Kết nối cung cầu

Sản phẩm đi xa, doanh nghiệp thêm đầu ra

Cập nhật, 05:09, Thứ Sáu, 15/06/2018 (GMT+7)

 

Kết nối cung cầu là dịp để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Kết nối cung cầu là dịp để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Không chỉ giúp mở rộng mạng lưới tiêu thụ, gỡ khó về đầu ra cho sản phẩm, các buổi kết nối cung cầu còn là cầu nối giúp gắn kết bền chặt hơn giữa nhà sản xuất- Nhà nước- nhà phân phối.

Gỡ khó đầu ra

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), hiện nay nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động cải thiện về “gỗ” lẫn “sơn” để đứng vững và phát triển hơn.

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng mà DN còn cải tiến mẫu mã, bao bì sao cho vừa đẹp mắt vừa ngon lòng. Bằng chứng là ngày càng có nhiều sản phẩm “vừa có tiếng vừa có miếng”, nhiều sản phẩm vào được các kênh phân phối hiện đại có tiêu chuẩn cao, như nước mắm Gia Hỷ, trứng Vĩnh Nghiệp, kẹo đậu phộng Sơn Hải, bột mì Đại Nam...

Tuy nhiên, cũng có không ít cơ sở, DN sản xuất với quy mô nhỏ, tuy đạt các tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng nhưng còn gặp không ít khó khăn về đầu ra. Chính vì vậy các buổi kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa chính là “cơ hội vàng” để cơ sở, DN tìm được đầu ra ổn định, đồng thời đây là kênh để xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình.

Tại buổi kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa giữa cơ sở, DN Vĩnh Long và các nhà phân phối Tây Nguyên và phía Bắc, ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Nhật Quỳnh- đại diện nhà phân phối khu vực Tây Nguyên và phía Bắc cho biết: “Là nhà phân phối, kinh doanh quan trọng là phải tìm được sản phẩm có chất lượng, uy tín và nhà phân phối- nhà sản xuất uy tín. Theo đó, sản phẩm phải đảm bảo về chất lượng, bao bì, mẫu mã, thời hạn sử dụng.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm cùng loại do đó tôi mong muốn tìm được sản phẩm an toàn. Theo đánh giá của một số nhà phân phối khác tại Tây Nguyên thì sản phẩm của Vĩnh Long thơm, ngon, chất lượng, có khả năng tiêu thụ mạnh và bền vững”.

Theo ghi nhận tại những buổi kết nối cung cầu trong thời gian gần đây, các cơ sở, DN Vĩnh Long đã chủ động “PR” mình hơn, nhiệt tình tư vấn, giới thiệu về sản phẩm chứ không còn e dè, ngại ngùng như trước đây.

Đồng thời nhiều sản phẩm được dùng tại chỗ như trà khổ qua rừng, nem- chả lụa Sáu Xệ, cốm Ngọc Bích, kẹo đậu phộng Sơn Hải... cũng nhận được nhiều lời khen của nhà phân phối. Các đơn vị tỉnh nhà còn nhiệt tình tặng sản phẩm cho nhà phân phối làm quà, giới thiệu thêm với các nhà phân phối khác...

Đại diện hộ kinh doanh- sản xuất cốm Ngọc Bích (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) phấn khởi cho hay đã ký kết được nhiều biên bản ghi nhớ với nhà phân phối các tỉnh bạn. “Nhờ những buổi kết nối như vậy mà các tỉnh phía ngoài biết về cơ sở hơn, qua đây, vừa tìm được đầu ra, vừa khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình”- đại diện cơ sở cho hay.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- đánh giá: Các sản phẩm hàng hóa Vĩnh Long tham gia giao thương lần này là những sản phẩm có chất lượng, sản phẩm đặc sản truyền thống của các địa phương trong tỉnh.

Đây cũng là tiền đề cho việc phát triển sản phẩm mở rộng thị trường ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và phía Bắc như Kon Tum, Gia Lai, Bình Phước, Đăk Lăk...

Cơ hội gắn kết

Có thể thấy, các buổi kết nối cung cầu cũng là dịp để cơ sở, nhà sản xuất lắng nghe, hiểu thêm về nhu cầu của nhà phân phối lẫn người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm mình hơn. Theo đó, phía nhà phân phối cũng cho biết những điểm hạn chế của sản phẩm và khuyến nghị cơ sở nghiên cứu khắc phục.

Ông Vũ Văn Năng bày tỏ: Tuy ngon, chất lượng nhưng một số sản phẩm có mẫu mã chưa phù hợp, khó vận chuyển nên làm giảm “điểm” trong mắt nhà phân phối.

Điển hình như sản phẩm bánh tráng giấy Tường Lộc ngon, thơm nhưng dễ bể, khó vận chuyển. Hay tàu hủ ky Mỹ Hòa chất lượng tốt nhưng hạn sử dụng ngắn, khi vận chuyển xa đến các tỉnh- thành khác thì dễ rơi vào “hàng hết đát”.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tìm được thị trường thông qua các buổi kết nối cung cầu.
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tìm được thị trường thông qua các buổi kết nối cung cầu.

Tại buổi kết nối, các cơ sở DN cũng đã “gật gù” tiếp nhận, lắng nghe những phản hồi của các nhà phân phối, đồng thời cũng chủ động trao đổi với nhà phân phối những vướng mắc, hạn chế để có hướng khắc
phục kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Còn cho rằng: Buổi kết nối là nơi để nhà sản xuất và nhà phân phối gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao thương và tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác. Đồng thời, cũng là động lực cho các doanh nghiệp vững bước phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, để mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối bền chặt thì rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước- các ngành chức năng tăng cường thực hiện các chương trình kết nối cung cầu, làm cầu nối vững chắc và tin cậy giữa các DN thì các cơ sở, nhà sản xuất, DN cần phải có sự đầu tư để làm sao có những sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường.

Đồng thời, phía nhà phân phối cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất đưa sản phẩm đủ chuẩn vào tiêu thụ.

Có như vậy, điệp khúc “được mùa, mất giá, khó đầu ra” mới dần được hạn chế, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hàng Việt Nam trên sân nhà- vốn đang bị cạnh tranh gay gắt.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN