Điệp khúc tồn kho mía đường

Cập nhật, 10:37, Thứ Ba, 06/03/2018 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán, một số nhà máy đường lại hát điệp khúc “đường tồn kho”. Trước áp lực cạnh tranh của kinh tế thị trường, nhiều Nhà máy đường (NMĐ) đã phá sản. Để giải quyết cái gốc ngành đường là giải quyết từ vùng nguyên liệu chứ không phải là giải pháp tình thế “giải cứu đường tồn kho”.

Người trồng mía lại điêu đứng vì tồn kho, giá giảm
Người trồng mía lại điêu đứng vì tồn kho, giá giảm

Bất an từ vùng nguyên liệu

Giá đường trong nước giảm mạnh, nhiều NMĐ đã và đang đứng trước nguy cơ phá sản đã tác động mạnh đến khâu tiêu thụ mía nguyên liệu. Nhiều nông dân ở Trà Vinh và Cà Mau rơi vào cảnh khốn đốn vì các NMĐ tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Một số nông dân để mía chín rục ngoài đồng mà không có người mua. Vùng nguyên liệu mía trong những năm qua đã giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, giá đường ở thị trường nội địa lại tụt dốc đẩy ngành đường đối diện muôn vàn khó khăn.

Chương trình mía đường của nước ta đã được khởi động kể từ năm 1995. Đến nay, cả nước có 40 NMĐ, tổng công suất thiết kế khoảng 150 ngàn tấn mía/ngày, tăng 1,5 lần so với năm 2005 và tăng 12,7 lần so với năm 1995.

Năng suất mía bình quân cả nước đạt khoảng 65 tấn mía/ha. Nếu so với năng suất bình quân thế giới (70 tấn/ha) thì còn thấp hơn 7,1% và khoảng cách đang dần được thu hẹp.

Việt Nam đã không phải bỏ ra hàng tỷ đôla nhập khẩu, mà cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mía đường trong nước; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 33.000 hộ nông dân, hơn 1,5 triệu lao động nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn.

Tổng sản lượng đường sản xuất hàng năm của các công ty, NMĐ cả nước dao động ở mức 1,3-1,5 triệu tấn, cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia bình ổn thị trường.

Trong bối cảnh gia nhập “sân chơi quốc tế” thì doanh nghiệp và nông dân sản xuất ra cây mía - hạt đường có giá thành thấp, chất lượng cao mới có thể cạnh tranh và trụ lại được.

Tại ĐBSCL, trong vài năm qua, một số vùng mía nguyên liệu đã bị xóa sổ hoặc thu hẹp, một số doanh nghiệp mía đường phải đóng cửa do cạnh tranh yếu.

Cụ thể, ĐBSCL trước kia có 10 NMĐ nhưng đến nay đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được.

Nông dân trồng mía ở ĐBSCL lo lắng vì giá mía thấp, khó tiêu thụ
Nông dân trồng mía ở ĐBSCL lo lắng vì giá mía thấp, khó tiêu thụ

Đầu tư nhiều hơn cho vùng nguyên liệu

Bước sang tháng 3-2018, các NMĐ đã ép được trên 6 triệu tấn mía nguyên liệu, sản xuất khoảng 500.000 tấn đường. Giá đường bán buôn hiện ở mức thấp so với nhiều năm qua. Các doanh nghiệp ngành đường đang lo lắng khi lượng đường tồn kho có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay lượng đường tồn kho khoảng 388.000 tấn, tăng trên 100.000 tấn so với giữa tháng 12-2017. Nhiều nơi ở ĐBSCL, nông dân để mía “trổ cờ” mà không có ai mua.

Hiện đường cát nhập lậu từ Thái Lan thâm nhập qua biên giới Tây Nam vẫn “uy hiếp” thị trường ĐBSCL, giá bán thấp hơn Việt Nam là do giá mía mà các doanh nghiệp ở Thái Lan thu mua chỉ ở mức 30-35 USD/tấn (tương đương 650 - 750 đồng/kg mía), trong khi tại Việt Nam giá mía các doanh nghiệp thu mua luôn ở mức 800 - 1.000 đồng/kg.

Trong sản xuất đường thì chi phí mía nguyên liệu chiếm từ 70%-80% giá thành sản xuất, làm cho giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Điều này lý giải tại sao thời gian qua đường Thái Lan xuất lậu sang Việt Nam khoảng 300.000 - 500.000 tấn/năm!?

Và với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN thì từ năm 2018, đường Thái Lan sẽ “tràn” sang Việt Nam chính thức - dù còn thuế 5% nhưng vẫn rẻ hơn đường Việt Nam.

Một lãnh đạo Nhà máy đường ở ĐBSCL phân tích những điểm yếu của vùng mía trong vùng: “Quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ, làm bằng thủ công, chưa áp dụng cơ giới trong khâu sản xuất mía, đặc biệt là khâu thu hoạch;

trồng mía không lưu gốc dẫn đến chi phí trồng lại hàng năm cao; nguồn gốc giống mía không đảm bảo chất lượng nên năng suất và chất lượng mía không đạt; canh tác và bón phân chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng nên không phát huy được năng suất và chất lượng mía…”.

Theo lãnh đạo một công ty sản xuất đường khu vực ĐBSCL, nếu có được những cơ chế, chính sách phù hợp ngang bằng với các nước trong khối ASEAN thì nông dân trồng mía sẽ đứng vững và hội nhập.

Các chính sách đó bao gồm: Quy hoạch vùng mía nguyên liệu phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay, đặc biệt là vấn đề giao thông và thủy lợi nội đồng, giúp nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất và thu hoạch mía.

Hỗ trợ cụ thể để giúp nông dân trồng mía có thể thực hiện được việc dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mía lớn, hợp tác xã sản xuất lớn… nhằm áp dụng được cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (gọi tắt là ATIGA) ký kết năm 2009 giữa 10 nước ASEAN, từ năm 2018 trở đi sản phẩm đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù vẫn chịu thuế nhập khẩu là 5%.

Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp mía đường Việt Nam hiện vẫn còn yếu kém do được bảo hộ trong thời gian dài. Song, đây là “cơ hội” để ngành mía đường phải tái cơ cấu nhằm hội nhập và phát triển.

Theo SGGPO