắng lớn

Những ngày này, chạy xe theo tuyến quốc lộ 61 từ Kiên Giang qua Hậu Giang, đâu đâu cũng thấy vàng rực cánh đồng lúa chín. Xa xa, những chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đang cần mẫn ủi lưỡi cắt trên mặt ruộng, phun rơm, nhả lúa vào bao.

Những chiếc máy kéo cải tiến thay nhau ra vào, chở theo những bao lúa vàng óng, nặng trĩu về cho chủ ruộng. Có người phơi khô trữ lại chờ giá, nhưng đa phần là bán lúa tươi, lấy tiền tại bờ ruộng.

Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang cần mẫn ủi lưỡi cắt trên mặt ruộng, phun rơm, nhả lúa vào bao trong niềm vui trúng mùa của hàng triệu nông dân
Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang cần mẫn ủi lưỡi cắt trên mặt ruộng, phun rơm, nhả lúa vào bao trong niềm vui trúng mùa của hàng triệu nông dân

Vừa thu hoạch xong hơn 2 ha lúa, ông Danh Hồng (ở xã Định Hòa, Gò Quao, Kiên Giang) cùng vợ con ngồi đếm tiền, giọng hồ hởi: “Bây giờ nông dân làm lúa không còn cảnh cực nhọc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nữa, cái gì cũng đã có máy móc làm thay.

Cắt lúa chỉ cần hẹn ngày với chủ máy GĐLH là lúa hột về đến tận nhà. Còn bán thì thương lái đặt cọc sẵn, tới ngày là họ đưa ghe tới cân, xong trả tiền rồi chở lúa đi.

Năm nay tôi làm giống Jasmine 85, thời tiết thuận lợi, hầu như không có sâu bệnh, chi phí giảm, lúa trúng mùa, 2 ha cũng bỏ túi được hơn 40 triệu đồng, cả nhà vui lắm”.

Ông Lê Hữu Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Quao cho biết, do huyện ít bị ảnh hưởng lũ nên xuống giống lúa ĐX được sớm, sau Tết là bước vào thu hoạch rộ. Toàn huyện vụ này gieo sạ được 25.147 ha, thu hoạch dứt điểm trong tháng giêng này, năng suất lúa bình quân đạt 6,1 tấn/ha.

Trong đó, có 6.713 ha thực hiện cánh đồng lớn (CĐL), đạt năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ.

“Năm nay thời tiết thuận lợi nên chi phí đầu tư giảm. Giá lúa cũng đang duy trì ở mức khá tốt, các giống lúa chất lượng cao, hạt dài trước Tết là 5.800 đồng/kg, sau Tết thu hoạch rộ vẫn ở mức 5.600-5.700 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân cầm chắc lãi trên 40%.

Riêng giá doanh nghiệp bao tiêu trong CĐL giống OM 5451 là 5.900 – 6.000 đồng/kg, lúa thơm RVT là 7.200 đồng/kg. Vì vậy, nông dân tham gia mô hình này năm nay đều thắng lớn cả về mặt năng suất cũng như lợi nhuận”, ông Toàn phấn khởi nói.

Máy kéo cải tiến thay nhau ra vào, chở theo những bao lúa vàng óng, nặng trĩu về tận nhà cho nông dân
Máy kéo cải tiến thay nhau ra vào, chở theo những bao lúa vàng óng, nặng trĩu về tận nhà cho nông dân

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ ĐX 2017-2018 toàn tỉnh xuống giống được 289.718 ha, diện tích đã thu hoạch khoảng 50.000 ha, hiện một số địa phương đã vào vụ thu hoạch rộ.

Năm nay thời tiết tốt, sâu hại, dịch bệnh không đáng kể, những nơi thu hoạch đều cho năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, nông dân lợi nhuận khá.

Tương tự, tại Hậu Giang, nhiều địa phương cũng đã bước vào thu hoạch rộ lúa ĐX như huyện Châu Thành A, Vị Thủy, TP Vị Thanh...

Nhiều bà con xã viên HTX nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, Châu Thành A, chia sẻ: “Vụ lúa ĐX năm nay có nhiều thuận lợi, lũ về nên ruộng nhiều phù sa, thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư nhẹ mà hầu hết các ruộng lúa đều trúng mùa.

Nhiều hộ thu hoạch đạt năng suất cao từ 1,1 – 1,2 tấn/công (1.300m2), với các giống lúa: Đài thơm 8, Jasmine 85 và OM 5451... Hơn nữa, giá doanh nghiệp bao tiêu cũng rất tốt, dao động từ 5.800 – 6.800 đồng/kg (tùy giống) nên nông dân đạt lợi nhuận rất cao, từ 25-30 triệu đồng/ha”.

Giá duy trì ở mức cao

Hiện nay, do nhiều nơi đã bước vào thu hoạch rộ lúa chính vụ nên giá có phần giảm so với thời điểm đầu vụ nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Giá lúa OM 4900 được các thương lái thu mua với giá dao động từ 5.700 - 5.850 đồng/kg, tùy từng nơi, vị trí ruộng xa gần.

Ông Lê Quang Hùng (ở ấp 5, xã Phú Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long), mới nhận tiền lúa từ thương lái vừa đếm tiền vừa tươi cười nói: “Vụ này nhà tôi sạ 5 công, giống OM 5451, cắt được hơn 4 tấn.

Do tôi có nhận tiền cọc của thương lái trước, với giá 6.050 đồng/kg, nên giờ giá có giảm đôi chút thương lái vẫn thu mua theo giá đã bỏ cọc, tính ra vụ này lãi được hơn 14 triệu đồng”.

Theo các thương lái thu mua ở Tam Bình thì năm nay khi lúa sạ được khoảng 1 tháng, có nơi lúa mới sạ 10 ngày thì họ đã bắt đầu bỏ cọc cho nông dân để giữ mối làm ăn, rút kinh nghiệm các vụ trước bỏ cọc trễ không có lúa thu mua.

Niềm vui trúng mùa, trúng giá lan tỏa khắp các cánh đồng ở ĐBSCL
Niềm vui trúng mùa, trúng giá lan tỏa khắp các cánh đồng ở ĐBSCL

Thương lái Nguyễn Văn Mười (ở ấp 5, xã Hậu Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long) nói: “Năm nay, hầu hết các thương lái đều bỏ cọc cho nông dân sớm hơn năm rồi khoảng 10 ngày đến nửa tháng.

Tại xã Hậu Lộc, hằng năm tôi bỏ cọc thu mua khoảng từ 1.000 - 1.500 công, nông dân bán tới đâu bỏ cọc tới đó”.

Còn lái lúa Đoàn Thanh Quang, thu mua ở xã Phú Lộc cho biết, hiện nay vô vụ mỗi ngày thu mua khoảng 35 tấn lúa, chủ yếu theo dạng bỏ cọc trước cho nông dân khi lúa mới trổ đòng.

Cùng với không khí phấn khởi tại xã Phú Lộc, tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình, Vĩnh Long) có hai mô hình sản xuất lúa hữu cơ, ông Dương Văn Thành, Giám đốc HTX Tân Tiến nói: “Vụ này HTX làm lúa hữu cơ với diện tích gieo sạ 43 ha, với 82 hộ nông dân tham gia. Bắt đầu gieo sạ là nông dân đã được kí hợp đồng bao tiêu với giá 8.600 đồng/kg.

Do vụ rồi chúng tôi không sạ để đất nghỉ phục hồi nên vụ này năng suất thu hoạch cao hơn các vụ trước, ước tính chung khoảng 5,3 tấn/ha. Nhiều hộ kỹ thuật canh tác tốt năng suất đạt từ 6 tấn trở lên.

Toàn mô hình bình quân bà con lãi khoảng 2,5 triệu đồng/công, những hộ trúng lãi khoảng 3 triệu đồng/công”.

Hiện nay, nông dân ĐBSCL đã cơ giới hóa hầu như toàn bộ khâu thu hoạch lúa bằng máy GĐLH và kéo lúa hột về tận nhà, chi phí rẻ mà lại giảm được thất thoát so với thu hoạch thủ công như trước đây.

Ông Trương Văn Tặng, nông dân ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: Vụ này tôi làm 1,5 ha lúa giống IR 50404, vừa thuê máy GĐLH cắt xong, máy cắt đến đâu tủ rơm đến đó, những bao lúa được kéo đến đầu biền (đầu ruộng cặp bờ sông) là có thương lái đến mua lúa tươi với giá 5.300 đồng/kg nên rất khỏe, khỏi tốn tiền vận chuyển về nhà.

Vụ này năng suất của ông Tặng đạt 1,2 tấn/công, bán cao hơn vụ lúa ĐX năm rồi khoảng 300-400 đồng/kg sau khi trừ hết các khoảng chi phí vụ này lời gần 3,4 triệu đồng/công.

Ông Hồ Hữu Nghĩa, ở phường Long Tuyền, TP Cần Thơ ngồi trên bờ mẫu nhìn xuống miếng ruộng 6 công lúa máy GĐLH đang thu hoạch, cho biết: “Mấy năm nay nông dân làm lúa sướng lắm, đến thu hoạch không cần đụng tay, đụng chân, máy làm hết chỉ chờ thương lái đến mua lúa, mà lo điếm tiền thôi…

Các năm trước chưa có dịch vụ máy GĐLH chủ yếu thuê lao động chân tay chi phí cao gấp mấy lần mà muốn kiếm ra công lao động cũng không phải dễ”.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Địa phương đang vào đợt cao điểm thu hoạch lúa ĐX, đã có gần 20.000/83.980 ha được thu hoạch, năng suất đạt từ 7,4 – 7,5 tấn/ha, nông dân có lãi từ 40-50%.

Theo bà Kiều, năm nay lúa trúng mùa được giá và đạt lợi nhuận cao nhờ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giúp chi phí sản xuất lúa thấp, cùng với các điều kiện thời tiết, thủy văn thuận lợi.

Đặc biệt, đồng ruộng được bồi bổ nhiều phù sa trong mùa lũ, lúa ít bị các loại sâu bệnh và dịch hại, nông dân giảm chi phí đầu tư. 

Vụ lúa ĐX năm nay TP Cần Thơ phát triển 3.000 ha sản xuất theo mô hình CĐL và 9.000 ha được doanh nghiệp ký kết với nông dân bao tiêu sản phẩm, nên đầu ra ổn định, nông dân có lãi cao.

Nhiều nông dân quyết định bán lúa tươi cho thương lái ngay khi vừa thu hoạch
Nhiều nông dân quyết định bán lúa tươi cho thương lái ngay khi vừa thu hoạch

Còn tại Đồng Tháp, nông dân đều rất phấn khởi khi lúa ĐX 2017-2018 trúng mùa và đang bán được giá cao.

Hiện lúa tươi IR 50404 được nhiều doanh nghiệp, tiểu thương thu mua ngay tại ruộng ở mức 5.200-5.300 đồng/kg, tăng 200 đồng so với tuần trước; các loại lúa hạt dài và lúa thơm như: OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, Đài Thơm 8... có giá 5.500-6.300 đồng/kg, cao hơn từ 400-800 đồng/kg so với vụ ĐX của cùng kỳ nhiều năm trước.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích thu hoạch lúa ĐX sớm nhất ĐBSCL, tính đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch đạt trên 60.000ha/200.000ha toàn tỉnh, lúa đạt năng suất từ 8,5-9 tấn/ha (lúa tươi) cao hơn 1,2-1,6 tấn/ha so với năm rồi, trừ hết các khoản chi phí nông dân có lãi từ 23-27 triệu đồng/ha. Dự kiến vụ lúa ĐX sẽ thu hoạh dứt điểm vào cuối tháng 3-2018.

Theo NNVN