Gian nan dẹp nạn "cò lúa" ở miền Tây

Cập nhật, 14:48, Thứ Tư, 06/12/2017 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tại các cánh đồng ở miền Tây Nam bộ, tình trạng “cò lúa” xuất hiện ngày một nhiều và thao túng thị trường mua bán lúa.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của bà con nông dân, các đối tượng “cò lúa” đã chèn ép, hạ giá thành khiến cho người trồng lúa gặp không ít khó khăn, giảm thu nhập đáng kể. Trong khi đó, ngành chức năng vẫn lúng túng, chưa có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Đặt tiền cọc khi lúa còn chưa xuống giống

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, mặc dù nông dân chưa xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017-2018, thế nhưng do nắm bắt về dự báo tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng đầu năm 2018 có nhiều khả quan, nhất là các giống lúa phẩm chất gạo tốt như: Jasmine 85, RVT, OM 5451, OM 4900… nên những ngày gần đây, tại nhiều cánh đồng, “cò lúa” đã ráo riết đến gặp nông dân để đặt tiền cọc trước và đưa ra mức giá sàn (tùy theo loại giống).

Đang tất bật chuẩn bị đất để gieo xạ vụ lúa Đông – Xuân, nông dân Trương Văn Dừa (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, vụ này gia đình ông xuống giống trên tổng diện tích 1ha lúa giống OM 5451. Tuy chỉ là dự kiến và chuẩn bị gieo xạ, thế nhưng đã có người đến bỏ cọc mua lúa thành phẩm.

Mỗi công (1.000m2 - PV) họ bỏ cọc cho gia đình ông từ 300.000 – 500.000 đồng. Để có chi phí phân, thuốc phục vụ sản xuất, ông cùng nhiều bà con đã nhận tiền cọc của thương lái. Mặc dù biết giá lúa có thể tăng cao khi thu hoạch...

Sau khi thu hoạch, nhiều nông dân phải bán lúa thông qua “cò”.
Sau khi thu hoạch, nhiều nông dân phải bán lúa thông qua “cò”.

Theo nhiều nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lí do mà họ không kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp lớn và hợp tác xã (HTX) là do “cò lúa” sẵn sàng đặt cọc cao và sớm hơn rất nhiều.

Để lí giải cho thực trạng này, ông Dương Sơn Thủy, Phó Giám đốc HTX Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành) cho biết năm nay, HTX định phối hợp với các công ty lương thực lớn của vùng để triển khai thí điểm mô hình “Sản xuất lúa gạo bền vững theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm”, với diện tích 200ha.

Tuy nhiên, chỉ mới đầu vụ mà nhiều diện tích lúa trong và ngoài HTX đã nhận cọc của “cò lúa” nên việc triển khai dự án gặp khó.

Nếu phía HTX bỏ cọc sớm cho bà con thì sẽ không xác định được giá lúa “chuẩn”, vì thị trường lúa gạo liên tục biến đổi.

Ngoài ra, nếu HTX bỏ cọc cho nông dân 300.000 đồng/công thì “cò lúa” sẵn sàng bỏ cọc 500.000 đồng/công.

“Cò lúa” kiêm “cò máy gặt”

Nghiêm trọng hơn, hiện tượng “cò lúa” đang thao túng thị trường thu mua lúa trong bà con bằng việc liên kết với các máy gặt đập liên hợp, tất cả các công việc này đều được thương thảo bằng miệng.

Trường hợp cả cánh đồng nếu có nhiều người đồng ý bán cho “cò lúa” với giá lúa nhất định thì những hộ khác dù không chịu cũng phải bán theo.

Nông dân Phạm Văn Lâm (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) kể việc sản xuất lúa ở địa phương phụ thuộc khá nhiều vào thị trường đầu ra.

Hình thức mua bán ở địa phương không thuận lợi cho người dân. “Cò lúa”, thương lái và máy gặt đập là cùng một phía, họ ép người dân phải bán lúa với mức giá “may rủi”.

Sau khi bỏ cọc tiền lúa, họ tự liên hệ với thương lái và máy gặt đập để định ngày thu hoạch.

Dù giá lúa tăng nhưng họ vẫn thu mua với mức giá đã định trước, còn nếu giá lúa giảm thì họ sẵn sàng “bỏ cọc” vì chẳng đáng bao nhiêu. Nếu nông dân phản ứng thì những vụ sau, họ không mua nữa.

Với số lượng nhỏ, lẻ thì rất khó tìm được thương lái cũng như máy gặt đập. Ngoài ra, nếu giá lúa sụt giảm thì họ để cho hạt lúa chín quá mức để đến khi thu hoạch lúa bị rụng, hoặc sập làm giảm sản lượng.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, cân nhắc trước tình trạng “cò lúa” đang nôn nóng đặt tiền cọc mua lúa ngay cả khi chưa xuống giống vụ lúa Đông xuân 2017-2018 như hiện nay.

Bởi vì, với những dự báo của doanh nghiệp thì tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng đầu năm 2018 sẽ tương đối thuận lợi, giá lúa sẽ kéo theo, lúc đó bà con nào đã nhận tiền sớm sẽ bị thiệt thòi rất nhiều.

Cũng theo ông Đồng, việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân luôn được tỉnh khuyến khích và hỗ trợ.

Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là có hợp đồng bao tiêu với nông dân và phải được UBND cấp xã xác nhận mới có hiệu lực.

Trường hợp không có UBND xã xác nhận thì được xem là gian thương (người dân đồng bằng gọi là “cò lúa”).

Hướng xử lí sắp tới là thanh tra của Sở sẽ phối hợp với các ngành có liên quan kiên quyết xử lý mạnh tay các trường hợp gian thương trong thu mua lúa, nhất là tại các vùng đã có doanh nghiệp đến đầu tư và hợp đồng bao tiêu lúa trước đó với nông dân…

Những hệ lụy bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật

Sự việc đáng suy ngẫm này xảy ra trên địa bàn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vào đầu tháng 3 vừa qua.

Nhiều nông dân sản xuất lúa trên địa bàn xã Thạnh Hưng và xã Hòa Thuận (cùng huyện Giồng Riềng) bị một “cò lúa” kiện ra tòa vì không thực hiện hợp đồng kí kết.

Nguyên nhân là khi kí hợp đồng, hai bên thỏa thuận mua lúa với giá 4.700 đồng/kg nhưng đến thời điểm thu hoạch giá lúa tăng lên 5.400 đồng/kg, người dân đề nghị tăng thêm nhưng người này không chấp nhận và nảy sinh tranh chấp.

Theo các hộ dân thì lúc giá lúa tăng cao, bà con có đề nghị thương thảo với “cò lúa” nhưng người này không đến và tới ngày thu hoạch thì lấy lí do là máy gặt bận và kéo dài nhiều ngày khiến lúa bị giảm năng suất cũng như chất lượng.

Đến khi thu hoạch thì lại chê lúa xấu, không đạt chất lượng, đòi hạ giá so với tiền cọc. Nhiều hộ xót lòng nên đã bán cho thương lái khác thì lập tức bị “cò lúa” bồi thường hợp đồng với số tiền cao gấp đôi số tiền cọc mà nông dân nhận được.

Dù biết hợp đồng mua bán là sự thỏa thuận bằng văn bản giao dịch quy định về quyền và trách nhiệm của các bên ký kết, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan pháp luật giải quyết khi có phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện.

Thế nhưng, do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật nên người trồng lúa thường bị “cò lúa” lợi dụng ép giá với đủ mọi kiểu.

Hợp đồng mua bán mà “cò lúa” đưa cho người dân kí đa phần quy định trách nhiệm của bên bán (nông dân – PV) sẽ trả lại tiền cọc khi bên “cò lúa” không chấp nhận mua lúa...

Thỏa thuận trừ tiền hoặc trừ sản lượng khi bên mua cho rằng lúa cắt còn ướt và được bồi thường gấp đôi tiền đặt cọc khi bên bán không giao lúa.

Thế nhưng, về phía bên mua lại không có quy định nào ràng buộc trách nhiệm nếu họ không mua lúa.

Theo CAND