Vụ lúa mới còn xa, khả năng lúa, gạo hút hàng nhiều tháng nữa

Cập nhật, 18:08, Thứ Ba, 31/10/2017 (GMT+7)

Nhu cầu lúa, gạo phục vụ cho tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu đang tăng mạnh, tuy nhiên nguồn cung tại vựa lúa ĐBSCL lại rất hạn chế.

Hiện chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ. Trong khi đó, vụ lúa mới còn khá xa.

Hiện nông dân ĐBSCL đã gieo cấy xong vụ lúa tôm, lúa phát triển tốt nhưng sớm nhất cũng phải vài tháng nữa mới cho thu hoạch
Hiện nông dân ĐBSCL đã gieo cấy xong vụ lúa tôm, lúa phát triển tốt nhưng sớm nhất cũng phải vài tháng nữa mới cho thu hoạch

Ở ĐBSCL, ngoài những vùng chuyên canh lúa làm 2, 3 vụ/năm (gồm đông xuân, hè thu và thu đông) thì còn lúa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm (còn gọi là lúa – tôm hay vụ mùa).

Tuy nhiên, nếu xét trong năm sản xuất lương thực 2017 thì nhiều địa phương đã kết thúc mùa vụ, hiện chỉ còn diện tích lúa thu đông trễ ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nhưng không nhiều.

Như vậy, nguồn cung lúa hàng hóa từ nay đến cuối năm đã cạn, còn vụ lúa mới sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2018 mới có thu hoạch.

Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu khu vực về diện tích cũng như sản lượng lúa, với sản lượng cao nhất đạt trên 4,6 triệu tấn (năm 2015), chiếm khoảng 10% sản lượng lúa của cả nước.

Tuy nhiên, năm 2017, tỉnh này chỉ sản xuất được hơn 4 triệu tấn lương thực, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Nguyên nhân do thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão) và dịch bệnh (dịch muỗi hành ở vụ đông xuân) đã làm cho diện tích gieo sạ trong năm của tỉnh giảm 41.222 ha, năng suất ước giảm 0,12 tấn/ha, kéo sản lượng sụt giảm 468.493 tấn.

Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung lúa trên thị trường hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ hè thu toàn tỉnh xuống giống được 287.635 ha, đến nay đã thu hoạch dứt điểm, năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha.

Còn vụ thu đông, gieo trồng được 87.732 ha, hiện đã là cuối vụ thu hoạch, diện tích còn lại không đáng kể, năng suất ước đạt 5,3 tấn/ha.

“Như vậy, đến thời điểm này Kiên Giang đã kết thúc năm sản xuất lương thực 2017, với sản lượng hụt giảm nhiều so với kế hoạch.

Sớm nhất cũng phải đợi hơn 2 tháng nữa khi nông dân thu hoạch lúa vụ mùa và đông xuân sớm thì mới có nguồn cung lúa hàng hóa trở lại”, ông Tâm cho biết.

Theo ông Tâm, thời gian qua lúa hàng hóa hút hàng và tăng giá nhưng chủ yếu là các giống lúa hạt dài, lúa Nhật, được các doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất từ trước. Còn các loại lúa thường, như IR 50404 có tăng nhưng không đáng kể.

Lúa – tôm được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh ven biển như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... với tổng diện tích khoảng 200.000 ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Hiện đã được gieo cấy xong, lúa đang trong giai đoạn phát triển, đẻ nhánh.

Riêng tại Kiên Giang, đến nay nông dân đã gieo cấy được 48.896/55.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng là An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận.

Ông Võ Hoàng Ân, Phó trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết: “Năm nay mưa nhiều nên thuận lợi cho sản xuất lúa - tôm.

Hiện nông dân trong huyện đã xuống giống vượt kế hoạch, đạt 20.990/18.000 ha, lúa đang phát triển tốt. Tuy nhiên, do phần lớn nông dân chọn giống lúa mùa để sản xuất, là giống ảnh hưởng quang kỳ nên để có lúa thu hoạch cũng phải gần đến Tết Nguyên đán”.

Ngoài lúa – tôm, hiện nông dân các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, Châu Thành, Gò Quao (Kiên Giang) đã xuống giống lúa đông xuân sớm được 20.455 ha.

Đây là vùng không bị ảnh hưởng bởi mùa nước nổi, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nước mưa nên nông dân chủ động xuống giống sớm nhằm tránh hạn, mạn vào cuối vụ. Diện tích này sẽ cho thu hoạch vào đầu năm 2018.

Ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Cty CP nông lâm nghiệp Phan Minh (Kiên Giang), đơn vị đầu tư làm cánh đồng lớn và ký kết với nông dân thu mua lúa chế biến xuất khẩu, cho biết, việc tiêu thụ lúa, gạo đang rất tốt.

Không chỉ thị trường xuất khẩu mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng tăng mạnh do miền Bắc mất mùa bởi sâu bệnh, mưa bão, năng suất sụt giảm.

“Hiện nay lúa hàng hóa đã cạn, lúa trên đồng đã hết và trong dân không có lúa dự trữ. Còn vụ lúa – tôm thì sớm cũng phải mấy tháng nữa mới cho thu hoạch, tuy nhiên diện tích này của cả khu vực cũng không lớn, năng suất thấp nên sản lượng lúa không nhiều.

Nguồn cung lúa hàng hóa ở ĐBSCL chỉ dồi dào trở lại khi lúa đông xuân 2017 – 2018 vào vụ thu hoạch. Nhưng năm nay có lũ nên nông dân phải chờ nước rút mới xuống giống được.

Vì vậy, khả năng lúa, gạo sẽ còn hút hàng và duy trì ở mức cao trong nhiều tháng nữa, ít nhất là qua đầu năm 2018”, ông Tín nhận định.

Theo TTXVN