Xóm lọp tép đón mùa nước nổi

Cập nhật, 16:32, Thứ Năm, 05/10/2017 (GMT+7)

Nước nổi là mùa làm ăn, là mùa rộn ràng của xóm làm nghề đan lọp tép ở ấp Phú Hạ 1, xã Kiến Thành (Chợ Mới, An Giang). Đầu trên, xóm dưới nhộn nhịp, nhà nhà đan lọp tép phục vụ cho ngư dân. Năm nay lũ lớn, người làm nghề đan lọp tép rất phấn khởi vì lọp tiêu thụ mạnh.

Xóm lọp hình hình cách đây hơn 50 năm, cả xóm hơn 250 hộ đều làm nghề đan lọp. Bà Nguyễn Thị Ánh (80 tuổi) nhớ lại: “Lúc chưa có điện, cả xóm chong đèn dầu ngồi đan lọp tới 11 giờ khuya. khi có điện, cả xóm sáng trưng, gọi nhau í ới, vừa đan lọp vừa ca hát rần rần vui lắm...

Khi bao đê, lượng lọp tiêu thụ ít đi, số hộ làm nghề ít lại”. Hiện xóm lọp còn hơn 60 hộ theo nghề, mỗi hộ từ 2-3 lao động nhưng không còn làm riêng lẻ như xưa mà làm đồ món, mỗi nhà làm một công đoạn theo kiểu dây chuyền, rồi được thu gom lại và giao bạn hàng.

Trưởng ấp Phú Hạ 1 Đinh Thành Nhơn cho biết: “Xóm lọp làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp tháng 6, 7, 8 (âm lịch) hàng năm, mùa nước nổi, lọp bán chạy, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nông thôn”.

Đến nhà người làm đầu mối thu gom lọp, ông Ngô Hòa Hiệp, chủ cơ sở cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đan lọp hơn 40 năm.

Hiện gia đình thuê gần 20 hộ lân cận để làm đồ món, cung ứng cho thương lái. Nghề làm lọp cũng lắm công phu, phải qua hơn chục công đoạn mới thành chiếc lọp hoàn chỉnh”.

Ông Hiệp cho biết thêm: “Trúc cưa thành khúc, chẻ thành từng cọng nhỏ (bằng cây nhang) rồi vót tròn, đem phơi nắng, vót nan, hom, nứt dây vòng hom...

Cực công là vậy, nhưng giá bán chỉ 12.000đồng/ lọp chưa ráp hoàn chỉnh, 15.000 đồng/lọp đã ráp hoàn chỉnh, trừ chi phí lời hơn 1.000 đồng/lọp. Bình quân mỗi tuần cho ra thành phẩm từ 1.000-1.500 cái lọp”.

Nếu như trước đây, lọp tép tiêu thụ nhiều ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thì vài năm trở lại đây, thị trường đã chuyển hướng sang các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và các tỉnh miền ngoài…

Lọp tép được thu mua về để bán lại cho ngư dân đặt tép quanh mé biển. Thương lái điện thoại đặt hàng một đợt 200-400 cái, tới ngày đến chở đi tiêu thụ.

Nghề làm lọp không kén lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi. Bà Ánh tuy đã 80 tuổi nhưng tay vẫn thoăn thoắt đan nắp lọp, kết hom.

Bà Ánh cho biết: “Mới 2 năm nay bắt đầu làm lại. Mê nghề nên làm quanh năm để đó, có bạn hàng ở các tỉnh điện thoại đặt hàng thì giao. Già rồi ngồi không cũng buồn, làm tiếp con cháu”.

Để làm ra được chiếc lọp tép nhỏ, gọn, xinh xắn, có 2 hom bắt tép phải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ, kể cả sự khéo tay của người thợ thủ công, thể hiện qua từng công đoạn đan lọp.

Từ khâu đập vành, chẻ nan, bện hom, dệt khung cho đến câu mình, ráp thành cái lọp hoàn chỉnh. Ghé nhà ông Ngô Chí Trung, được ông cho biết: “Tôi đan lọp hơn 20 năm, lọp bây giờ cải tiến nhiều nên đẹp và bền hơn xưa.

Trước đây sử dụng dây kẽm gai cực lắm, nay đã có kẽm uốn sẵn, chỉ cần cắt uốn vành; xưa bện thân lợp bằng tay thì nay sáng chế ra bàn dệt đỡ cực hơn”.

Bình quân mỗi người thợ làm gia công có thu nhập từ 40.000- 80.000 đồng/ngày, thu nhập lý tưởng cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Hùng (66 tuổi), một thợ gia công làm lọp cho biết: “Tôi theo nghề làm lọp từ nhỏ. Nhà có 6 nhân khẩu, mấy năm nay các con đều đi làm ăn xa, còn 2 vợ chồng già ở nhà.

Tôi làm công đoạn cưa trúc, chẻ nan 3 ngày được hơn 100 bó, thu nhập hơn 400.000 đồng”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (nhà gần đó) đang ngồi chẻ hom cho biết: “Làm lúc rảnh rỗi cũng kiếm được 40.000 đồng/ngày, đủ trang trải chi phí và có tích lũy”.

Theo ông Trung, giá nguyên vật liệu năm nay tăng cao. Vì thế, giá lọp cũng tăng, hiện tại, sản phẩm lọp tại đây rất hút hàng.

Nghề đan lọp tép dù không còn là nghề chính nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho những hộ nông nhàn phụ giúp kinh tế gia đình, duy trì, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Ngoài tập trung đan lọp để bán, những người làm nghề ở đây còn đi đặt lọp để kiếm thêm cá, tép cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập.

Theo TTMT