Nơi bảo tồn cá lóc bông khủng

Cập nhật, 07:49, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen này (huyện Tân Hưng- Long An), những bầy cá lóc bông mà có con nặng hơn 10kg vẫn là chuyện bình thường, còn con 7- 8kg được coi là cá “nhi đồng”… Tất cả đã tạo thành một quần thể cá “khủng” quý hiếm cho miền Tây Nam Bộ.

Anh Nguyễn Linh Em đang đo kích thước một con cá lóc bông dài 90cm, nặng khoảng 10kg.
Anh Nguyễn Linh Em đang đo kích thước một con cá lóc bông dài 90cm, nặng khoảng 10kg.

7 -8 kg/con- là cá “nhi đồng”

Chúng tôi tìm về Láng Sen trong những ngày nước lũ. Trong khi cá ngoài thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do bị đánh bắt và nhiều năm lũ kém, thì ở Láng Sen mọi chuyện lại khác, tất cả cứ như “chuyện ngày xưa”: các loài cá ngày càng sinh sôi nảy nở, trong đó có những bầy cá lóc bông cực kỳ đặc biệt.

“Ở đây, những con cá lóc bông nặng 10kg là chuyện bình thường, tôi về đây mới có mấy năm nhưng con cá lớn nhất mà tôi từng cầm tận tay nặng đúng 13,5kg.

Chuyện về những con cá lóc bông khủng ở đây ai cũng biết, nên những con cân nặng 7- 8kg chỉ là chuyện nhỏ, anh em ở đây thường gọi là cá… nhi đồng”- ông Trương Thanh Sơn- Giám đốc Khu bảo tồn cho biết.

Ngồi cạnh bên, ông Nguyễn Công Toại- Phó Giám đốc Khu bảo tồn nói thêm: “Tôi về đây từ năm 2004. Mười mấy năm nay chứng kiến những bầy cá lóc bông sinh sôi nảy nở là một niềm vui lớn.

Con cá lớn nhất lúc nhân viên khu bảo tồn bắt được nặng 15kg, tuy nhiên con cá này có lẽ vừa đẻ nên rất ốm, đầu to, mình dài thoòng, tưởng tượng nếu đủ… thịt chắc nó cũng tầm 18- 20kg”.

Chuyện về con cá lóc bông khủng khiến chúng tôi tò mò, ông Toại liền kêu anh Nguyễn Linh Em- nhân viên khu bảo tồn để “kể chi tiết hơn”. Anh Linh Em cho biết, bầy lòng ròng (cá lóc con) ở đây thường đông gấp 2- 3 lần so với ngoài đồng và luôn có cá mẹ bên dưới chực chờ bảo vệ đàn con.

Anh Linh Em cũng từng chứng kiến cảnh con cá chép bị đàn lóc bông “xử đẹp” cách đây không lâu. “Lúc đó, con cá chép dường như tuyệt vọng bởi đàn cá lóc quá đông lại háu ăn.

Con cá chép lúc vớt lên đã bị ăn mất phần đuôi, chỉ còn khoảng 2/3 chiều dài nhưng khi cân vẫn còn nặng đến 7kg. Cá chép lớn vậy nhưng bị cá lóc bông khủng tấn công mà vẫn không thể chống cự, thấy… ghê hông?”

Nghe anh Linh Em kể chuyện cá lóc bông vùng đất Tân Hưng này mà chúng tôi tưởng như nghe bác Ba Phi kể về con cá lóc miệt rừng U Minh thuở trước.

Ông Nguyễn Công Toại cũng nói, ngay cả những người rành nhất về khu Láng Sen này cũng không thể biết cá lóc bông nhiều cỡ nào, con lớn nhất là bao nhiêu ký. Nhưng có thể nói, quần thể cá lóc bông hiện nay rất nhiều, có giá trị về độ hiếm và là nguồn gien quý.

“Ngay cả tôi làm việc ở đây hơn chục năm cũng chưa dám xuống sông, còn nếu bơi xuồng trong khu bảo tồn, nhất là trong khu bảo vệ nghiêm ngặt thì không dám đưa tay, chân xuống nước vì sợ… cá táp”- ông Toại nói.

Bảo tồn nguồn gien quý

Một bầy lòng ròng cá lóc bông trong khu bảo tồn lúc nào cũng được cá mẹ bảo vệ.
Một bầy lòng ròng cá lóc bông trong khu bảo tồn lúc nào cũng được cá mẹ bảo vệ.

Trong khi cá tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, thì nhiều loài thủy sản nói chung và cá lóc bông nói riêng ở Láng Sen ngày càng sinh sôi phát triển, đó chính là nhờ công tác bảo tồn cực kỳ nghiêm ngặt.

“Với phương châm không can thiệp vào tự nhiên, Láng Sen đã đóng cửa, tự biến mình thành khu biệt lập để bảo vệ hàng trăm loài chim, cò, thủy sản.

Chuyện có cá lóc bông cực lớn ở đây cũng chính là nhờ chúng có một môi trường tự nhiên đúng nghĩa, không có sự can thiệp của con người vào sinh cảnh”- ông Toại cho biết. Rồi cũng chính nhờ vào sự “nổi tiếng” của bầy cá lóc bông mà nhiều hãng sản xuất cần câu nổi tiếng trên thế giới đã tìm đến.

“Một hãng sản xuất cần câu nổi tiếng của Singapore đã từng lặn lội sang tận Láng Sen năn nỉ chụp hình cá lóc bông để quảng cáo, ấy vậy mà khi bắt được con cá 7kg lên cả đoàn ai cũng bất ngờ, cười hớn hở. Họ bảo chưa bao giờ thấy được con cá lóc lớn tới cỡ này”- ông Sơn nhớ lại.

Bảo vệ cá lóc bông cũng chính là bảo vệ nguồn gien quý. Ông Nguyễn Công Toại cho biết, ở Láng Sen có đủ điều kiện để cá phát triển vượt bậc, ở một số khu bảo tồn khác cũng có cá lóc bông nhưng số lượng ít và kích thước cũng không “khủng” như ở đây.

“Hiện rừng quốc gia U Minh thượng đã xin trao đổi về con cá lóc bông này. Cá lóc bông khủng ở đây có giá trị cực kỳ lớn về mặt bảo tồn, bởi đây là giống cá lóc thuần chủng không bị lai tạp có giá trị lớn về nguồn gien.

Nếu chia sẻ loài cá này cho các khu bảo tồn khác thì cá lóc bông không chỉ được bảo tồn tại đây mà còn vươn ra bên ngoài…”.

Cuối năm 2015, Tổ chức công ước Ramsar đã ra quyết định công nhận khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Với tổng diện tích 5.030ha, Láng Sen được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Ở đây có sự hiện diện 149 loài thực vật hoang dã thuộc 60 họ; 176 loài động vật thuộc 46 họ, trong đó có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

 


Bài, ảnh: KHÁNH DUY