"Giữ hồn" thổ cẩm

Cập nhật, 13:02, Thứ Hai, 27/11/2017 (GMT+7)

Với đồng bào Chăm ở An Giang, thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc trưng. Vì vậy, dù ở đâu, làm gì, người Chăm vẫn nâng niu những chiếc khăn, những tấm áo in đậm tâm hồn, cốt cách của dân tộc mình.

Thời kỳ hưng thịnh

Đã có một thời, thổ cẩm Chăm rất hưng thịnh bởi nhu cầu sử dụng của cộng đồng khá lớn. Ông Mohamad, đại diện làng nghề thổ cẩm Chăm ở Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) nhớ lại: “Nghề dệt thổ cẩm có từ đời ông, đời cha của tôi, tính đến nay đã ngót trên một trăm năm.

Khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, thổ cẩm Chăm được nhiều nơi biết tiếng và trở nên thông dụng trong đời sống cộng đồng.

Khi đó, cả ấp Phũm Soài trở thành làng nghề dệt rất phát đạt. Sản phẩm làm ra được thương lái mang đi các nơi, ra đến tận Ninh Thuận, Bình Thuận và sang Campuchia”.

Thổ cẩm Chăm trong giai đoạn hưng thịnh chỉ tập trung vào một số sản phẩm như các loại khăn, xà rông hay những đoạn vải có họa tiết đẹp dùng may áo.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là những người theo nghề dệt ở Phũm Soài thời đó phải tự trồng bông, kéo sợi để dệt thổ cẩm, chứ chưa có tơ tổng hợp như bây giờ.

“Phụ nữ thời đó suốt ngày ngồi bên khung dệt để cho ra sản phẩm, trong khi đàn ông nhuộm tơ hoặc làm các công việc phụ trợ.

Vào thời kỳ phát đạt của làng nghề, hầu như nhà nào cũng nghe tiếng khung dệt. Do nhu cầu sử dụng thổ cẩm rất nhiều nên ông cha tôi cũng sống khá với nghề”- ông Mohamad nhớ lại.

Nói về nét đặc trưng của thổ cẩm Chăm, ông Mohamad chia sẻ: “Người Chăm rất chuộng những hoa văn truyền thống như: mặt trời, con thoi, răng cưa, lồng đèn, mặt võng… đây là dấu hiệu để nhận biết những sản phẩm đặc trưng của chúng tôi.

Một nét đặc trưng nữa là thổ cẩm Chăm mềm mịn, tinh xảo trong các sản phẩm mang tính nghệ thuật. Đối với những loại vải gia dụng hàng ngày như: xà rông, khăn choàng tắm thì phải hướng đến độ bền, sử dụng được lâu nên chất liệu vải cứng hơn”.

Theo thời gian, làng nghề dệt ở Phũm Soài dần vắng tiếng con thoi bởi nhu cầu sử dụng của người dân đã giảm và thế hệ thanh niên Chăm cũng hướng đến việc học tập, làm việc ở những nơi có điều kiện tốt thay vì gắn bó cùng khung dệt.

Điều đó đã thôi thúc ông Mohamad quyết tâm giữ lấy cái nghề đã nuôi sống bao thế hệ người Chăm ở Phũm Soài.

Ông Mohamad vẫn “nặng tình” cùng thổ cẩm
Ông Mohamad vẫn “nặng tình” cùng thổ cẩm

“Giữ hồn” thổ cẩm

Được sự hỗ trợ của địa phương và các ngành chuyên môn, ông Mohamad đã nỗ lực khôi phục, giữ gìn nét đẹp của thổ cẩm Chăm.

Ngôi nhà nép mình bên bờ sông Hậu hiền hòa là nơi ông giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước về những đường nét, hoa văn đặc trưng trên từng sản phẩm thổ cẩm.

Ông Mohamad chia sẻ: “Tuy đã ở cái tuổi về chiều nhưng tấm lòng đối với nghề nghiệp của ông cha vẫn còn như thời trẻ. Tôi muốn mọi người biết đến thổ cẩm Chăm bởi nó đã theo chân những người đi trước vượt qua bao biến cố của thời gian. Hiện nay, cộng đồng Chăm vẫn xem đây là một phần quan trọng trong văn hóa của mình”.

Cô gái Chăm xinh tươi với đường nét thổ cẩm truyền thống
Cô gái Chăm xinh tươi với đường nét thổ cẩm truyền thống

Là cô gái Chăm được gia đình cho đi du học nước ngoài nhưng Hasikin vẫn rất yêu những sản phẩm thổ cẩm. Trong hành trang của mình, Hasikin vẫn mang theo chiếc khăn ma-tơ-ra như hình ảnh của miền sông nước Châu Giang thơ mộng.

Hasikin chia sẻ: “Em rất yêu và tự hào về những sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình. Em cảm thấy mình đẹp và tự tin hơn với trang phục truyền thống của người Chăm.

Chúng em luôn được gia đình giáo dục về tinh thần yêu quý, giữ gìn nét đẹp văn hóa Chăm và thổ cẩm chính là một phần trong đó. Dù có đi đâu, em vẫn không quên truyền thống của dân tộc mình”.

Để thổ cẩm Chăm tồn tại với thời gian, ông Mohamad đã tìm cách phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch trên tinh thần giữ gìn những đường nét, hồn cốt truyền thống.

Hiện tại, ông đã phát triển hơn 30 sản phẩm trên nền thổ cẩm Chăm với sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, bao gồm: các loại khăn, túi xách, ví, ba lô, nón… để phục vụ khách nước ngoài.

“Họ đến đây thành từng đoàn và rất hào hứng khi được tham quan hoạt động dệt thổ cẩm của chúng tôi. Du khách sẵn sàng mua quà lưu niệm với giá dao động từ 20.000-200.000 đồng/sản phẩm.

Đặc biệt, chúng tôi còn tạo điều kiện để du khách dệt thử một đoạn thổ cẩm hay mặc những trang phục truyền thống của người Chăm. Họ khá thích thú khi được trải nghiệm một phần văn hóa của chúng tôi” - ông Mohamad tự hào.

Dù mái tóc đã điểm màu thời gian nhưng ông Mohamad vẫn tiếp tục “giữ hồn” cho thổ cẩm Chăm.

“Tôi sẽ cố gắng truyền đạt nghề này cho các con hay bất kỳ ai thực sự yêu quý thổ cẩm Chăm. Để trường tồn với thời gian, thổ cẩm Chăm rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành cũng như tình yêu từ thế hệ trẻ.

Mong rằng, những sản phẩm truyền thống của người Chăm sẽ tiếp tục được du khách đón nhận để nét đẹp văn hóa của chúng tôi mãi tươi thắm với thời gian” - ông Mohamad mong mỏi.

Để quảng bá sản phẩm thổ cẩm Chăm, ông Mohamad đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP. Hà Nội TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng… Ông cho biết, thổ cẩm Chăm nhận được được sự yêu thích của khách gần xa bởi màu sắc tươi tắn, đường nét tinh xảo và mẫu mã đa dạng. 

Theo TTMT