Chiếu này ai mua tôi cũng bán

Cập nhật, 06:10, Thứ Bảy, 02/12/2017 (GMT+7)

Làng chiếu xã Định Yên (huyện Lấp Vò- Đồng Tháp) lúc nào cũng đầy màu sắc của những sợi lác vàng, tím, xanh, đỏ từ trong nhà ra đến ngoài hiên. Dù máy móc đã dần thay thế kiểu dệt chiếu tay truyền thống, nhưng sản phẩm của làng nghề trăm năm vẫn cần những đôi tay cần mẫn, khéo léo và cả cái tình của người làm chiếu.

Người làng Định Yên tự hào vì “chiếu tui đẹp, chiếu tui bền”.
Người làng Định Yên tự hào vì “chiếu tui đẹp, chiếu tui bền”.

Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm

Đi ngang xóm chiếu giữa trưa, thấy từng bó lác xanh, tím, đỏ, vàng xòe như những chiếc quạt nằm phơi nắng vui mắt.

Chúng tôi chỉ định ghé xin chụp vài tấm hình thôi, nhưng chú Cao Văn Đắng (Hai Đắng, ở ấp Định An, xã Định Yên) nhiệt tình mời vào nhà… coi chiếu, vừa đọc ca dao: “Định Yên có vựa chiếu to, lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”.

Tính từ lúc lập gia đình ra riêng năm 21 tuổi, đến nay chú Hai Đắng đã có trên 40 năm làm nghề dệt chiếu.

Sắc màu tươi vui ở làng chiếu Định Yên.
Sắc màu tươi vui ở làng chiếu Định Yên.

Dệt chiếu là nghề cha truyền con nối, trước kia dệt chiếu dùng nguyên liệu sẵn có tại chỗ, sau nghề phát triển thì chạy qua Vũng Liêm (Vĩnh Long) mua về. “Hồi đó làm chiếu cực lắm. Lác tươi mua về phải chẻ, phơi, giũ… rồi mới cắt, nhuộm màu.

Dệt chiếu xong chất xuống ghe chèo đi bán tùm lum hết”- chú Hai Đắng nhớ lại.

Mà “tình anh bán chiếu” cũng nhiều cung bậc cảm xúc với nghề, chú Hai Đắng kể: “Hồi đó bán chiếu có: chiếu bạn, chiếu nhà.

Chiếu bạn hiểu nôm na là bán mướn cho người ta, chẳng hạn chủ giao đôi chiếu bông 50.000đ, tui bán cao giá hơn, lời tui ăn.

Chiếu nhà là chiếu mình tự dệt, tự chở đi bán. Hồi đó tui cứ ở Năm Căn (Cà Mau), Rạch Tàu, Gò Công (Tiền Giang), Sóc Trăng… xứ nào chiếu tui cũng đi tới”.

Từ bán đường sông, đến đường bộ chiếu nhà dệt xong 2-3 ngày chất lên xe đạp đi Chắc Cà Đao, Mỹ Hiệp, Cao Lãnh…

Rồi những năm gần đây, xe máy là phương tiện chở chiếu khỏe hơn, đổ chừng 50.000đ tiền xăng chạy cả ngày. Ai kêu mua thì tui bán.

Chiếu “truyền thống” Định Yên là các loại chiếu bông 1,2m, 1,6m đến 2m có độ dày, mỏng tùy nhu cầu và túi tiền của người dùng.

Trong khi, hiện nay làng nghề còn có nhiều sản phẩm chiếu như “chiếu nhà thương”- loại chiếu bán ở bệnh viện, dệt nhanh, rất mỏng nằm vài lần rồi bỏ.

Vì yêu mà giữ nghề

Chú Hai Đắng nói gắn bó nghề dệt chiếu, chú đã “đi tùm lum hết” khắp xứ miền Tây.
Chú Hai Đắng nói gắn bó nghề dệt chiếu, chú đã “đi tùm lum hết” khắp xứ miền Tây.

Rất nhiều gia đình ở Lấp Vò còn giữ nghề chiếu truyền thống. Như gia đình chị Đinh Thị Bé Xinh- dệt chiếu gần 20 năm (ấp An Hòa, xã Định Yên) bảo: “Để chiếu lên màu đều mới đẹp, phải lựa từng cọng lác”.

Chị Xinh cho biết trong xóm An Hòa nhà nhà làm chiếu, người người dệt chiếu, vui lắm. Cũng có lúc thăng trầm, nhưng người xóm ráng đeo, không đành bỏ nghề.

Vì theo chị Xinh, “tui lớn lên cùng tiếng dệt chiếu, mùi của lác… Rồi cái nghề nó ăn vào máu khi nào không hay”.

Máy dệt chiếu giúp người làng nghề tăng thu nhập từ nghề dệt chiếu.
Máy dệt chiếu giúp người làng nghề tăng thu nhập từ nghề dệt chiếu.

Gần đó, cô Ba Định có kinh nghiệm dệt chiếu gần 30 năm chia sẻ: “Trước đây dệt tay, dệt giỏi lắm cũng chỉ dăm ba chiếc chiếu trong ngày. Giờ có máy, ngày dệt cả 20 chiếc chiếu. Thu nhập khá và sống bằng nghề ổn định hơn”.

Nhưng dù dệt tay hay dệt máy, cô Ba Định cho biết quan trọng nhất phải làm ra chiếc chiếu bền và đẹp. “Muốn chiếu đẹp, phải lựa sợi lác đều, phơi nắng cho ngon mới lên màu đẹp, bóng.

Rồi phải nhuần nhuyễn kỹ thuật pha màu, nhuộm màu, cách phối màu một chiếc chiếu sao cho cân đối, vừa mắt, không rối màu”- cô Ba Định nói.

Nghề dệt chiếu bông là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và phải chịu thương chịu khó với nghề.

Vì yêu nghề và tự hào “chiếu tui đẹp, chiếu tui bền”, nên hiện nay dù có thương lái tới tận nhà mua chiếu, nhưng chú Hai Đắng vẫn quen trên chiếc xe máy chừng chục đôi chiếu “đi bán tùm lum”.

Không chỉ để bán tận tay người dùng có lời nhiều hơn, mà còn vì mến mộ giọng ca “Tình anh bán chiếu” ngọt lịm của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn.

“Bài vọng cổ cũng y như đời bán chiếu tụi tui vậy đó”- chú Hai Đắng hóm hỉnh- “nhiều khi đi bán chỗ này chỗ nọ, cô này bà kia ghẹo ghẹo… cũng thấy vui vui”.

Năm 2013, nghề chiếu Ðịnh Yên đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðây là điều kiện thuận lợi để thương hiệu làng nghề chiếu Ðịnh Yên ngày càng vươn cao và đi xa.

Nghề dệt chiếu gắn liền với chợ chiếu Định Yên độc đáo, tồn tại và phát triển từ hơn trăm năm. Nét độc đáo của chợ chiếu Định Yên là được nhóm họp từ lúc nửa khuya cho đến 2- 3 giờ sáng, người ta còn gọi chợ chiếu này là “chợ ma” hay “chợ âm phủ”...

Bài, ảnh: AN- THẢO