Để xuất khẩu lao động phát triển bền vững

Cập nhật, 06:17, Thứ Bảy, 11/08/2018 (GMT+7)

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là giải pháp để giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, XKLĐ của tỉnh tuy phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng LĐ dồi dào và rất cần những ý kiến, chia sẻ. Tại hội chợ việc làm và hội thảo xúc tiến XKLĐ do Sở LĐ- TB và XH tỉnh tổ chức ngày 10/8/2018 đã “mổ xẻ”được nhiều gút mắc trong công tác XKLĐ của tỉnh.

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xuất khẩu lao động.
Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xuất khẩu lao động.

Làm sao để đi ăn giỗ cũng nói chuyện XKLĐ

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: XKLĐ ở Vĩnh Long đã có nhiều khởi sắc, với hơn 1.000 LĐ sang nước ngoài. Đây chính là giải pháp để giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, XKLĐ ở Vĩnh Long còn chưa xứng với tiềm năng LĐ dồi dào. Do đó, tỉnh Vĩnh Long muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của công ty, đơn vị, cơ sở để thực hiện tốt hơn lĩnh vực này.

Hội nghị đã được nghe những ý kiến tâm huyết từ các công ty XKLĐ, địa phương, phòng LĐ- TB và XH. Ông Hoàng Xuân Nam- cố vấn tuyển dụng Công ty CP Phát triển công nghiệp- xây lắp và thương mại Hà Tĩnh- kể về một LĐ Việt Nam bị trục xuất khỏi Nhật vì “trồng cây si trước cửa nhà người con gái Nhật Bản”.

Một kinh nghiệm tuyên truyền XKLĐ mà ông Nam chia sẻ là: “Người cần được tư vấn nhiều nhất là phụ huynh, bởi vì các em chỉ quyết định 30%, 70% còn lại nằm ở gia đình. Gia đình hiểu và ủng hộ thì LĐ mới đi XKLĐ được”.

Góp ý tại hội thảo, đại điện Công ty TNHH 1TV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch NEWTATCO cho rằng: NLĐ đang bị rối hoặc thiếu thông tin. Và có những trường hợp không đi XKLĐ đường “chính ngạch” chi phí thấp mà chọn đi đường “tiểu ngạch” với chi phí cao hơn.

Một trong những nguyên nhân khiến XKLĐ chưa xứng với tiềm năng mà công ty này đề cập là “một số địa phương thiếu quyết liệt và thiếu tích cực”.

Các chính sách vay vốn cho người XKLĐ được triển khai tốt nhưng vấn đề là bao nhiêu NLĐ được hưởng lợi ích, được tiếp cận vốn vay?

Trong khi, NLĐ muốn tham gia XKLĐ chủ yếu là LĐ nghèo. Do đó, cần xem xét thủ tục, những hỗ trợ vay vốn đến người muốn XKLĐ đã đại trà chưa, có dễ dàng không?

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ- TB và XH- Trần Văn Khái cho biết: “Ngành phối hợp với địa phương tiếp tục tuyên truyền cả chiều sâu lẫn chiều rộng để gia đình có con em trong độ tuổi LĐ thấy được hiệu quả đi LĐ nước ngoài.

Tuyên truyền làm sao để khi đi đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng,… ở quê cũng nói chuyện XKLĐ”.

Khởi nghiệp từ XKLĐ

Đông đảo lao động đến tham quan các gian hàng tư vấn xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Đông đảo lao động đến tham quan các gian hàng tư vấn xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Theo Sở LĐ- TB và XH tỉnh Vĩnh Long, hàng năm, số người bước vào độ tuổi LĐ khá lớn, số người hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương chưa có việc làm, học sinh tốt nghiệp ra trường, LĐ thất nghiệp tồn đọng đã gây áp lực không nhỏ cho vấn đề giải quyết việc làm.

Do vậy, Vĩnh Long xác định XKLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho NLĐ, đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Ngoài ra, XKLĐ cũng nhằm đào tạo nguồn LĐ có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe,…

Đây cũng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này. Từ đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ XKLĐ, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và đồng tình đi LĐ nước ngoài.

Ông Trần Quốc Điện- Trưởng Phòng LĐ- TB và XH huyện Trà Ôn- cho biết: Năm 2017, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời triển khai có hiệu quả chính sách của tỉnh về hỗ trợ vay vốn đi XKLĐ nên số người tham gia XKLĐ của huyện tăng lên 215 người.

Sau thời gian LĐ ở nước ngoài, mỗi người đều tích góp được từ 400- 600 triệu đồng. Nhờ đó, không ít gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên khá giàu.

Ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước- điểm qua tình hình LĐ làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hai thị trường đang hút nhiều LĐ là Nhật Bản và Đài Loan với hơn 220.000 LĐ đang làm việc. Việt Nam là nước đầu tiên ký kết chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản. Đây là thị trường LĐ rộng lớn, giàu tiềm năng cần được khai thác.

Ông Nguyễn Xuân Lanh- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuahai- cho rằng cần quan tâm đào tạo người XKLĐ về pháp luật. Ông ví dụ chỉ cần nói chuyện lớn tiếng ở Nhật là có thể bị cảnh sát bắt.

“Nên chú trọng phát triển những LĐ có khả năng làm việc, ham học hỏi bởi XKLĐ không đơn giản là chuyện đi kiếm tiền trong 3 năm”- Ông Lanh nói.

Song song đó, ông cho rằng NLĐ còn thiếu thông tin và việc thông tin cần phải được làm thường xuyên, liên tục.

Nói về những vấn đề đặt ra để XKLĐ phát triển, ông Xuân Lanh cho rằng: Đào tạo con người cho XKLĐ là rất quan trọng và công ty này thường đào tạo từ 1 năm trở lên.

“Ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp, luật LĐ, tác phong để làm việc ở nước ngoài là rất quan trọng.

Các em không chỉ tính đến việc đi làm trong 3 năm mà còn phải tính đến ngày trở về”- ông Xuân Lanh nói thêm- “XKLĐ không chỉ có thu nhập để giảm nghèo bền vững mà còn là điều kiện, là cái vốn, là nơi học hỏi để các bạn về nước có thể khởi nghiệp từ số vốn của mình”.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước Nguyên Gia Liêm cho rằng: “Để XKLĐ hiệu quả, tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông vào địa phương quan tâm, đẩy mạnh XKLĐ.

Đồng thời, khi có người thật việc thật từ những LĐ làm việc nước ngoài thành công thì những thắc mắc của người dân, LĐ muốn tham gia sẽ được giải đáp từ chính LĐ này trở về. Từ đó, người dân tin tưởng và quan tâm hơn đến công tác XKLĐ”.

Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt, năm 2017, Vĩnh Long đưa 1.008 LĐ có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 144% kế hoạch năm. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tỉnh đưa 831 LĐ, đạt 55,4% kế hoạch năm (1.500 người). Trong đó tỷ lệ LĐ đi làm việc tại thị trường Nhật Bản trên 80%, thị trường Đài Loan khoảng 13%, Hàn Quốc gần 6% và các nước khác khoảng 1%.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN