Honda, Toyota và nhiều nhà sản xuất ô tô khác sẽ dừng việc xuất khẩu sang Việt Nam?

Cập nhật, 16:26, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

Các nhà sản xuất ôtô đã dừng việc xuất khẩu sang Việt Nam từ đầu năm sau quy định mới đòi hỏi kiểm tra nghiêm ngặt về các loại xe nhập khẩu.

Honda, Toyota và nhiều nhà sản xuất ô tô khác sẽ dừng việc xuất khẩu sang Việt Nam
Honda, Toyota và nhiều nhà sản xuất ô tô khác sẽ dừng việc xuất khẩu sang Việt Nam

Quy định mới này có hiệu lực ngay khi Việt Nam bãi bỏ thuế nhập khẩu ôtô cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á từ ngày 1/1, chậm hơn 2 năm so với các nước phát triển khác của khối.

Toyota Motor cho biết hôm thứ 3 rằng họ đã buộc phải dừng tất cả các khâu sản xuất cho việc xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này hiện chiếm khoảng 1/5 lượng xe bán ra trên thị trường, hay 1.000 chiếc mỗi tháng. Các mẫu xe nhập khẩu bao gồm Hilux, Yaris, xe thể thao đa dụng Fortuner và Lexus sang trọng.

"Thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại trong năm ngoái vì người tiêu dùng chờ đợi việc cắt giảm thuế vào cuối năm 2017", Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata nói với các phóng viên.

Thực tế, doanh số bán ô tô tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 đã giảm 10% xuống còn 245.000 chiếc.

"Chúng tôi dự đoán sẽ có bước nhảy vọt lớn vào năm 2018 nhưng do những rào cản phi thuế quan mà chính phủ Việt Nam đưa ra, chúng tôi không thể xuất khẩu sang thị trường này", ông nói.

Nghị định 116, công bố vào hồi tháng 10, yêu cầu các phép thử về phát thải và độ an toàn phải được tiến hành trên tất cả các lô ô tô nhập khẩu. Trong khi đó, trước đây, chỉ có lô hàng đầu tiên của mỗi một mẫu xe mới cần được kiểm tra.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết mỗi một bài kiểm tra phát thải có thể mất hai tháng và chi phí lên tới 10.000 USD.

"Điều này sẽ gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc", đại diện Toyota cho biết trong một tuyên bố vào tháng 12.

Nghị định cũng yêu cầu tất cả các mẫu xe phải có giấy chứng nhận VTA do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. VTA sẽ được dùng để chứng minh rằng chiếc xe đạt tiêu chuẩn của quốc gia mà nó sẽ được bán và thường được phát hành bởi các đơn vị trong nước của nước nhập khẩu.

Kể từ khi Nghị định được thông báo vào hồi tháng 10, chính phủ các nước như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại với Việt Nam rằng sẽ không thể tiếp tục xuất khẩu ô tô sang nước này.

Nhiều nhà sản xuất ô tô cũng đã bị bất ngờ bởi động thái trên.

Honda Motor, trước đó đã chuyển việc sản xuất CR-V, dòng sản phẩm chính của hãng dành cho thị trường Việt Nam, sang Thái Lan. Các bộ phận được vận chuyển từ Thái Lan đã được lắp ráp và hoàn thành tại Việt Nam. 

Honda nghĩ rằng hãng sẽ tận dụng được mức thuế quan bằng 0% để củng cố toàn bộ việc sản xuất dòng xe SUV ở Thái Lan và tiết kiệm chi phí. 

Nhưng với quy định như hiện nay, việc xuất khẩu xe sang Việt Nam đã phải dừng lại. 

Honda trước đó đã dự kiến ​​sẽ nhập 10.000 chiếc CR-V vào năm 2018, tăng 70% so với năm ngoái, đặc biệt là khi mẫu xe mới được đưa ra.

"Mẫu xe CR-V mới nhất rất được quan tâm và chúng tôi đã nhận được khoảng 200 đơn đặt hàng", chủ một đại lý tại Hà Nội nói.

"Nhưng những chiếc xe sẽ không thể đến trước thời điểm tháng 4", ông nói.

Ông bắt đầu trưng bày model CR-V mới nhất tại đại lý của mình vào hôm thứ 3 nhưng đây là một trong những lô thí điểm ban đầu được nhập khẩu từ Thái Lan vào tháng 12, trước khi nghị định có hiệu lực. Honda đã nộp thuế 30%.

Mitsubishi Motor cũng đã ngừng sản xuất dòng xe SUV Pajero Sports cho thị trường Việt Nam ở Thái Lan. 

Ford Thái Lan cũng cho biết: "Chúng tôi tiếp tục lo ngại các tác động đáng kể của quy định mới này lên hoạt động kinh doanh".

Việt Nam, cùng với Campuchia, Lào và Myanmar, đã có thời gian ân hạn kéo dài 2 năm để loại bỏ tất cả thuế quan đối với các mặt hàng đã được các thành viên ASEAN nhất trí khi khối 11 thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được khởi động vào cuối năm 2015.

Ngày 1/1, thuế xuất khẩu rượu whisky và mì ăn liền sang Campuchia, rượu vang sang Myanmar và bia cho Lào trong khu vực đã được gỡ bỏ, từ mức 5% trước đó.

AEC được thành lập để hội nhập nền kinh tế khu vực với tổng sản phẩm quốc nội là 2.500 tỷ USD và dân số là 640 triệu người, bằng cách tạo điều kiện cho dòng chảy tự do hàng hoá, dịch vụ và nguồn lao động. 

Các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất, đã tận dụng khuôn khổ này để thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới và thiết lập các chuỗi cung ứng trong khu vực. 

Theo Hoàng Quân(VNF/Nikkei)