Thanh trà được giá nhưng mất mùa

Cập nhật, 07:23, Thứ Ba, 05/03/2024 (GMT+7)
Thanh trà giá cao nhưng sản lượng ít, nhà vườn giảm lợi nhuận so với năm trước.
Thanh trà giá cao nhưng sản lượng ít, nhà vườn giảm lợi nhuận so với năm trước.

Dù là vào thời điểm thu hoạch rộ, giá ở mức cao, nhưng năm nay, nhiều nhà vườn trồng thanh trà tại TX Bình Minh lại kém vui bởi thanh trà mất mùa, sản lượng ít.

 

Theo nhiều nhà vườn tại TX Bình Minh, thanh trà là giống cây ăn trái lâu năm, có tốc độ phát triển khá chậm, thời gian cho thu hoạch khá lâu. Đối với cây ghép sẽ cho trái sau 3-4 năm trồng, còn với cây trồng bằng hạt đến 10 năm mới ra trái.
 
Trước nay, phần lớn nhà vườn trồng thanh trà theo lối quảng canh, không đầu tư phân thuốc, chủ yếu ra hoa, đậu trái tự nhiên. Trái thanh trà có vị thơm nhẹ và phổ biến với hương vị chua mát, ngọt thanh. Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại thanh trà nhưng chủ yếu được chia thành 2 vị là ngọt và chua.
 
Cây thường ra hoa vào tháng 11 hàng năm, sau 1 tuần thì đậu trái. Theo đó, thanh trà bắt đầu cho thu hoạch từ trước Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 4, thời điểm chính vụ thường rơi vào tháng 2 âl.
 
Dù mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ nhưng nhờ thời gian kéo dài, giá tương đối cao nên cây thanh trà đã mang lại nguồn kinh tế ổn định, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Hiện toàn TX Bình Minh có hơn 15ha trồng thanh trà, nhiều nhất ở xã Đông Thành.
 
Tuy nhiên, khác với mọi năm, nhiều nhà vườn tại TX Bình Minh cho hay, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên thanh trà giảm năng suất. Theo đó, thu mua thanh trà tại vườn có giá 40.000-65.000 đ/kg, tại các điểm bán lẻ từ 95.000-130.000 đ/kg, tăng 20.000-25.000 đ/kg so với cùng kỳ.
 
Chú Nguyễn Văn Út (xã Đông Thành, TX Bình Minh) cho hay: “Năm nay thanh trà bị thất mùa, ra bông mà không đậu trái. Hoặc có đậu trái thì trái nhỏ, chưa kịp chín đã rụng”.
 
Ông Huỳnh Văn Cập- Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ cây giống- quả thanh trà ngọt Đông Thành (TX Bình Minh) cho biết: Trước kia, người dân chủ yếu trồng cây thanh trà chua, những năm gần đây, dần phát triển diện tích thanh trà ngọt, mang lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, năm nay, thanh trà chua lẫn thanh trà ngọt đều ít đậu trái, năng suất giảm nhiều, có vườn giảm đến 70-80%, khiến nhà vườn mất mùa. 
 
Theo ông Cập, nguyên nhân thanh trà giảm sản lượng nhiều là do thời tiết nắng nóng từ đầu vụ, trời lạnh trễ, khiến cây thanh trà ra hoa muộn nên tỷ lệ đậu trái rất thấp, cho trái nhỏ, trái chưa chín đã rụng đầy vườn.
 
“Ngay từ đầu vụ tôi đã thấy khả năng đậu trái của thanh trà ngọt đạt thấp, chỉ lai rai, nên tôi đã nghiên cứu xử lý nghịch vụ. Theo đó, vụ thanh trà chính vụ này vườn của tôi không có trái nhiều mà tập trung chủ yếu thu hoạch vào khoảng giữa tháng 4, khi đó trễ chính vụ. Nhưng dự đoán sản lượng cũng không bằng mọi năm”- ông Cập cho biết thêm. 
 
Theo ông Cập, thời gian qua, với mong muốn nhân rộng và phát triển giống thanh trà ngọt, địa phương cùng ngành chức năng đã thực hiện đề án hỗ trợ cho người dân về cây giống, đồng thời tuyên truyền cho người dân cải tạo vườn cũ, tăng cường chăm sóc để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất để phát triển thành vùng nguyên liệu đặc sản cho địa phương.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành, cho biết: Tổng sản lượng thanh trà chua năm 2023 khoảng 30 tấn, giảm 80% so với năm trước. Địa phương sẽ phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan, nhà khoa học để hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhà vườn để tăng năng suất, giúp cây thanh trà phát triển tốt hơn. 
 
Theo Phòng Kinh tế TX Bình Minh, thời gian qua, nhận thấy tiềm năng của cây thanh trà, phòng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu thanh trà ngọt, bảo hộ quyền cây giống, nhãn hiệu hàng hóa tập thể, phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương.
 
Về lâu dài, phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bảo tồn giống cây thanh trà, phối hợp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ thanh trà để nâng cao giá trị của cây trồng này, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đồng thời khuyến khích người dân trồng theo hướng an toàn hữu cơ, có thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: TRÀ MY