Ngao du mùa nước nổi

Cập nhật, 06:07, Chủ Nhật, 26/11/2017 (GMT+7)

Mùa nước nổi được xem là “đặc sản”, là mùa rất thú vị để ngao du miền Tây.

Đồng sen mùa nước nổi.
Đồng sen mùa nước nổi.

Mùa nước nổi năm nay rất được nông dân ĐBSCL chờ đợi, vì do đê bao sản xuất liên tục, cũng có năm lũ kiệt nước không đủ để nước lên đồng.

Chính vì thế, như cách nói của anh Lê Văn Vàng ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): “Năm nay cá về đồng binh thiêng, bữa nào về tui đãi ăn thả cửa luôn”.

Mỗi ngày lưới, dớn bắt cá cho thu nhập không dưới 200.000đ là nguồn thu không hề nhỏ đối với anh Vàng và người dân hưởng lợi từ mùa nước nổi.

Đó cũng là bài toán lợi ích mà nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tận dụng được để có “lợi đôi đường”, đất vừa có thời gian nghỉ ngơi lấy phù sa tái tạo dinh dưỡng, nông dân khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi trồng làm kinh tế gia đình.

Hệ sinh thái phong phú dưới lá sen.
Hệ sinh thái phong phú dưới lá sen.

Năm nay, nhiều địa phương như An Giang, Đồng Tháp quy định về thời gian, cỡ mắc lưới đánh bắt cá. Mặc dù chưa được xử lý nghiêm, nhưng quy định đã tạo cho người dân ý thức hơn trong việc khai thác phải đi đôi bảo tồn nguồn cá non mùa nước nổi.

Nhiều nông dân linh hoạt đã chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng, tận dụng hiệu quả mùa nước nổi.

Ông Nguyễn Văn Buôn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)- cho biết, việc tận dụng mùa nước nổi trồng cây thủy sinh bông điên điển, rau nhút hay bung lưới “vỗ béo” tôm trên ruộng đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho nông dân.

Khám phá thảm thực vật rừng tràm đa dạng.
Khám phá thảm thực vật rừng tràm đa dạng.

Mùa nước nổi không chỉ là “mùa làm ăn” sôi động mà còn là mùa du lịch thú vị cho du khách thích khám phá, ngao du miền Tây.

Anh Hà từ tỉnh Hà Nam vào ĐBSCL tham quan, thăm bạn bè, nói trước đây chỉ xem hình ảnh mùa nước nổi miền Tây trên truyền hình, nay mới có dịp đi thực tế.

Sau khi thăm thú Vĩnh Long, anh được bạn bè “làm tour” Đồng Tháp Mười tìm hiểu khu di tích Gò Tháp- nơi chứa đựng nhiều điều bí ẩn của một nền văn minh cổ xưa nhất ở Đông Nam Á được biết đến từ những năm đầu thế kỷ XX, do công khai quật của các nhà khảo cổ học người Pháp.

Khu di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận từ năm 1998, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa- lịch sử của dân tộc và nhân loại.

Từ đây dẫn tới cánh đồng sen bát ngát tìm hiểu đời sống sản xuất, cảm phục sự sáng tạo của nông dân khi kết hợp trồng sen làm du lịch làm tăng thu nhập gấp chục lần.

Giữa cánh đồng sen ngập nước mênh mông, thưởng thức các món ăn dân dã, đưa cay với ly rượu sen nồng nàn…

Trên đường về anh Hà ghé thăm Xẻo Quýt, nơi đây từng là căn cứ cách mạng của cơ quan Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) lãnh đạo nhân dân kháng chiến từ cuối năm 1959.

Những thảm rừng tràm tự nhiên đã che chở cho cán bộ, chiến sĩ bám trụ và tiến hành các hoạt động cách mạng cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Du khách đi xuồng ba lá “lách” qua lạch bông điên điển.
Du khách đi xuồng ba lá “lách” qua lạch bông điên điển.

Mùa này, du khách không thể khám phá bằng đường bộ vì đã ngập dưới nước.

Nhưng tới Xẻo Quýt trải nghiệm cảm giác ngồi xuồng ba lá, len lỏi trên con lạch nhỏ dưới rừng tràm cổ thụ, tham quan di tích chiến khu xưa, dấu tích chiến tranh còn lại những hố bom… cũng là những khám phá lý thú, khó quên.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC